Ngày 17/4, Long An thu phí dự án BOT đầu tiên

10/04/2018 7:45 PM

(Chinhphu.vn) - Dự án BOT đường tỉnh 830 và 824 đoạn từ cầu An Thạnh đến Thị trấn Đức Hoà, tỉnh Long An sẽ được chủ đầu tư tổ chức thu phí thử vào ngày 17/4 tới với mức phí từ 30.000 – 35.000 đồng/xe/lượt.

Một trạm thu phí thuộc dự án BOT đường tỉnh 830. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Chủ đầu tư dự án nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 830 và 824 là liên danh Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương, Công ty TNHH B.O.T 830 và Bamboo Capital Group. Dự án có tổng mức đầu tư 1.079 tỷ đồng, chiều dài toàn tuyến hơn 24km. Vận tốc thiết kế đạt 80km/h, riêng các đoạn qua khu đô thị lưu thông với vận tốc 60km/h.

Trên tuyến đường tỉnh 830 có 2 trạm thu phí thuộc xã An Thạnh, huyện Bến Lức và xã Hữu Thạnh, huyện Đức Hoà, tỉnh Long An.  

Ngày 10/4, ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư xây dựng thương mại Băng Dương, đại diện liên doanh chủ đầu tư cho biết, vào ngày 17/4 tới sẽ tổ chức thu phí thử dự án BOT đường tỉnh 830 và 824 đoạn từ cầu An Thạnh đến Thị trấn Đức Hoà, tỉnh Long An với mức phí từ 30.000 – 35.000 đồng/xe/lượt.

Riêng các xe ô tô không sử dụng mục đích kinh doanh vận tải dọc tuyến sẽ được miễn phí hoàn toàn, các xe nằm giữa cung đường sẽ được giảm 20% mỗi lần mua vé. Dự kiến, phương án thu phí hoàn vốn trong 18 năm.

Theo ông Nguyễn Hoài Trung, Trưởng phòng Quản lý chất lượng công trình giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Long An: Đây là dự án BOT đầu tiên và là dự án thí điểm tại Long An. Sau khi tổng kết, đánh giá Sở Giao thông vận tải sẽ tham mưu cho UBND tỉnh triển khai các dự án BOT khác trên địa bàn.

Thống kê sơ bộ, mỗi ngày trên tuyến đường tỉnh 830 và 824 có khoảng 30.000 xe ô tô dưới 9 chỗ lưu thông. Sở Giao thông vận tải đã chuẩn bị các phương án phân luồng, kết nối, đảm bảo an toàn, trật tự giao thông trên tuyến đường tỉnh 830.

Dự án đường tỉnh 830 và 824 được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực trung chuyển hàng hoá từ các khu công nghiệp trọng điểm của tỉnh Long An, đồng thời tăng cường vận chuyển hàng hoá giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu long với TPHCM, góp phần “chia lửa” áp lực quá tải cho các tuyến đường cửa ngõ của TPHCM và các tỉnh trong vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nam Đàn

Top