Ngôi nhà ấm áp của các nghệ sĩ già cô đơn

13/03/2019 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TPHCM được biết đến là trung tâm dưỡng lão duy nhất cả nước dành cho những nghệ sĩ. Họ đều là những gương mặt thân quen, từng là những ngôi sao sáng một thời, được công chúng ngưỡng mộ.

Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TPHCM - Ảnh VGP/ Bình Nguyên

Viện dưỡng lão nghệ sĩ nằm khuất sâu trong con hẻm nhỏ đường Âu Dương Lân (Quận 8, TPHCM), quanh năm không khí trong lành, mát mẻ vì được phủ kín nhiều cây xanh, đẹp và rất thơ mộng. Trong viện, mỗi nghệ sĩ ở một phòng riêng khoảng 10 mét vuông, đủ chỗ cho một chiếc giường, cái tủ nhỏ và quạt máy, có ban công nhỏ để ngồi hóng mát. Viện còn có sân khấu, là sàn diễn chung của các nghệ sĩ do nhiều mạnh thường quân góp sức xây dựng.

Các cụ ở viện đa số không còn sức khỏe nên không còn đi diễn nữa. Ngoài cụ Thiên Kim vẫn còn là ngôi sao các phim truyền hình với những vai bà lão phù hợp, thì các cụ còn lại chỉ còn biết sống dựa vào từ thiện. Một số cụ trước khi được vào đây an dưỡng đã rất vất vả, phải đi bán vé số dạo, dù cách đây vài chục năm, các cụ là những “ngôi sao” trên sân khấu lẫn ngoài đời.

Hiện viện dưỡng lão có khoảng 23 cụ: Thiên Kim, Kiều Thu, hoạ sĩ Hoài Nam, hề Trường Sơn (đang làm bảo vệ), quản lý Trường, ông Tám hậu đài, hề Nam Thanh, Tuyết Nga, bà Tô, bà Tám y trang, Minh Viễn, nghệ sĩ Thanh An, Thành Phá Lang, cô nhạc sĩ piano Ngọc Bê, Lệ Thẩm, bà Bạch Yến…

Ở đây, các nghệ sĩ thường xuyên tham gia giao lưu văn nghệ, đó là những tên tuổi “vang bóng một thời” như: Ngọc Đáng, Hoài Dung, Thiên Kim, Diệu Hiền... Bởi họ vẫn còn “nặng nợ" với nghề, những tiết mục trình diễn cho nhau xem, đã thắp nên nên một ngọn lửa ấm áp sưởi ấm cho nhau trong những ngày tháng hiu quạnh của tuổi già.

Và mỗi khi có người đến thăm, các cụ đều nhiệt tình hát tặng khách và chia sẻ những câu chuyện lòng thật ý nghĩa và đầy xúc động của mình.

Nghệ sĩ Hoài Dung thường ra ngồi trước khoảnh sân thoáng mát của viện dưỡng lão và ngắm sân khấu trong khuôn viên. Đây vốn là sàn diễn chung của các nghệ sĩ do nhiều mạnh thường quân góp sức xây dựng lại năm ngoái. Vừa nhìn bục gỗ bà vừa nhẩm lại vài câu của vở Tướng cướp Bạch Hải Đường, do chồng bà (Nguyễn Huỳnh) là tác giả. Sáu người con của nghệ sĩ Hoài Dung người lái xe ôm, người đi làm thuê, cuộc sống khá chật vật nên bà không nỡ nhận tiền của chúng. Hiện nghệ sĩ sống nhờ tiền của các mạnh thường quân cộng thêm tiền trợ cấp 380.000 đồng mỗi tháng từ ngân sách nhà nước.

Không khí ở Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TPHCM rộn ràng hơn khi ca sĩ Mỹ Tâm đến thăm hỏi và hát tặng - Ảnh VGP/ Bình Nguyên

Còn nhạc sĩ Ngọc Bê (năm nay đã gần 80 tuổi , bà là cháu nghệ sĩ Phùng Há, người sáng lập ra nơi này) chia sẻ: "Thời xưa tôi làm cho rất nhiều đoàn lớn bé, nào là Thanh Chung, là Ngọc Nga... cả tuổi trẻ đi rong ruổi khắp nơi trên đất nước để gặp mặt khán giả hâm mộ mình. Đi đến đâu là người hâm mộ họ bao vây đến đó, xin chữ ký, xin hình rồi tặng quà, gửi thư  đủ cả. Ở gánh hát, tôi sáng tác nhạc và đàn, các tác phẩm của tôi được nhiều gánh sử dụng lắm. Chúng tôi đã từng là những ngôi sao thực sự... Nhưng đó là quá khứ rồi. Những người yêu thương chúng tôi, họ đã già hoặc đã khuất núi, thời thế đã qua”.

Theo soạn giả Đức Hiền - Ban quản lý Viện, để vào được viện dưỡng lão và trở thành người chính thức, không phải ai cũng có đủ điều kiện và nếu có đủ điều kiện thì cũng phải chờ thêm “may mắn” nữa. Điều kiện ở viện là các nghệ sĩ phải có hơn 20 năm hoạt động trong nghề - được nhiều khán giả yêu mếm (hâm mộ), cụ ông phải trên 65 tuổi và cụ bà trên 60, đặc biệt là chỉ duyệt cho những hoàn cảnh nghèo khó, không nơi nương thân… Và “may mắn” nằm ở chỗ, viện dưỡng lão chỉ có hơn 20 phòng nên người mới chỉ được vào khi người cũ đã “ra đi”…

Nghệ sĩ Thanh An bộc bạch: "Chúng tôi được vào đây là mừng lắm rồi. Ở ngoài kia có hơn cả trăm đồng nghiệp đang ngày càng già yếu và thiếu thốn nhưng chưa đủ điều kiện vào hoặc đủ nhưng chưa có chỗ để vào. Có người cả đời chỉ mong được xem xét cho vào viện để có thể sống những ngày an nhàn bên bạn bè, đồng nghiệp cũ, sống trong cái tình sân khấu nhưng đến lúc chết vẫn chưa được".

Trong tương lai gần, khu Viện Dưỡng lão Nghệ sĩ TPHCM sẽ mở rộng, tiếp nhận nhiều nghệ sĩ lão làng từ nhiều lĩnh vực khác nhau như âm nhạc, điện ảnh, múa, xiếc, ảo thuật, hội họa, sân khấu. Có thể nói, đây là một trong những viện dưỡng lão tốt nhất tại TPHCM thẫm đượm tính nhân văn - Một ngôi nhà ấm áp cho các lão nghệ sĩ.

Ban Ái Hữu nghệ sĩ TPHCM là một tổ chức xã hội từ thiện ra đời tại Sài Gòn năm 1946, quy tụ giới sân khấu và các nhà báo, nhà phê bình sân khấu do các nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Phùng Há, Năm Châu... sáng lập.

Năm 1981, Ban Ái Hữu trở thành một Ban của Hội Sân khấu TPHCM. Đây là nơi sinh hoạt của anh chị em làm nghề không kể tuổi tác, hội viên hay không. Ban Ái Hữu nghệ sĩ điều hành và quản lý khu dưỡng lão nghệ sĩ, nghĩa trang và chùa nghệ sĩ tại TPHCM.

Bình Nguyên

Top