Ngành nông nghiệp tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015

25/12/2014 1:20 PM

Sáng nay 25-12, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tổ chưc Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2014 và triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2015 của ngành nông nghiệp. Đầu cầu TPHCM, có sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm và lãnh đạo các sở, ngành TP.

 
Toàn cảnh  Hội nghị tại đầu cầu TPHCM.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, năm 2014, thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản cả trong nước và xuất khẩu được phát triển, mở rộng. Tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt 30,86 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2013. Trong đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như cà phê tăng 32,2%, hạt điều tăng 21,1%, hồ tiêu tăng 34,1%, rau quả tăng 34,9%, thủy sản tăng 18%, lâm sản và đồ gỗ tăng 12,7%, gạo tăng 5,3% (không kể tiểu ngạch). Đã có 10 mặt hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (gạo, cà phê, cao su, điều, tiêu, sắn, rau quả, tôm, cá tra, lâm sản). Xuất khẩu tăng mạnh tạo điều kiện thuận lợi duy trì giá trong nước có lợi cho nông dân. Thị trường trong nước đối với nhiều loại sản phẩm ít hoặc không xuất khẩu cũng được cải thiện, nhất là đối với các sản phẩm chăn nuôi.

Nhờ những nỗ lực và kết quả tích cực đó, giá trị sản xuất toàn ngành (theo giá so sánh 2010) tăng 3,6%, tốc độ tăng GDP ngành đạt 3,3%, vượt mục tiêu Chính phủ đề ra (là 3,27%) và cao hơn nhiều so với năm 2013 (tương ứng là 3,0% và 2,64%). Có thể nói, tổng thể năm 2014 là năm ngành nông nghiệp được mùa, được giá.

Mặt khác, chất lượng tăng trưởng tiếp tục được cải thiện, tỷ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất ngành đã tăng từ 57% năm 2010 lên 63,9% năm 2012, 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014. 

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới tiếp tục được các cấp, các ngành, địa phương chỉ đạo triển khai mạnh mẽ; được nhân dân nhiệt tình ủng hộ nên đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, đã có 97% số xã phê duyệt quy hoạch Nông thôn mới, 87% số xã phê duyệt đề án, trên 9.000 mô hình được đưa vào sản xuất.

Dự kiến hết năm 2014, bình quân mỗi xã đạt 10 tiêu chí, tăng 5,38 tiêu chí/xã so với năm 2010 và tăng 2,13 tiêu chí so với năm 2013; 785 xã đạt chuẩn (8,8%), 1.285 xã (14,5%) đạt từ 15 đến 18 tiêu chí, 2.836 xã (32,1 %) đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 2.964 xã (33,6 %) đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, 945 xã (11%) đạt dưới 5 tiêu chí và không còn xã trắng tiêu chí. Có 2 đơn vị cấp huyện (Long Khánh và Xuân Lộc - tỉnh Đồng Nai) đạt chuẩn Nông thôn mới.

Về nhiệm vụ năm 2015,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu, nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất; tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới;  phát triển thủy lợi và cơ sở hạ tầng chuyên ngành; đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; đổi mới tổ chức sản xuất; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế, phát triển thị trường, thúc đẩy xuất khẩu; tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp và vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí.
 
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra mục tiêu năm 2015, tăng trưởng GDP toàn ngành đạt từ 3,0-3,3%; giá trị sản xuất tăng từ 3,5-3,7% so với năm 2014 (trong đó trồng trọt 2,5-2,8%, chăn nuôi 2,8-3,2%, lâm nghiệp 6,0-6,5%, thủy sản 6,0-6,5%); giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản đạt 32 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; số xã trên cả nước đạt tiêu chí Nông thôn mới là 20%.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao kết quả toàn diện và tích cực của ngành nông nghiệp trong năm 2014.

Phó Thủ tướng thống nhất các giải pháp phát triển năm 2015 của Bộ và đề nghị Bộ tiếp tục tập trung nâng cao hiệu quả ngành, cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính; cơ cấu tổ chức và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu thay đổi nhận thức của người dân trong sản xuất nông nghiệp; nhân rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao và tháo gở những khó khăn để mô hình này phát triển bền vững; hợp tác liên kết doanh nghiệp và hợp tác xã; tăng cường mối liên kết giửa nhà Khoa học – Nông dân – Doanh nghiệp.

Hà Trang
Top