Nhiều đối tượng thuê căn hộ chung cư hoạt động mại dâm, ma túy

25/02/2020 4:00 PM

Thời gian qua, nhiều đối tượng lợi dụng hình thức cho thuê lưu trú theo giờ, ngắn ngày tại các căn hộ chung cư cao tầng ở TPHCM để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao…

Trung tá Nguyễn Văn Thơ phát biểu tại buổi làm việc - Ảnh: TUYẾT MAI

Thực trạng trên được trung tá Nguyễn Văn Thơ - phó trưởng Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an TPHCM - đưa ra trong buổi khảo sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tại Công an TP về tình hình thực hiện Luật xử lý vi phạm hành chính giai đoạn từ tháng 7/2013 đến tháng 12/2019.

Khó quản lý cơ sở lưu trú trong chung cư

Trao đổi tại buổi khảo sát, trung tá Nguyễn Văn Thơ cho biết toàn TPHCM có hơn 1.200 chung cư từ 5 tầng trở lên với gần 61.000 căn hộ. Hiện các chung cư xuất hiện loại hình dịch vụ cho thuê căn hộ lưu trú theo giờ, qua đêm hoặc ngắn ngày.

Việc quản lý loại hình cho thuê này hết sức khó khăn. Theo nghị định 96 năm 2016 (quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện), lực lượng công an phải cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

Tuy nhiên, điều 6 của Luật nhà ở hiện hành có quy định không sử dụng căn hộ chung cư vào mục đích không phải để ở. Đa số các cơ quan đăng ký cấp giấy kinh doanh, phòng kinh tế quận, huyện đều xác định loại hình cho thuê lưu trú ngắn ngày, theo giờ tại căn hộ chung cư là trái quy đinh Luật nhà ở.

Vì vậy, khi cấp giấy phép kinh doanh, các cơ quan cấp theo loại hình dịch vụ cho thuê nhà để ở nhưng loại trừ dịch vụ cho thuê lưu trú ngắn ngày. Do vậy cơ quan công an không thể cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh, trật tự.

"Vấn đề đặt ra chúng ta xử lý, phạt loại hình cư trú này như thế nào. Không thể xử phạt hành vi hoạt động kinh doanh mà không có giấy phép kinh doanh vì lỗi không phải do cá nhân, doanh nghiệp mà do chúng ta không cấp.

Mặt khác, chúng ta cũng không xử phạt hành vi không được cấp giấy chứng nhận đảm bảo an ninh, trật tự được vì muốn xử phạt thì phải hướng dẫn cá nhân, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh", ông Thơ nêu khó khăn.

Theo ông Thơ, thời gian qua, các đối tượng lợi dụng loại hình này để hoạt động mại dâm, ma túy, tội phạm công nghệ cao… 

Trong năm 2019, Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp công an quận, huyện tiến hành kiểm tra. Qua đó xử phạt vi phạm hành chính gần 1.100 trường hợp, phát hiện hơn 1.700 đối tượng không đăng ký.

Từ đó, ông Thơ kiến nghị Đoàn đại biểu Quốc hội có ý kiến với UBND TP xem xét, giải thích rõ việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày có phải là một trong những hành vi bị nghiêm cấm theo điều 6 Luật nhà ở và chế tài xử lý như thế nào.

Mặt khác, loại hình kinh doanh lưu trú theo giờ tại các chung cư cao tầng theo quy định phải cấp giấy phép kinh doanh, vậy giấy phép cần phải cấp theo loại hình nào để đúng luật.

Đề xuất có thêm cơ sở lưu giữ người nước ngoài

Tại buổi khảo sát, thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn - đội trưởng đội xử lý vi phạm người nước ngoài, Phòng quản lý xuất nhập cảnh, Công an TPHCM - cũng nêu vướng mắc về việc tạm giữ người nước ngoài theo thủ tục hành chính (điều 112 Luật xử lý vi phạm hành chính).

Theo ông Tuấn, hiện nay tại TPHCM xuất hiện tình trạng nhiều người nước ngoài lang thang, cơ nhỡ, không xác định được nhân thân. 

Trong thời gian xác định quốc tịch, nhân thân, cơ quan công an không được tạm giữ các đối tượng này theo quy định tại điều 112 mà đều phải đề xuất với trung tâm bảo trợ xã hội đưa vào tạm. Nhưng các trung tâm bảo trợ xã hội cũng hạn chế tiếp nhận những đối tượng này.

Thiếu tá Nguyễn Minh Tuấn đề nghị mở rộng diện tạm giữ người và bố trí nơi tạm giữ người, đặc biệt là người nước ngoài.

Ngoài ra, ông Tuấn cho biết hiện nay số lượng người nước ngoài vi phạm ở Việt Nam, trong đó tại TPHCM có xu hướng tăng qua các năm, diễn biến phức tạp. Việc giữ người nước ngoài vi phạm mang tính chất hình sự cũng rất phức tạp.

"Với những người vi phạm nhưng chưa củng cố được chứng cứ để khởi tố, nếu thả ra họ dễ bỏ trốn. Nhưng nếu muốn giữ lại thì không có chỗ tạm giữ", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, hiện nay Bộ Công an có hai cơ sở lưu giữ người nước ngoài vi phạm trong thời gian chờ trục xuất ở khu vực phía Bắc và phía Nam. Với số lượng người nước ngoài vi phạm bị trục xuất ngày càng tăng, hai cơ sở này bị quá tải.

Mặt khác, thủ tục hành chính đưa người nước ngoài vào đây rất nhiêu khê. Do vậy, ông Tuấn kiến nghị Bộ Công an cho Công an TP có nơi tạm giữ, thậm chí đề xuất có nơi tạm giữ đặc thù dành cho người nước ngoài.

Theo TTO

Top