Nâng ‘chất’ dịch vụ công: Những đề xuất táo bạo và thẳng thắn

13/09/2018 11:08 AM

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu: “Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cần nghiên cứu thêm mô hình xã hội hóa thủ tục hành chính công. Phải làm sao thật chặt chẽ, tránh tình trạng lại có thêm một tổ chức biến tướng dạng ‘cò’ để làm dịch vụ công”.

Trung tâm Hành chính công tỉnh Bình Thuận đi vào hoạt động giúp người dân dễ dàng tiếp cận thông tin đầu tư. Ảnh: Zing.vn
Đề xuất xã hội hóa dịch vụ công

Với việc thiết lập trung tâm hành chính công (TTHCC) để xử lý, cung cấp các dịch vụ công cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp (DN) theo tiêu chí một cửa, nhiều địa phương xác nhận đã có những chuyển biến đáng kể trong cải thiện chất lượng dịch vụ công.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu, ở giai đoạn vận hành TTHCC ban đầu, nhiều cán bộ các sở, ngành khá ngại ngùng, vì tâm lý bỡ ngỡ trước cái mới cũng có, mà vì tư tưởng không muốn nhường “quyền” thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) vào TTHCC cũng có.

Tuy nhiên, sau thời gian e ngại bị  gò bó vào kỷ luật làm việc nghiêm khắc, chỉn chu về thái độ hành xử với DN, người dân, phải xử lý công việc đúng hạn, không còn “gửi gắm”, đến nay “nhiều cán bộ công chức còn mong muốn được cử ra TTHCC làm việc, phần vì nhận thấy hiệu quả công việc tốt lên rất nhanh, phần vì nhận ra sự thoải mái khi làm việc trong môi trường minh bạch”, vị lãnh đạo chia sẻ.

Tương tự, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh cho hay, với 33.000 DN trong và ngoài nước đang trú đóng trên địa bàn, thì lượng TTHC mà địa phương này phải thực hiện là rất lớn. Riêng thủ tục đất đai cần giải quyết mỗi năm đã lên tới 100.000 hồ sơ. Nhưng từ khi lập TTHCC vào tháng 5/2017, chi phí cho DN và người dân đã được “giảm tải” đáng kể. Không những thế, lãnh đạo UBND tỉnh còn có thể dễ dàng giám sát được một phần quan trọng công tác thực thi TTHC tại các sở, ngành.

Thậm chí tại Bắc Ninh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tử Quỳnh còn hào hứng cho hay 20% TTHC tại TTHCC đã được thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” (tiếp nhận - thẩm định - phê duyệt - trả kết quả). Dự kiến đến năm 2020, con số này sẽ được nâng dần lên mức 80%.

Sau một năm thực hiện “4 tại chỗ”, tính toán sơ bộ cho thấy thời gian xử lý hồ sơ hành chính cho DN và người dân đã giảm được hơn 16.800 giờ. Thời gian DN và người dân giao dịch với ngân hàng và các cơ quan chức năng cũng giảm đi khoảng 144.000 giờ/năm. “Riêng số biên chế dành cho công tác thu phí dịch vụ công từ tỉnh tới huyện đã giảm đi hàng chục người so với mô hình để người dân và DN tự liên hệ từng sở ngành để làm TTHC như trước đây”, ông Quỳnh cho biết thêm.

Trong khi mô hình TTHCC được các địa phương chứng minh vẫn đang thể hiện hiệu quả, kinh tế, thì Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh lại nêu thêm một đề xuất táo bạo khác để công tác “nâng chất” TTHC có bước “nhảy vọt”. Đó là cho phép hình thành các công ty dịch vụ công như kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới - tức xã hội hóa thủ tục hành chính công.

Theo đó, chủ trương này có thể bắt đầu từ một công ty có mạng lưới rộng khắp, về tận cấp xã như Bưu điện Việt Nam. Đội ngũ nhân lực tại đây có thể được đào tạo để nắm được các TTHC, hướng dẫn người dân và DN thực hiện hồ sơ, nhận hồ sơ, thu phí và trả kết quả, “khi xã hội hóa thì tránh được độc quyền”, ông Khánh nhấn mạnh.

Đề xuất của đại diện Bộ Công thương tuy nhận được sự đồng tình về quan điểm, nhưng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình - người chủ trì Hội nghị “Nâng cao chất lượng giải quyết TTHC” - cũng thận trọng cho rằng “Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ cần nghiên cứu thêm mô hình này. Phải làm sao thật chặt chẽ, tránh tình trạng lại có thêm một tổ chức biến tướng dạng ‘cò’ để làm dịch vụ công”.

Tỉ lệ giải quyết TTHC trực tuyến còn thấp

Trên một phương diện khác, thống kê chung từ Bộ TT&TT cho thấy, mục tiêu nâng dần tỉ lệ giải quyết TTHC từ hình thức offline (DN, người dân trực tiếp đến các sở ngành, TTHCC) sang hình thức online (trực tuyến) còn thấp… đều ở mọi bộ ngành, địa phương.

Báo cáo trước Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phạm Hồng Hải khẳng định: Với các bộ, cơ quan ngang bộ và Văn phòng Chính phủ thì đến nay tỉ lệ dịch vụ công có phát sinh hồ sơ trực tuyến mới đạt 37%. Tại các địa phương, nơi đang cung cấp hàng chục nghìn dịch vụ công trực tuyến thì tỉ lệ ấy cũng chỉ dừng lại ở mức 10%.

Vì sao như vậy? Trong số rất nhiều nguyên nhân được lãnh đạo các địa phương và bộ, ngành chỉ ra, có thể thấy phổ biến nhất là yếu tố chênh lệch trong việc sử dụng hệ thống thông tin. Trong đó có phần nguyên nhân do hạ tầng kỹ thuật lạc hậu - đầu tư chưa đồng bộ giữa phần cứng và phần mềm; sự “vênh” nhau về số lượng và chất lượng nhân lực phụ trách công nghệ thông tin giữa các đô thị lớn với các địa phương có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; sự khác biệt về các phần mềm được sử dụng, khác biệt về định dạng dữ liệu lưu trữ… Tất cả những “cong vênh” ấy khiến quá trình liên thông trao đổi dữ liệu và chấp nhận TTHC trực tuyến giữa các cơ quan, sở ngành, địa phương gặp phải những “hòn đá tảng”.

Thế nên hầu hết các đại diện địa phương khi báo cáo trước đại diện Chính phủ về cải cách TTHC, đặc biệt là với mục tiêu “nâng chất” cho dịch vụ công trực tuyến, đã cùng khẩn thiết đề nghị phải thống nhất cơ sở dữ liệu ở cấp quốc gia về đất đai, dân cư, an sinh xã hội, tài chính...

Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội còn đề xuất Chính phủ chỉ đạo để các sở, ngành, địa phương có hạ tầng kiến trúc thống nhất về công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các cổng dịch vụ công trực tuyến. Từ đó mới có thể tương thích, kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia - dự kiến sẽ ra đời vào đầu năm 2019.

Ngoài ra, cũng cần có “đại bản doanh” chỉ đạo chung về thực hiện chính quyền điện tử và thành phố thông minh, “đề nghị Bộ TT&TT chủ trì công tác tập huấn đào tạo đội ngũ nhân lực công nghệ thông tin và xây dựng khung pháp lý chung trình Chính phủ quyết định để các địa phương triển khai một cách tự tin và đồng bộ hơn”, đại diện tỉnh Quảng Ninh và Quảng Bình cùng nêu kiến nghị.

Ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng trần tình, dù nhiều lĩnh vực ở tỉnh này đã liên thông để cùng cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, nhưng đôi khi những chứng từ điện tử từ các thủ tục online này lại không được kho bạc chấp nhận. “Chúng tôi rất mong sắp tới có thể sớm liên thông các cơ quan như thuế, tư pháp, công an, kho bạc, đất đai để chia sẻ cơ sở dữ liệu chung. Cùng một thủ tục mà ngành này chấp nhận, ngành kia chưa chấp nhận lại gây thêm khó khăn cho người dân và DN”.

Có lẽ vì vậy nên khi kết luận Hội nghị và “chốt” nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cũng đã nêu nhắc nhở: “Dù chỉ số hài lòng với các dịch vụ công và cải cách TTHC ngày càng cải thiện, nhưng Chính phủ vẫn nghe dư luận về chi phí ‘ngoài luồng’, chi phí không chính thức. Không hiếm nơi đang bị kêu còn có nhiều ‘cửa’ và ‘khóa’ không cần thiết”.

Phương Hiền

Top