Nhân rộng mô hình công viên phần mềm Quang Trung

08/03/2015 4:55 PM

(Chinhphu.vn) – Việc xây dựng các khu công nghệ cao, khu công viên phần mềm trọng điểm là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phát triển và thu hút đầu tư nước ngoài vào ngành CNTT.

Công viên phần mềm Quang Trung.
Thời gian qua, TPHCM đã đi đầu cả nước trong việc thành lập và triển khai xây dựng các công viên phần mềm, trong đó công viên phần mềm (CVPM) Quang Trung được đánh giá là một trong những mô hình thành công nhất, được nhiều địa phương nghiên cứu học tập, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.

Với tổng mức đầu tư khoảng 250 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, CVPM Quang Trung đã thu hút 33 nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho các DN phần mềm và dịch vụ CNTT với tổng mức vốn đăng ký trên 6.000 tỷ đồng.

Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Phát triển CVPM Quang Trung cho biết, đến thời điểm hiện tại, đã có 119 DN phần mềm và dịch vụ CNTT đang hoạt động tại CVPM Quang Trung với tổng vốn đăng ký kinh doanh trên 2.100 tỷ đồng. Trong số này, có 10 DN nằm trong danh sách 50 công ty hàng đầu Việt Nam, 4 DN hàng đầu thế giới như HP, IBM (Hoa Kỳ), KDDI, HITACHI (Nhật Bản)…

Các DN đã xây dựng và cung cấp hơn 140 sản phẩm dịch vụ và giải pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, chủ yếu được xuất khẩu trên 20 quốc gia như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia ngành CNTT, từ thực tiễn phát triển thành công trong 14 năm qua, đến nay, mô hình CVPM Quang Trung cần được nhân rộng, triển khai và chuyển giao cho các địa phương trong cả nước có nhu cầu xây dựng và phát triển CVPM. Tính đến nay, chuỗi CVPM Quang Trung đã có 2 thành viên là CVPM Quang Trung và Khu công nghệ phần mềm thuộc Đại học Quốc gia TPHCM (ITP).

Hiện nay, TPHCM đang cùng thảo luận, nghiên cứu xây dựng CVPM với một số địa phương như Lâm Đồng, Nam Định, Công viên khoa học thuộc trường ĐH Bách khoa TPHCM.

Thời gian gần đây, TPHCM, tỉnh Lâm Đồng và ĐH Quốc gia TPHCM đều đã có văn bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, kiến nghị Chính phủ ban hành văn bản công nhận về hình thức hoạt động của chuỗi CVPM Quang Trung.

Theo đó, về hình thức hoạt động, chuỗi hoạt động không có pháp nhân. Đây là một mô hình liên kết giữa các thành viên có pháp nhân độc lập, tự nguyện trên cơ sở chương trình hợp tác phát triển giữa TPHCM và các tổ chức, đơn vị có trụ sở tại Việt Nam.

Hợp tác trên nền tảng liên kết, bổ sung và hỗ trợ lẫn nhau cùng phát triển, các thành viên trong chuỗi đều được hưởng chính sách ưu đãi đầu tư tương tự các chính sách mà CVPM Quang Trung đang áp dụng.

Lê Anh

Top