Nhạc sĩ Tôn Thất Lập: Cánh chim bay từ vùng lửa đỏ

30/04/2019 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Cuối những năm 60 của thế kỷ 20, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các “nhạc sĩ sinh viên” như Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, Nguyễn Nam, Trần Nhật Nam... cùng nhau xuống đường, những đêm không ngủ, và “hát cho đồng bào tôi nghe”…

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và Nhạc sĩ Tôn Thất Lập trong phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe. Ảnh Internet

Huế

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập quê ở Huế, nhưng sinh tại Đà Nẵng. Bố ông có thời kỳ dạy học ở Đà Nẵng, rồi quen mẹ ông lúc đó đang bán hàng ở chợ Hàn (bà là người Đà Nẵng). Ngay từ thuở ấu thơ, ông đã chịu kiếp nạn chiến tranh. Tôn Thất Lập kể: “Hồi đó mình nhẹ quá, mẹ gánh mình đi tản cư, bên thúng nằm phải cho thêm mấy cục đá”.

Năm 1954, gia đình ông trở về Huế. Tại đây, từ những năm 60, nhiều người yêu âm nhạc đã biết đến những bản tình ca của Tôn Thất Lập như: “Những con đường nhỏ”, “Tiếng hát về khuya”… trong tập “Phố ca”. Với chủ đề tình yêu, về thân phận con người trong thời kỳ đau thương ấy, những ca khúc của anh đã mang đến cho công chúng sự đồng cảm và được phổ biến sâu rộng trong đông đảo thanh niên, sinh viên học sinh Huế.

Nói về những kỷ niệm về Huế, Tôn Thất Lập ít nhắc đến những địa danh nổi tiếng của mảnh đất kinh thành với đền đài lăng tẩm, mà ông chỉ nhắc đến những buổi xuống đường đấu tranh của học sinh, sinh viên lúc bấy giờ. Tôn Thất Lập nhớ lại, hôm đó đi uống cà phê với bạn về đến nhà khoảng 11 giờ đêm, đang là mùa mưa ở Huế nên đường phố vắng ngắt, bỗng có tiếng gõ cửa, lo quá không hiểu có chuyện gì, thì 2 bạn của ông là Trần Văn Hòa - sinh viên khoa toán, Trần Trọng Hán - sinh viên luật đưa cho ảnh Bác Hồ, khiến ông rất cảm động.

Tôn Thất Lập còn nhớ, ba ông kể: “Không biết cụ Phan Bội Châu hay tiền nhân nào từng nói đại để, tay bẩn lấy gì rửa? Lấy nước. Thế còn nước mà bẩn. Nước mà bẩn chỉ lấy máu mà rửa”. Và cũng từ đó, ông tham gia phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên, phật tử… Cũng trong thời gian này ông sáng tác bài “Hát cho dân tôi nghe”, được phổ biến rộng rãi ở Sài Gòn.

Sài Gòn

“Hát cho đồng bào tôi nghe” ban đầu là một phong trào tự phát, rồi sau có tổ chức dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, với mục đích chính là góp phần tranh đấu vì hòa bình và thống nhất Việt Nam. Trong mấy năm đầu, nòng cốt của phong trào là Đoàn Văn nghệ sinh viên - học sinh Sài Gòn, thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn. Năm 1966, Đoàn Văn nghệ sinh viên - học sinh thuộc Tổng hội Sinh viên Sài Gòn đã được thành lập do sinh viên y khoa Trương Thìn làm trưởng đoàn và đã phổ biến những tập ca khúc phản chiến như “Hát từ đồng hoang” của nhạc sĩ Miên Đức Thắng.

Năm 1968, với cương vị Trưởng đoàn Văn nghệ sinh viên học sinh Sài Gòn, Chủ tịch Hội Sinh viên sáng tác - Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, nhạc sĩ Tôn Thất Lập đã cùng với các nhạc sĩ sinh viên: Trương Quốc Khánh, Trần Long Ẩn, Nguyễn Văn Sanh, La Hữu Vang, Nguyễn Xuân Tân, Nguyễn Tuấn Kiệt, Nguyễn Nam, Nguyễn Phú Yên,... thực hiện phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” qua các hoạt động tiêu biểu là văn nghệ trong “Hội Tết Quang Trung Sài Gòn” năm 1967, “Đêm nhạc Tôn Thất Lập” ở Đại học Dược khoa Sài Gòn (1967) do Tạp chí Đất Mới của sinh viên Luật khoa Sài Gòn tổ chức tại Đại học Khoa học Huế, “Đêm thơ nhạc” ở Đại học Sư phạm Huế vào tháng 12/1967.

Trong “Đêm văn nghệ vì hoà bình” tổ chức tại Trường Đại học Nông - Lâm - Súc sản Sài Gòn tối 27/12/1969 đã chính thức ra mắt tên gọi phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. “Hát cho dân tôi nghe tiếng hát tung cờ ngày nào/ Hát qua đêm thiên thu, lửa cháy trên trại giặc thù/ Hát âm u trong đêm, muôn cánh tay đang dậy lên/ Hát cho anh công nhân xiềng xích như mây tan hoang/ Hát cho anh nông dân bỏ cày theo tiếng loa vang…”.

Bài hát “Hát cho dân tôi nghe” được hàng ngàn sinh viên cất lên, lẫn với màu cờ Quang Trung phấp phới khiến cảnh sát chế độ tưởng đó là cờ đỏ sao vàng, càng thêm tức tối và đàn áp rất dữ dội. Cũng thời gian này, nhiều cảnh sát nổi, cảnh sát chìm bao vây các cổng trường: Đại học Văn khoa, Nông - Lâm - Súc sản, Dược khoa… bắt 179 sinh viên (trong đó có Tôn Thất Lập) và giam tại cảnh sát Q1 (Sài Gòn). Những sinh viên này cùng nhau tuyệt thực, đến ngày thứ hai, thứ ba chúng vẫn không thả. Đêm thứ ba họ tổ chức buổi ca nhạc, bài “Hát cho dân tôi nghe” vang lên trong nơi tạm giữ của cảnh sát.

Phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe” đã lan ra các nơi khác như Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ, An Giang, Quy Nhơn, Đà Lạt, Phan Thiết... Tiếng hát tranh đấu tiếp tục vang lên tại giảng đường Đại học Sư phạm, Đại học Khoa học Huế (1970), tại Hội quán Thanh niên Phan Thiết (1972) và còn bay xa hơn, vượt ra khỏi Việt Nam, cuốn hút thanh niên trí thức tiến bộ ở nhiều nước trên thế giới.

Paris

Năm 1973, nhạc sĩ Tôn Thất Lập sang Pháp hoạt động cùng phong trào sinh viên nơi đây. Ông vừa đi học thêm nâng cao trình độ, vừa đi làm để kiếm sống. Hằng đêm, ông vẫn nghe qua đài về tình hình chiến trận, dõi theo những hoạt động của sinh viên nước nhà. Rồi còn nghe cả tiếng hát không ngủ, tiếng hát của người bị đọa đầy vẫn vọng về, làm ông luôn nhớ về miền Nam.

Thời gian này Tôn Thất Lập sáng tác nhiều ca khúc như “Không thể ngồi yên”, “Tiếng gọi sinh viên”, “Thanh niên ơi phố phường gọi ta đó”… bằng tình cảm rất tha thiết, nung nấu khi mà đất nước vẫn chìm trong lửa đỏ, như bài “Nhớ về miền Nam: “Có phải sáng mai nào khi nghe hai tiếng miền Nam/Anh đang mơ cánh chim từ vùng lửa đỏ/Quê hương ta một dải sông dài/Đã bao năm rồi nặng tình máu đổ…”.

Ông kể, ngày 30/4 khi đang ngắm hoa tại vườn nhà (lúc này bên Pháp trời còn rét) lại thấy nụ hoa quỳnh hé nở, lạ thế! Đúng lúc ấy, ông có điện thoại của Soeur Francoise Vandermeerch báo tin Việt Nam đã chiến thắng.

Thế là ông tức tốc tới nhà bà ở Paris 7, vừa lên khỏi métro, thì nhiều em bé, cụ già… chạy về phía ông chúc mừng - đấy là hình ảnh đẹp nhất theo ông, trong cuộc đời. Rồi ngay buổi trưa 30/4, ông cùng tổ chức tiếp quản Đại sứ quán VNCH, sau đó ông cùng các sinh viên Việt Nam du học hát giữa thủ đô Paris nắng vàng tươi. Ngay tối ấy, Hội Người Việt Nam ở Pháp, bạn bè quốc tế mở dạ hội mừng chiến thắng, bài “Hướng về quê hương độc lập” ông vừa sáng tác cùng nhà soạn nhạc Nguyễn Thiên Đạo được hát ngay trong dạ hội.

Bài này được Báo Nhân Dân (Việt Nam) đăng ngày 25/5/1975, có ghi: “Chúng tôi vừa nhận được sáng tác nhạc dưới đây của nhạc sĩ Tôn Thất Lập từ Paris gửi về”; “Chúng ta hướng về tổ quốc thân yêu/Và sáng nay ta thấy lòng phơi phới/ Phút giây rộn ràng tổ quốc hoàn toàn độc lập/Từ bao năm bao anh hùng nằm xuống/ Nhớ ơn Người từ thuở khai sinh… Miền Nam ơi miền Nam/Giờ núi sông hòa ca bài ca kết đoàn? Ta xóa tan hận thù…”. Có lẽ, ông cũng là một trong những người sớm nghĩ đến “Khép lại quá khứ, xóa đi hận thù” khi đất nước liền một dải.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập nay đã gần 80, ông bảo thời gian là một phạm trù triết học, con người chẳng thể nào “trốn” khỏi thời gian, hãy dành thời gian cho thật có ý nghĩa, một đời sống sinh động như trồng vài “bông hoa nhỏ bé” chẳng hạn. Tôn Thất Lập muốn nhắn nhủ thế hệ sinh viên, học sinh hôm nay: Trái tim các bạn phải rung động cùng với đất nước và cùng cả thế giới. Cuộc sống, tư duy phải gắn với dân tộc, điều quan trọng nhất vẫn là tâm hồn và trái tim.

Nhạc sĩ Tôn Thất Lập, với các bút danh khác là Trần Nhật Nam, Lê Nguyên, Nguyễn Xuân Tân, sinh ngày 25/2/1942 tại Huế.

Trước năm 1975, Tôn Thất Lập hoạt động âm nhạc trong phong trào “Hát cho đồng bào tôi nghe”. Những ca khúc như Hát cho dân tôi nghe, Xuống đường, Hát trong tù, hợp xướng Lúa reo trên khắp đồng bằng… của ông đã được cất cao trên các nẻo đường tranh đấu của học sinh, sinh viên các đô thị miền Nam.

Sau đó, ông được cử đi tu nghiệp sáng tác tại Nhạc viện Hà Nội và khi tốt nghiệp về làm công tác văn hóa của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam. Ông sang Pháp năm 1974. Tại Paris, Tôn Thất Lập đã được Hội Sinh viên Sáng tác Hải ngoại xuất bản tuyển tập Những cánh chim từ vùng lửa đỏ.

Sau giải phóng, ông về nước, công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin TPHCM. Nhiều ca khúc của ông đã được đông đảo quần chúng mến mộ như Tình ca mùa xuân, Tình ca tuổi trẻ, Trị An âm vang mùa xuân, Mưa thì thầm, Oẳn tù tì, Cô bé dễ thương, Tình yêu mãi mãi…

Bình Nguyên

Top