Nhân lực ngành sư phạm: Bao giờ chất đi cùng lượng?

02/09/2019 4:36 PM

(Chinhphu.vn) - Cung vượt cầu gần ba lần, chất chưa đi đôi với lượng là thực trạng nguồn nhân lực sư phạm tại TPHCM cũng như trên cả nước hiện nay.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không có sự cải tổ mạnh mẽ để nâng chất, nâng tầm đội ngũ giáo viên (GV) thì bao nhiêu chương trình hay, sách giáo khoa mới cũng khó có thể thay đổi bộ mặt giáo dục phổ thông. Muốn đội ngũ nhân lực sư phạm mạnh về chất, tinh về lượng, ngành GD-ĐT cần những chính sách mạnh mẽ, đồng bộ và những chiến lược dài hơi, thiết thực hơn ngay từ bây giờ.

Lượng thừa, chất thiếu

Năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT TPHCM tuyển 531 viên chức, trong đó có 443 GV cho các trường THPT, đơn vị trực thuộc sở. Nhu cầu là vậy nhưng thực tế số lượng hồ sơ ứng tuyển rất cao. Cụ thể, số hồ sơ sau khi sàng lọc đủ tiêu chuẩn ứng tuyển gần 1.740 bộ, gấp 3,2 lần số lượng cần tuyển.

Có nhiều môn học như môn Vật lý, Hóa học, Toán... tỉ lệ cạnh tranh cực kỳ gay gắt, trên mức 1 “chọi” 10. Công tác tuyển dụng GV từ THCS đến mầm non tại 24 quận, huyện cũng rất nóng mỗi dịp đầu năm học mới khi lượng hồ sơ vượt quá chỉ tiêu nhiều lần. Tuy nhiên, TPHCM không phải là trường hợp cá biệt vì cứ mỗi đầu năm học mới việc tuyển dụng GV lại trở thành vấn đề khá “đau đầu” tại các địa phương.

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2018-2019 và triển khai nhiệm vụ năm học 2019-2020 do Bộ GD-ĐT tổ chức mới đây, những con số liên quan đến sự đối nghịch giữa lượng và chất trong đội ngũ nhân lực ngành sư phạm khiến nhiều người lo lắng.

Hiện cả nước có 115 trường và khoa đào tạo sư phạm với chỉ tiêu trên 50.000 sinh viên/năm. Trong khi đó, theo thống kê tỷ lệ GV nghỉ hưu mỗi năm của ngành GD-ĐT chỉ dao động 1,5% - 1,8% (hơn 20.000 GV). Số lượng đào tạo mới ngày một tăng cộng với số lượng sinh viên ngành sư phạm đang đợi việc của những năm trước khiến không ít thành phố lớn luôn trong tình trạng quá tải hồ sơ ứng tuyển GV.

Theo ông Giản Tư Trung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED, hiện nay Việt Nam còn nhiều điểm nghẽn trong việc phát triển nguồn nhân lực ngành sư phạm khiến chất lượng đội ngũ GV không phát triển như mong đợi. Thu nhập chưa tương xứng, chế độ đãi ngộ chưa thỏa đáng, môi trường làm việc chưa phù hợp và quan niệm của xã hội với nghề giáo chưa đúng mực là những nguyên nhân chính khiến nghề giáo chưa thực sự thu hút nhân tài.

Khan hiếm người giỏi, đầu vào thấp cộng với chương trình đào tạo thiếu cập nhật, yếu thực hành tại nhiều trường ĐH khiến đội ngũ nhân lực sư phạm chưa được nhà tuyển dụng đánh giá cao.

“Ngành sư phạm đáng ra chất lượng phải đứng đầu về xét đầu vào vì dạy học là công việc cực kỳ khó khăn, đòi hỏi chất lượng cao chứ không phải theo kiểu “Chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm”. Chừng nào chất lượng người thầy chưa được cải thiện chúng ta khó nói chuyện cải thiện giáo dục. Chúng ta có thể xây 10, thậm chí 100 ngôi trường mới trong một năm nhưng nếu không có những người thầy đúng tầm trong những ngôi trường đó thì chẳng ý nghĩa gì cả. Chúng ta phải đặt ra bài toán mức thu nhập như thế nào sẽ hấp dẫn người tài đến với giáo, việc cải tổ quản trị nhà trường phải thực hiện ra sao để tạo ra môi trường phát triển tốt nhất cho GV. Thu nhập thấp, đánh giá chất lượng chưa khách quan, môi trường gò bó thì không có lý do gì để người giỏi chịu vào ngành sư phạm”, ông Giản Tư Trung phân tích.

Cần có những chính sách đột phá hơn để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong thời gian tới. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Phải thay đổi cách làm

Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam với ngành GD-ĐT khi bàn về mối lo chất lượng nhân lực ngành sư phạm hiện nay ở nước ta tại hội nghị tổng kết năm học 2018-2019. Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương cần chủ động “đặt hàng” nhân lực sư phạm theo nhu cầu để hạn chế tình trạng nơi thừa, nơi thiếu GV như hiện nay. Bộ GD-ĐT cũng cần có những giải pháp mạnh mẽ mang tính liên kết nhằm siết chặt và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành sư phạm. “Địa phương có trách nhiệm đặt hàng đào tạo GV cho địa bàn mình. Khi đó các trường tốt sẽ được đặt hàng. Chúng ta còn phải làm một việc là bồi dưỡng thường xuyên cho đội ngũ GV. Bấy lâu nay các lớp bồi dưỡng chủ yếu cho hiệu trưởng. Bây giờ ngân sách địa phương phải có một phần để đặt hàng và đào tạo lại, bồi dưỡng thường xuyên cho GV. Các trường sư phạm ở địa phương sẽ làm việc này dưới sự hướng dẫn, hợp tác của các trường sư phạm trọng điểm”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Là người trực tiếp tuyển chọn và làm việc với rất nhiều nhân sự ngành sư phạm, Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, Giám đốc điều hành Hệ thống trường ngoại khóa Tomato children’s home cho rằng nếu các trường không thay đổi phương thức đào tạo thật bài bản thì đội ngũ sinh viên ngành sư phạm rất khó trụ được với yêu cầu ngày càng cao của nghề giáo. Muốn thu nhập ổn định, GV cần hội đủ nhiều kỹ năng cần thiết bên cạnh chuyên môn vững vàng. Trong đó quan trọng nhất là tư duy kỷ luật, quản lý. Điều này không phải GV nào cũng đáp ứng được.

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương tâm tư: “Khi tuyển dụng GV, nhiều trường hợp tôi phải đào tạo lại hết từ những cái nhỏ nhất. Rồi khi đưa ra quy trình gì, phương pháp gì hiện đại và phức tạp chút thì nhiều GV không thể thích nghi, đòi nghỉ, kiếm việc khác. Như vậy rất khó cho các trường”. Từ khó khăn này bà Phương đề xuất, thay vì miễn học phí nhà nước, Bộ GD-ĐT cần thay đổi chính sách để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành sư phạm. Trong giai đoạn hiện nay chính sách miễn học phí thực sự không cần thiết và đôi khi còn ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra của sinh viên sư phạm. Thực tế chứng minh nhiều học sinh thiếu định hướng không biết theo ngành gì đã… chọn đại sư phạm để được miễn học phí.

Đồng quan điểm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Giáo dục IRED cho rằng nghẽn ở đâu ngành GD-ĐT phãi gỡ chỗ đó thay vì cứ ban hành những chính sách chung chung. Thu nhập chưa hấp dẫn thì phải tìm cách nâng lên cho phù hợp; môi trường làm việc trong ngành phải được cải thiện; nhận thức về vai trò của người thầy phải được làm rõ; chất lượng chưa ổn thì phải cải tổ chương trình và phương pháp giảng dạy của ngành sư phạm.

“Khi GV hiểu được sự khác nhau giữa đi dạy để lãnh lương với dạy học trò thành người thì trước khi bước vào ngành sư phạm họ sẽ có sự cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng. Tại các quốc gia có nền giáo dục phát triển, xã hội và bản thân người GV luôn nhìn nhận đúng tầm quan trọng của nghề giáo để có những điều chỉnh phù hợp”, ông Giản Tư Trung cho biết thêm.

Đánh giá việc Bộ GD-ĐT nâng chuẩn đầu vào khối ngành sư phạm là cần thiết nhưng PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM cho rằng cùng với đó phải tăng cường siết chuẩn đầu ra, đánh giá quy trình đào tạo của các trường thì mới khách quan.

Theo đó, cần có một đơn vị độc lập đóng vai trò kiểm tra, đánh giá chất lượng đầu ra của sinh viên ngành sư phạm. Đó có thể là Hiệp hội giáo viên nhưng phải làm một cách tử tế để tránh tình trạng “giấy phép con”. Việc đánh giá đầu ra của các trường ĐH nếu làm nghiêm túc sẽ giúp các cơ sở giáo dục an tâm khi nhận GV về làm việc. Đơn vị đánh giá độc lập có thể cấp giấy phép hành nghề cho GV để những ai đủ chuẩn mới được đứng lớp.

Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là thay đổi cách nhìn và sự quan tâm cho nghề giáo, nếu không rất khó giữ chân người tài. “Điểm nghẽn của giáo dục phổ thông hiện tại vẫn là chính sách con người và các điều kiện làm việc, lương bổng của GV. Vào ngành giáo dục đi làm phải hơn 30 năm sau mới nghỉ hưu nhưng lương cứ mãi thấp thì khó ai có thể mặn mà và cống hiến đến cùng. Giờ công nhân thu nhập trung bình cũng 6-7 triệu đồng/tháng chưa kể tăng ca trong khi nhiều GV thu nhập chỉ tầm 3-4 triệu đồng/tháng thì làm sao họ gắn bó lâu dài. Khi chúng ta siết chặt chất lượng, có chính sách đãi ngộ phù hợp chắc chắn sẽ chọn được người giỏi vào ngành, lúc đó tự khắc chất lượng giáo dục sẽ thay đổi”, PGS. TS. Nguyễn Kim Hồng cho hay./.

Gia Mỹ

Top