Nhà cao tầng ở khu đất “vàng” lấn át công trình cổ

08/12/2019 6:36 PM

Chiều 8/12, trong kỳ họp thứ 17 HĐND TPHCM khóa IX, Thường trực HĐND TPHCM báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM”. HĐND TPHCM bầu Phó Ban Pháp chế mới HĐND TPHCM khai mạc kỳ họp thứ 17

Các đại biểu HĐND TPHCM biểu quyết thông qua dự thảo giám sát chuyên đề “Việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị trên địa bàn TPHCM”. Ảnh: VIỆT DŨNG

Khó cân bằng giữa bảo tồn và phát triển

Trình bày báo cáo kết quả giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị, ông Nguyễn Văn Đạt, Phó Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội, HĐND TPHCM, cho hay, TPHCM có 3 di sản phi vật thể được công nhận là Ca trù, nghệ thuật đờn ca tài tử, Lễ hội Nghinh Ông (huyện Cần Giờ). TPHCM có 172 di tích đã được xếp hạng; 14 bảo tàng đang lưu giữ gần 541.000 hiện vật. Đặc biệt, TPHCM có 15 bảo vật quốc gia được Thủ tướng công nhận. Hàng năm, UBND TPHCM bố trí ngân sách khoảng 10 tỷ đồng để mua hiện vật cho các bảo tàng.

Trong bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, UBND TPHCM xác định đây là công việc quan trọng phải được tiến hành nghiêm túc, thận trọng và làm ngay để sớm xác định được dấu ấn kiến trúc của TPHCM. TPHCM có trên 1.000 biệt thự trước năm 1975 có giá trị về kiến trúc, nghệ thuật, lịch sử được phân loại theo mảng, tuyến, cụm, điểm cảnh quan đô thị nhằm bảo tồn tạo nên bản sắc và bề dày văn hóa đô thị.

HĐND TPHCM đánh giá, TPHCM đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển đô thị của một đô thị lớn, do đó, vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng nhiều khó khăn, phức tạp. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số.

Đối với các công trình, địa điểm đang nằm trong danh mục kiểm kê di tích, thành phố khó vận động chủ sở hữu xếp hạng di tích vì sợ bị hạn chế nhiều quyền lợi (Việc trùng tu, sửa chữa phải thực hiện theo đúng quy trình của Luật Di sản văn hóa và Luật Xây dựng, không được chuyển quyền sử dụng đất cho người khác...). Hiện nay, có những công trình rất quan trọng như Trụ sở UBND TPHCM, Bưu điện TPHCM, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Chùa Chantarangsay (Chùa Khmer), Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà... vẫn chưa được xếp hạng di tích. Thủ tục, kinh phí trùng tu, sửa chữa các di tích rất khó khăn và chậm. Thời gian lập thủ tục kéo dài làm cho giá cả vật liệu tăng cao, kinh phí cao hơn kinh phí ban đầu đề xuất.

Đối với công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, HĐND TPHCM đánh giá, do áp lực của quá trình phát triển kinh tế và đô thị hóa nên việc cân bằng giữa yếu tố bảo tồn và phát triển đang là một bài toán khó. Đô thị Sài Gòn - TPHCM với 300 năm phát triển đã và đang chứa đựng một quỹ di sản kiến trúc khổng lồ và quý giá, phản ảnh giai đoạn hình thành và phát triển trong không gian văn hóa sông nước độc đáo của văn hóa Nam bộ.

Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa đã nhanh chóng làm thay đổi bộ mặt quy hoạch kiến trúc đô thị. Nhiều công trình mới đã và đang xây dựng ở khu vực trung tâm (quận 1, 3, 5); nhu cầu xây nhà cao tầng ở các khu đất “vàng” trên địa bàn quận 1, 3 (đường Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Lê Lợi, Phạm Ngọc Thạch...), đã gây tác động và thay đổi cấu trúc cảnh quan đô thị nói chung và không gian nhiều công trình cổ nói riêng. Sự phối hợp giữa các sở, ngành trong kiểm kê, phân loại biệt thự cũ trước năm 1975 cần được bảo tồn còn chậm; kéo dài nhiều năm gây trở ngại, bức xúc cho người dân và ảnh hưởng đến sự phát triển chung của thành phố, đặc biệt là phát triển du lịch. 

Thường trực HĐND TPHCM đề nghị, cần đặc biệt quan tâm những công trình rất quan trọng của TPHCM như: Trụ sở UBND TPHCM, Bưu điện TPHCM, chợ Bến Thành, chợ Tân Định, Chùa Chantarangsay (Chùa Khmer), Chùa Vĩnh Nghiêm, Nhà thờ Đức Bà... Hàng năm, UBND TPHCM cần có kế hoạch lập hồ sơ lý lịch khoa học đối với các công trình, địa điểm được đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Thành phố cần sớm ban hành chính sách bảo tồn phù hợp đối với từng loại công trình, địa điểm (đặc biệt là các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng) được rà soát đưa vào danh mục kiểm kê di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, thành phố cần xây dựng cơ chế tạo điều kiện thuận lợi nhất cho chủ sở hữu trong việc bảo tồn, nâng cấp, sửa chữa các di tích, không để xảy ra tình trạng di tích bị phá bỏ, sửa chữa không đúng quy cách. 

Thường trực HĐND TPHCM đề nghị đẩy nhanh tiến độ rà soát, thống kê, phân loại biệt thự cũ được xây dựng trước năm 1975 nhằm xác định các biệt thự cũ cần bảo tồn (thuộc Nhóm 1, Nhóm 2); đồng thời, tạo điều kiện cho chủ sở hữu các biệt thự cũ không cần bảo tồn (thuộc Nhóm 3) có thể tháo dỡ để xây dựng mới. Công tác quy hoạch đô thị cần phải gắn với bảo tồn cảnh quan đô thị và phát triển du lịch; rà soát đánh giá và xác định các khu vực phát triển đô thị, xác định rõ khu vực cảnh quan cần bảo tồn. 

30 năm chưa có câu trả lời về một ngôi đình!

Thảo luận về công tác bảo tồn, ĐB Tô Thị Bích Châu nhận xét, bà thấy chưa có sự quyết liệt trong công tác bảo tồn di sản. Bà Tô Thị Bích Châu dẫn chứng, nhà của cụ Vương Hồng Sển cùng với các hiện vật cổ, khi cụ mất có giao lại cho TPHCM, nhưng đến nay không còn gì. Nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Đình Đầu có rất nhiều tư liệu về biển đảo và nhiều lần ông có ý định gửi tặng lại Thư viện Quốc gia TPHCM song làm sao để lưu giữ kho tư liệu quý này? Hay, đình Nam Tiến (quận 4), suốt 5 đời Chủ tịch UBND quận 4 đã kiến nghị với Sở VH-TT TPHCM, UBND TP có giải pháp với đình này, đến nay chỉ là miếng đất trống. “Đẩy qua đẩy lại gần 30 năm chưa có câu trả lời về một ngôi đình! Nhiều chuyên gia, nhà khoa học cũng có ý kiến là phải phục dựng lại, vậy có phục dựng hay không? Nếu không, thì chuyển đổi thành công trình công cộng để người dân được thụ hưởng, không nên để lãng phí”, bà Tô Thị Bích Châu cảm thán.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, thời gian qua TPHCM khá lúng túng và gần như buông trôi trong công tác bảo tồn. Trong đó có những phần di sản của cụ Vương Hồng Sển, Nguyễn Đình Đầu, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê... Có một giai đoạn chúng ta lúng túng, cái hiểu của xã hội về di sản cũng chưa thực sự sâu sắc. Thành phố giàu về cổ vật, phong phú về bảo tàng nhưng rất tiếc thời gian qua do sự hiểu biết có hạn chế, quản lý chưa vào nề nếp khiến xã hội phải xót xa trước cách hành xử và bảo quản.

ĐB Phan Nguyễn Như Khuê góp ý, ngoài việc đưa Hội Di sản trở thành một hội có vai trò quan trọng trong giữ gìn các di sản văn hóa, việc xã hội hóa trong trùng tu bảo tồn cũng khá cần thiết, và cần quảng bá để mọi người trân trọng hồn đô thị TPHCM.

ĐB Đinh Thị Thanh Thủy hỏi: “Liệu TPHCM có mạnh dạn đưa ra ngoài danh mục các di tích đã không còn đáp ứng được các tiêu chí của di tích, bởi theo thời gian cũng có sự mai một, không giữ gìn được. Trong 172 di tích được công nhận, rõ ràng hiện có những di tích không còn phát huy được giá trị nữa”.

Ông HUỲNH THANH NHÂN, Giám đốc Sở VH-TT TPHCM:

Bảo tồn nhà cụ Vương Hồng Sển là câu chuyện khá dài

Bảo tồn nhà cụ Vương Hồng Sển là câu chuyện khá dài, thành phố hiện còn chờ tòa án giải quyết về pháp lý. Bởi trước đó, cụ Vương Hồng Sển có di chúc hiến cho nhà nước, nhưng sau này có ý kiến từ phía gia đình nên tòa đang giải quyết.

Về đình Nam Tiến, tôi đã trực tiếp đi xuống đình; quận 4 có đề xuất chuyển thành trường mầm non. Khu vực 600 m2 hiện chỉ còn khung nhà, khung nền, còn các hiện vật đang được bảo quản ở nơi khác. Đình này không nằm trong danh mục di tích và không được kiểm kê, nhưng các chuyên gia cho rằng cần bảo tồn di tích này. Chúng tôi cũng băn khoăn và đã lấy ý kiến của Hội Di sản. Nhưng Hội có ý kiến cho rằng cần giữ lại và phục hồi đình Nam Tiến; có ý kiến lại cho rằng nên chuyển đổi thành trường mầm non. Vì thế, cần thiết cũng phải lấy ý kiến nhân dân để có quyết định cuối cùng.

Ông NGUYỄN THANH NHÃ, Giám đốc Sở QH-KT TPHCM:

Đề xuất thành phố mua lại một số biệt thự cổ

Thời gian qua, Sở QH-KT có phối hợp với Sở Du lịch TPHCM để có thể khai thác được các di tích. Sở có chuyển danh sách các biệt thự sau khi phân loại để Sở Du lịch có thể nghiên cứu, có phương án tiếp cận, làm việc với chủ nhà để khai thác phục vụ du lịch như làm phòng tranh, nhà hàng…

Ngoài ra, qua giám sát, Sở QH-KT TPHCM đề nghị, TPHCM có thể bỏ ra nguồn lực để tham gia khai thác những biệt thự nhóm 1, nhóm 2, đặc biệt là những công trình kiến trúc đẹp, lâu đời, mang tính lịch sử. Thậm chí, có thể cách làm là TP mua lại, sửa lại, đấu giá để khai thác các biệt thự này, từ đó sẽ có được nguồn lực để duy tu, phát huy giá trị các công trình kiến trúc.

Ông PHẠM ĐỨC HẢI, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM:

172 di tích mới có 50 tỷ đồng cho tu bổ, bảo tồn

Qua giám sát, các quận, huyện phản ánh tiến độ thực hiện một số dự án tu bổ vẫn còn chậm trong khi tình trạng xuống cấp rất nhanh. Trong 10 năm (2008-2018), TP chi cho bảo tồn di tích 500 tỷ đồng, tức mỗi năm chỉ 50 tỷ đồng. 50 tỷ đồng chia cho 172 di tích, con số quá khiêm tốn! Nhưng trong điều kiện ngân sách như hiện nay cũng không thể có nhiều hơn được. Ngoài ra, về xã hội hóa công tác bảo tồn, trong 10 năm chỉ thu hút được 400 tỷ đồng, không tương xứng với sự quan tâm của người dân cho lĩnh vực văn hóa. Tôi đi tìm câu trả lời và nhận ra, TPHCM thiếu chính sách mời gọi để người dân trong và ngoài nước tham gia công tác bảo tồn.

Theo SGGP

Top