Nhân rộng mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên
(Chinhphu.vn) - Hiện TAND Tối cao nhận được nhiều kiến nghị của TAND cấp tỉnh, thành về việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, Chánh án TAND Tối cao đã có chỉ đạo xem xét triển khai thành lập tòa án này tại một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, thậm chí ở một tòa cấp huyện.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nam Đàn |
Thông tin trên do Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho biết tại hội nghị sơ kết 6 tháng hoạt động mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên do TAND Tối cao và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tổ chức ngày 29/11 tại TPHCM.
Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Thúy Hiền cho rằng, việc ra đời mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên là một trong những dấu ấn quan trọng của tiến trình cải cách tư pháp, chứng tỏ cam kết mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền trẻ em, đặc biệt là trẻ em trong hoạt động tư pháp.
Việc triển khai mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên không chỉ là sắp xếp lại tổ chức của tòa án nhân dân mà còn là thiết chế để chuyên môn hóa và nâng cao chất lượng giải quyết các vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình và người chưa thành niên.
Cũng theo bà Nguyễn Thúy Hiền, đến nay TAND Tối cao đã nhận được nhiều kiến nghị của TAND cấp tỉnh, thành về việc thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên. Trên cơ sở đó, Chánh án TAND Tối cao đã có chỉ đạo xem xét các đề nghị trên theo hướng sẽ triển khai thành lập tòa án này tại một số tỉnh, thành trực thuộc Trung ương, thậm chí ở một tòa cấp huyện.
Đại diện Unicef tại Việt Nam cho rằng, mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên là bước ngoặt quan trọng, chứng minh cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện các vấn đề liên quan đến nhân quyền và bảo vệ quyền trẻ em.
Unicef cam kết luôn luôn đồng hành cùng TAND Tối cao Việt Nam để nhân rộng mô hình này trên phạm vi nhiều tỉnh thành với 4 nội dung trọng tâm là nâng cao năng lực cho cán bộ thẩm phán, thư ký, cán bộ tương tác của tòa đối với trẻ em, người chưa thành niên; xây dựng quy trình và thủ tục tòa án đảm bảo tính thân thiện trẻ em; thu thập cơ sở dữ liệu, bằng chứng và các thông tin thiết yếu cho nhà hoạch định chính sách; xây dựng quan hệ hợp tác chặt chẽ đối tác với nhiều cơ quan đoàn thể trong việc hỗ trợ giải quyết vụ việc liên quan đến hôn nhân gia đình và người chưa thành niên.
Để triển khai có hiệu quả mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND TPHCM kiến nghị TAND Tối cao tổ chức các khóa đào tạo bổ sung kiến thức chuyên sâu về hôn nhân gia đình, người chưa thành niên cho thẩm phán, thẩm tra viên, thư ký; có hướng dẫn giải quyết vụ án mà bị hại và bị cáo đều là người chưa thành niên; tổ chức mạng lưới trợ giúp viên pháp lý đối với người chưa thành niên ở tất cả các quận huyện, phường xã…
Về cơ sở vật chất, cần tạo điều kiện để TAND thành phố xây dựng các phòng xử đủ số lượng và đủ rộng, trong đó có thêm phòng cách ly bị hại là trẻ em đặc biệt trong các vụ án liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa, Vụ trưởng Vụ Pháp luật hình sự, hành chính – Bộ Tư pháp cho rằng, TAND Tối cao cần quy định rõ hướng xét xử những bị cáo dưới 18 tuổi trong các vụ án hình sự có tính chất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng hoặc các vụ án an ninh quốc gia, làm sao vừa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời đảm bảo thủ tục tố tụng thân thiện.
Ngoài ra, cần bổ sung thêm trường hợp thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên đối với cấc tranh chấp về dân sự, lao động mà người dưới 18 tuổi là nguyên đơn hoặc bị đơn trong vụ việc.
Tòa gia đình và người chưa thành niên được TAND Tối cao thành lập tại TPHCM ngày 4/4/2016. Đây là tòa chuyên trách thuộc TAND cấp tỉnh đầu tiên của Việt Nam được tổ chức theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 với chức năng, thẩm quyền riêng biệt xét xử các vụ án hôn nhân gia đình, các vụ án dân sự, hình sự liên quan đến người chưa thành niên trong tố tụng. Theo báo cáo của TAND TPHCM, từ ngày 4/4/2016 đến ngày 31/10/2016, Tòa gia đình và người chưa thành niên thuộc TAND thành phố được phân công giải quyết 551 vụ hình sự, hôn nhân và gia đình theo thẩm quyền, trong đó đã giải quyết được 381 vụ, đạt gần 70%. Trong các vụ án hình sự, Tòa gia đình và người chưa thành niên chủ yếu áp dụng hình thức án treo nhằm giáo dục, hỗ trợ cải tạo. Đối với giải quyết vụ việc hôn nhân gia đình, Tòa gia đình và người chưa thành niên chủ yếu giải quyết theo hướng bảo vệ truyền thống gia đình Việt Nam, bảo đảm lợi ích hợp pháp, quyền lợi mọi mặt của con chưa thành niên. |
Nam Đàn