Nhân lực cho AI, TPHCM đang ở đâu?

22/03/2019 11:12 AM

(Chinhphu.vn) - Có vẻ như những nỗ lực bồi đắp đội ngũ nhân lực AI của từng doanh nghiệp, từng cơ sở giáo dục, hay từng nhóm nghiên cứu vẫn hãy còn đơn độc và chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển. Vậy cần làm gì để có đủ nhân lực phát triển hệ sinh thái AI cho một đô thị sôi động về kinh tế như TPHCM? TPHCM: Đủ nguồn lực cho phát triển trí tuệ nhân tạo

Phát triển hệ sinh thái AI cho TPHCM là một cuộc đua đường trường, trong đó sự hình thành đội ngũ nhân lực phụ thuộc lớn vào định hướng chung, vào vai trò của cả “kiến trúc sư”, nhà thiết kế chính sách, nhà giáo dục, cộng đồng doanh nghiệp... Ảnh: Minh họa

Tiềm năng là có nhưng hãy còn đơn độc

Chiến lược phát triển của tất cả các quốc gia, đô thị đều nhấn mạnh tới nhân lực và đào tạo nhân lực. Tại Hội thảo khoa học về ứng dụng trí tuệ nhân tạo mới diễn ra, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cũng đã khẳng định “không có AI thì không có cách mạng công nghiệp lần thứ 4. TPHCM đang có tiền đề rất tốt về thị trường, có đủ nguồn nhân lực sẽ góp phần tạo nên vòng xoáy phát triển AI rất nhanh”.

Theo GSTS Hồ Tú Bảo - Viện trưởng Viện John Von Neumann (ĐHQG TPHCM) - nhân lực cho ngành công nghiệp AI phải chú trọng cả hai thành phần: những người lao động bình thường sử dụng công cụ AI trong công việc hàng ngày và đội ngũ nhân lực AI tinh hoa. Đây là nhóm nhân tài có thể tìm ra lời giải cho các thách thức tại những đô thị như TPHCM. Nhà khoa học từ Viện John Von Neumann cũng dự kiến kêu gọi thành lập một câu lạc bộ cho giới chuyên gia tinh hoa về AI với hy vọng đây sẽ là những hạt nhân tham gia kiến tạo tích cực cho sự phát triển của TPHCM.

Còn hiện nay, cả khu vực phía nam mới chỉ có 2 chương trình đào tạo AI ở bậc cao học. Một là ngành khoa học dữ liệu tại Viện John Von Newman (thuộc ĐHQG TPHCM) - với “công suất” mỗi năm “ra lò” được khoàng 40 người; Hai là Đại học Công nghệ Thông tin (ĐHQG TPHCM) - mới đào tạo được 50 người. “Như vậy hãy còn là quá ít”, GSTS Hồ Tú Bảo đánh giá.

Thống kê từ Viện John Von Neumann cũng cho thấy khoảng 10 năm qua, có khá nhiều người trẻ Việt Nam đã được đào tạo bài bản về AI, đang làm việc ở nước ngoài và đạt được những thành tích rất tốt.

Theo PGS. TS Trần Minh Triết - Phó Hiệu trưởng Đại học Khoa học Tự nhiên (ĐHQG TPHCM), sau khi cùng Đại học UIUC tổ chức thực nghiệm tại Mỹ về sản phẩm quản lý camera giao thông với thách thức “theo vết phương tiện giao thông trong điều kiện thiếu ánh sáng, camera bị mờ, rung”, nhóm nghiên cứu tới từ Việt Nam đã được xếp hạng thứ 6 toàn cầu tại cuộc thi “The 2018 AI NVDIA City challenge”.

Trên bình diện chung, những nội dung về AI cũng đã được lồng ghép, đưa vào giảng dạy tại tất cả ngành học công nghệ thông tin ở các viện, trường. Cùng với ngành giáo dục, các doanh nghiệp, tập đoàn cũng đã “nhập cuộc” từ khá sớm với nhiều sản phẩm và nghiên cứu về AI đã có tuổi đời lên tới 20-30 năm.

Tuy nhiên, trong một thư ngỏ mới được gửi tới công chúng tuần này để kêu gọi nhân lực đầu vào cho ngành công nghệ thông tin nhân mùa tuyển sinh 2019, ngành thông tin truyền thông với các đơn vị như Liên minh VNITO, Công viên phần mềm Quang Trung, Trường SaigonTech và Hội tin học TPHCM đã cùng nhận định nhân lực luôn là bài toán “đau đầu”, là nút “thắt cổ chai” của ngành công nghệ thông tin trong rất nhiều năm qua. “Ngành công nghệ thông tin Việt Nam sẽ phát triển tốt hơn, nếu bài toán cung cầu nhân lực được giải quyết, cả chiều rộng lẫn chiều sâu”.

TS Phan Tấn Quốc - Phó Khoa Phụ trách Khoa Công nghệ thông tin (Đại học Sài Gòn) cũng lo ngại lực lượng giáo viên hiện tại sẽ gặp khó khăn khi giảng dạy về khoa học máy tính theo như yêu cầu tại Chương trình Giáo dục phổ thông mới (triển khai từ năm 2021).

Có vẻ như những nỗ lực bồi đắp đội ngũ nhân lực AI của từng doanh nghiệp, từng cơ sở giáo dục, hay từng nhóm nghiên cứu “đem chuông đi đấm xứ người” vẫn hãy còn đơn độc và chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu phát triển.

AI: Phải chăng chỉ cần kiến trúc sư trưởng?

Vậy cần làm gì để có đủ nhân lực phát triển hệ sinh thái AI cho một đô thị sôi động về kinh tế như TPHCM? Theo giới chuyên gia, ở tầm vĩ mô, trước hết cần có một “kiến trúc sư trưởng” và đội ngũ tư vấn đủ cả tâm và tài.

“TPHCM cần chính sách chung cho cả ngành công nghệ thông tin ở trung dài hạn. Trong đó, xem sự phát triển AI là nền tảng của smart city. ‘Kiến trúc sư trưởng’ của đại kế hoạch này phải là người nắm được chính sách của cả Thành phố lẫn am hiểu về AI”, Hiệu trưởng Đại học CNTT Nguyễn Hoàng Tú Oanh nêu khuyến nghị.

Nhất trí với các chuyên gia, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đã khẳng định TPHCM sẽ thành lập Ban Xây dựng và điều hành Chương trình hợp tác nghiên cứu ứng dụng AI ngay trong tháng 3 năm nay. “Ban này không chỉ có đại diện chính quyền mà thành phần chính là ‘người bên ngoài’, gồm các GSTS, các viện trường, các doanh nghiệp ở cả trong và ngoài nước. Ban sẽ tham vấn cho TPHCM những bước đi cụ thể như: cần làm gì, hợp tác với ai, nghiên cứu cái gì, ứng dụng ở đâu...”.

Ngoài ra, ở tầm vi mô, để ngành công nghiệp AI “lớn nhanh”, TPHCM cần có chương trình đào tạo nhân lực AI huy động được sức mạnh tất cả các cơ sở nghiên cứu, giáo dục để đào tạo bổ sung cho những người đang hành nghề lẫn đào tạo cơ bản. “Tôi đề nghị hình thành một chương trình đại học chia sẻ. Ở đây các viện, trường, doanh nghiệp… sẽ cùng kết hợp để ứng dụng mô hình kinh tế chia sẻ trong đào tạo nhân lực AI”, vị lãnh đạo Thành ủy TPHCM nêu rõ.

TS Đinh Bá Tiến - Trưởng khoa CNTT (Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM) - cho rằng sự kết nối nhân lực cần được chủ trì từ cấp thành phố. “Khi Thành phố có các cơ chế đặc thù, giới nghiên cứu từ viện, trường sẽ kết nối được với doanh nghiệp. Sau đó, doanh nghiệp sẽ hoàn thiện tiếp lời giải cho các thách thức của xã hội, tức đưa những sản phẩm, dịch vụ cụ thể ấy đi vào đời sống”.

Trong một băn khoăn khác dưới vai trò của cơ quan quản lý ngành, Giám đốc Sở Khoa học & Công nghệ TPHCM Nguyễn Việt Dũng còn tâm tư “đây là vấn đề liên quan tới mọi lĩnh vực trong cuộc sống, là đề án lớn và dài hơi nên rất cần được sự ủng hộ và chỉ đạo có tính ‘kim chỉ nam’, chứ không phải mỗi nhiệm kỳ mỗi thay đổi. Nguồn lực thì hữu hạn nên Thành phố cần tập hợp được bộ máy nhân lực đủ ổn định để theo xuyên suốt đề án”.

Cùng mối quan tâm về quản lý nhà nước, PGS. TS Dương Anh Đức - Giám đốc Sở Thông tin & Truyền thông TPHCM - cũng đồng tình “chương trình trọng điểm dài hạn cần vượt qua tư duy nhiệm kỳ để có sự đầu tư phát triển nghiêm túc”.

GSTS Hồ Tú Bảo còn khuyến nghị trang bị kiến thức AI đại chúng cho đội ngũ cán bộ công chức như một yêu cầu bắt buộc.

Thật vậy, phát triển hệ sinh thái AI cho TPHCM là một cuộc đua đường trường, mà ở đó, sự hình thành đội ngũ nhân lực phụ thuộc lớn vào định hướng chung, vào vai trò của cả  “kiến trúc sư”, nhà thiết kế chính sách, nhà giáo dục, cộng đồng doanh nghiệp lẫn nhận thức của toàn xã hội.

Phương Hiền

Top