Người quản trang

22/04/2019 5:48 PM

(Chinhphu.vn) - Nghĩa trang Vĩnh Hưng nằm bên sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) gần biên giới Campuchia mà anh trai tôi và đồng đội yên nghỉ khá đẹp. Nơi đó có vợ chồng ông Hai Thương - người quản trang già hơn 20 năm lo nhang khói cho hơn 3.000 liệt sĩ, phần lớn là người Bắc, trong đó có hơn 2.000 liệt sĩ vô danh.

Ông Hai Thương - người quản trang chăm sóc mộ phần liệt sĩ tại Nghĩa trang Vĩnh Hưng tỉnh Long An.

Tôi có người anh trai hy sinh trong chiến trường miền Nam (tháng 1/1975) khi còn rất trẻ, mới 20 tuổi! Chỉ trước đó mấy tháng, một hôm đi làm về, mẹ tôi vui lắm, bảo: “Mẹ vừa nhận được thư của chú Anh Đức (Nhà văn Bùi Đức Ái) nói có gặp anh Huyên trong chiến trường B, ai đời lại còn xăm “Sinh Bắc tử Nam” nữa chứ ”. “Cái thằng này, thế thì nó ám vào người đấy con ạ”, vừa nấu ăn, mẹ tôi cứ lẩm bẩm trong miệng.

Sau ngày miền Nam được giải phóng không bao lâu, một người chỉ huy đơn vị đến báo tin. Trung đội bị địch tập kích, phải rút qua sông Vàm Cỏ Tây, anh Huyên đã bơi sang được bờ kia vừa chạy được mấy bước thì trúng đạn! Cũng từ đó bố mẹ tôi mấy lần vào miền Nam đi tìm mộ, nghe hết người nọ người kia chỉ dẫn, nhưng hy vọng thật mong manh.

Rồi phải đến hơn mười năm sau (lúc đó mẹ tôi đã mất) có một anh nhà ở gần khu chợ Đồng Xuân vừa tìm được mộ cậu em về, bảo có thấy một ngôi ghi địa chỉ 27 TBT - Hà Nội có tên (chỉ khác Huyên là Nguyên, chắc giọng trong đó đọc vậy) người đó luận khắp tên phố ở Hà Nội, và cuối cùng đã tìm đến nhà tôi.

Nghĩa trang Vĩnh Hưng nằm bên sông Vàm Cỏ Tây (tỉnh Long An) gần biên giới Campuchia mà anh trai tôi và đồng đội yên nghỉ khá đẹp. Nơi đó có vợ chồng ông Hai Thương - người quản trang già hơn  20 năm lo nhang khói, chăm sóc mộ phần cho hơn 3.000 liệt sĩ, phần lớn là người Bắc, trong đó có hơn 2.000 liệt sĩ vô danh.

Công việc quản lý nghĩa trang coi vậy mà cũng rất bận rộn. Có nhiều gia đình chưa thống nhất ý kiến với nhau, người thì muốn để liệt sĩ yên nghỉ tại nghĩa trang, người lại muốn đưa về quê cho tiện bề hương khói. Cũng có một số gia đình tin vào lời nhà ngoại cảm cứ nằng nặc đòi địa phương chứng nhận ngôi mộ “liệt sĩ chưa biết tên” đó là của thân nhân mình để cất bốc. Trong khi đó, nhiều trường hợp không được cho phép thì người ta lăm le bốc trộm.

Những lúc như vậy, đêm nào ông Hai cũng ôm chăn chiếu ra nghĩa trang, nằm gần ngôi mộ để canh giữ. Hôm rồi về Vĩnh Hưng, tôi có gặp một người lính của Đội K73 (làm công việc tìm kiếm cất bốc, hồi hương hài cốt - trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Long An), bảo: “Độ rày đi tìm hài cốt khó hơn các năm trước dữ lắm! Những khu mộ chôn tập trung, mình đã cất bốc hết rồi. Phải đào qua, xáo lại cả chục lượt trên một khu đất nghi ngờ có mộ mới phát hiện được. Lính bọn tui cứ ăn rừng, ngủ chùa miết”. Lần này các anh đã đưa 9 bộ hài cốt về đây chôn cất, cũng đều không có tên! Sau Lễ truy điệu và an táng, ông Hai Thương nói khẽ: “Đấy các anh ở Đội K73 vất vả thế mới đưa các anh về yên mình nơi đây, ấy thế mà một số nhà ngoại cảm “rởm” xui gia đình bốc trộm, các anh về không đúng quê, để họ bơ vơ lần nữa hay sao?!”.

Mặc dù hài cốt của anh Huyên gia đình tôi đã xin phép bốc về nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội, nhưng mỗi khi có dịp về Long An tôi vẫn hay đến thăm vợ chồng người quản trang. Lần nào cũng vậy, ông Hai Thương vẫn nhắc đến anh trai tôi, cứ tối đến thì hay đọc thơ, còn hát cả nhạc bolero nữa. Dịp này ngôi mộ nào cũng được thắp nến, nhang đêm đêm đỏ rực cả một vùng biên giới, sáng bừng cả mặt sông Vàm Cỏ Tây như soi đường cho ai đó còn nằm lại nơi đồi dốc thẳng đứng, rừng âm u dày đặc, mau mà về đây với đồng đội.

Bình Nguyên

Top