Người trẻ không quay lưng với âm nhạc dân tộc

03/09/2019 1:00 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là khẳng định của TS. Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó trưởng khoa Sau đại học, Trường ĐH Văn hóa TPHCM tại tọa đàm “Nghệ thuật âm nhạc dân tộc (ANDT) với giới trẻ và biểu diễn một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” được tổ chức mới đây tại TPHCM.

Âm nhạc dân tộc cần nhiều thay đổi để đến gần hơn với khán giả trẻ hiện nay. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Hội trường Thành đoàn TPHCM, nơi diễn ra tọa đàm chật kín khán giả, phải xếp thêm ghế. Các bạn học sinh (HS), sinh viên (SV) tới để nghe các diễn giả nói về ý nghĩa, giá trị của ANDT và say sưa thưởng thức những tác phẩm “một thời vang bóng”, điều khá lạ lẫm so với nhịp sống sôi động hiện nay.

Vẫn thích nhưng chưa hiểu

Hào hứng thưởng thức các phần trình diễn của các nghệ sĩ, nghệ nhân, nhiều bạn trẻ còn hát theo khi bắt gặp những đoạn ca quen thuộc. “Nè, Dạ cổ hoài lang nè, Tình anh bán chiếu nè, mấy bản này hồi dưới quê ba má mình mở nghe suốt, thuộc luôn. Tưởng cái gì khó nghe chứ mấy bản này nghe cả ngày cũng không chán”, Nguyễn Lan Anh (quận 5, TPHCM) khoe với nhóm bạn đi cùng. Thế nhưng đến khi nghe loại hình Ca ra bộ “Bùi Kiệm thơ rớt trở về” và một số tuồng lạ khác, Lan Anh tỏ vẻ không hiểu các nghệ sĩ đang hát gì. “Cái này em chưa nghe bao giờ luôn nên khó thấm quá. Nói thiệt là em không thích những thể loại như vậy vì cảm nhận nó không có nét mới, không gần gũi với đời sống của tụi em hiện nay”, Lan Anh chia sẻ.

Nói đến ANDT, nhiều bạn trẻ vẫn hào hứng, thế nhưng để tìm hiểu sâu không phải ai cũng đủ đam mê. Thông qua cuộc khảo sát trên 1.000 SV, anh Hoàng Sơn Giang, cán bộ thuộc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TPHCM so với nhạc trẻ, nhạc quốc tế hay nhạc bolero, ANDT, đặc biệt là cải lương đang chiếm vị thế vô cùng khiêm tốn, chỉ hơn 12% SV chọn lựa. Sến, kịch bản quá dài, chưa cập nhật những vấn đề mới là những nhận xét của nhiều bạn trẻ khi nói đến cải lương, một loại hình nghệ thuật ANDT nổi tiếng. Anh Giang cho rằng, không thể trách người trẻ được bởi trong điều kiện có quá nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí như hiện nay, nếu ANDT không thay đổi cách tiếp cận, không bộc lộ hết cái hay, người trẻ kém mặn mà cũng là điều dễ hiểu.

Trong khi đó, anh Lý Thành Trung, cán bộ Quận đoàn quận 11 cho rằng việc tiếp cận với các chương trình ANDT, các đội nhóm biểu diễn không hề đơn giản, nhất là cấp cơ sở khi không biết đầu mối liên hệ. Nhiều bạn trẻ chọn hướng tiếp cận bằng internet nhưng vì không biết cách, phần chưa đủ quyết tâm nên hay bỏ cuộc giữa chừng.

Anh Trung tâm tư: “Mình thấy hiện nay cách tuyên truyền về ANDT chưa hiệu quả, chưa đến được với từng cơ sở, đoàn viên, đội viên mà chỉ mới dừng lại ở những chương trình lớn ở các địa điểm tập trung. Mình mong sớm có nhiều hoạt động hơn ở cấp cơ sở để các bạn được tiếp xúc nhiều hơn với các loại hình ANDT. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện nay, tụi mình mong đợi những cách thức thể hiện mới mẻ hơn, hấp dẫn hơn của các loại hình ANDT quen thuộc. Nếu làm được vậy, chúng ta sẽ thu hút được rất nhiều bạn trẻ vì ANDT rất hay, rất ý nghĩa.”.

Cần làn gió mới cho ANDT

TS. Mai Mỹ Duyên, nguyên Phó trưởng khoa Sau đại học, Trường ĐH Văn hóa TPHCM cho rằng giới trẻ không quay lưng mà thực tế các bạn chưa hiểu về ANDT nên chưa yêu thích: “Giờ đến rạp xem cải lương, nghe đờn ca tài tử rất ít khi gặp người trẻ. Cũng đúng thôi, ANDT của mình đâu dễ nghe, dễ thấm. Muốn giới trẻ yêu mến ANDT, trước tiên chúng ta phải cho các bạn hiểu đó là cái gì, hay ở chỗ nào, đặc sắc ra sao.”.

Đồng quan điểm, Ths. NSƯT Huỳnh Khải, nguyên Trưởng khoa Âm nhạc dân tộc, Nhạc viện TPHCM cho rằng sở dĩ ANDT hiện nay không được giới trẻ đón nhận là vì chưa bám sát “nỗi lòng” của họ. Như cải lương, loại hình nghệ thuật vang bóng một thời nay phải nhường ngôi lại cho các loại hình mới, hấp dẫn hơn, cuốn hút hơn. “Chúng ta phải thay đổi thì mới mong sân khấu cải lương được nhiều khán giả tìm đến. Trước hết, phải thay đổi từ chính tác giả. Tác giả phải nắm bắt được hơi thở của khán giả thời nay để viết lên những bài ca nói thay lời họ. Kế đó là thay đổi nghệ thuật ca, cách đờn và nhiều thứ khác thì mới phù hợp với nhu cầu thưởng thức của người nghe thời hội nhập”, NSƯT Huỳnh Khải lý giải.

Vài năm trở lại đây, TPHCM đã rất tích cực trong việc đưa các chương trình biểu diễn ANDT, đặc biệt là cải lương, đờn ca tài tử đến với giới trẻ. Hàng loạt chương trình từ quy mô đến gần gũi được tổ chức thường xuyên tại các địa điểm công cộng như Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Nhà Văn hóa Thanh Niên, Cung Văn hóa Lao động… Các tour biểu diễn và giới thiệu về ANDT đã xuống tận hệ thống trường phổ thông với mong muốn truyền lửa cho thế hệ trẻ.

Theo ông Đoàn Kim Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ TPHCM, thời gian tới, đơn vị này sẽ phối hợp với các tổ chức, đơn vị liên quan để triển khai thêm nhiều hoạt động tuyên truyền, phát triển ANDT từ trường học đến cơ sở để kéo dần khoảng cách giữa các loại hình nghệ thuật độc đáo này với nghệ thuật đương đại. Cách làm theo đó cũng sẽ thay đổi để phù hợp với thị hiếu của giới trẻ, giúp các bạn thấu hiểu những giá trị cốt lõi của các loại hình nghệ thuật quan trọng./.

Gia Mỹ

Top