Nhiều kiến nghị về BHXH và lao động tại Sách trắng Eurocham 2018

22/03/2018 10:02 AM

(Chinhphu.vn) - EuroCham cho rằng vẫn còn một số quy định pháp luật liên quan đến Bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài thiếu tính thực tế.

Hội thảo giới thiệu Sách Trắng 2018 sáng ngày 21/3 ở TPHCM.

Nhiều quy định về BHXH cho người nước ngoài thiếu thực tế

Được biết đến là ấn phẩm mang quan điểm và góc nhìn của cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, Sách Trắng 2018 đã đặc biệt đề cập đến hàng loạt kiến nghị về nguồn nhân lực với các cơ quan chức năng Việt Nam.

Tại Hội thảo giới thiệu Sách Trắng 2018 sáng ngày 21/3 ở TPHCM, bà Mai Lan Anh, đại diện Tiểu ban Phát triển Nguồn nhân lực và Đào tạo của EuroCham, đã cho rằng vẫn còn một số quy định pháp luật (hoặc dự thảo hướng dẫn thi hành) liên quan đến Bảo hiểm xã hội cho lao động nước ngoài  thiếu tính thực tế. Điển hình nhất là Dự thảo Nghị định Hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm Xã hội (BHXH) bắt buộc đối với công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

Cụ thể, dự thảo khẳng định lao động nước ngoài chỉ cần làm việc từ một tháng trở lên là phải đóng BHXH. “Đây là điều thiếu thực tế do rất nhiều lao động nước ngoài chỉ đến Việt Nam vì một công tác đặc biệt trong thời gian ngắn rồi về nước ngay sau đó”, bà Lan Anh nói thêm và đề xuất chỉ nên buộc đóng BHXH với hợp đồng lao động có thời hạn dài hơn, có thể là 6 tháng.

Tương tự, quy định 5 chế độ mà BHXH sẽ chi trả cho người lao động gồm ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, hưu trí và tử tuất cũng không khả thi vì sẽ rất hiếm lao động nước ngoài chọn nghỉ hưu tại Việt Nam. Trong khi đó, Việt Nam hiện cũng chưa ký kết bất cứ hiệp định song phương nào liên quan tới việc thừa nhận lẫn nhau về BHXH. Vì vậy, lao động nước ngoài tại Việt Nam có thể phải nộp BHXH hai lần (một lần tại nơi làm việc ở nước sở tại và một lần tại Việt Nam).

Ngoài ra, dự thảo dù có nói lao động nước ngoài được quyền chọn nhận thanh toán BHXH một lần trước khi về nước nhưng thủ tục hành chính để được nhận khoản tiền này cũng khá phức tạp. So với các nước khác thuộc Asean thì Việt Nam cũng có mức đóng BHXH cao hơn nhiều nhưng tỷ lệ hoàn lại thì thấp hơn.

“Những bất cập và dự thảo trên đang và sẽ khiến phát sinh thêm ‘một rừng’ thủ tục hành chính. Chi phí cho DN lẫn người lao động đều sẽ tăng lên, gián tiếp ảnh hưởng tới mức độ hấp dẫn của môi trường đầu tư tại Việt Nam”, vị đại diện Tiểu ban Phát triển Nguồn nhân lực và Đào tạo EuroCham nhận định.

Khó khăn về nguồn cung lao động

Trong một phân tích khác, EuroCham cũng cho rằng hiện các quy định để một tập đoàn hoặc công ty đa quốc gia có thể điều chuyển lao động từ các nơi khác về Việt Nam là không hề đơn giản. Bởi đây phải là những lao động đã được DN tuyển dụng tối thiểu là 12 tháng trước đó, hoặc phải là người giữ các chức vụ “giám đốc điều hành” hoặc “nhà quản lý”, “chuyên gia” - mà số này trong DN là không nhiều - hoặc lao động nước ngoài chỉ được điều chuyển đến Việt Nam với tư cách là nhà đầu tư hoặc chủ DN!

Theo EuroCham, chính định nghĩa quá hẹp về người lao động nước ngoài di chuyển trong nội bộ DN dẫn đến thực tiễn áp dụng không phù hợp. Ví dụ, để có được giấy phép lao động, DN phải sửa đổi chức danh của lao động được điều tới Việt Nam. Bên cạnh đó, việc hoàn thành hồ sơ xin cấp giấy phép lao động cũng mất từ 2-3 tháng hoặc lâu hơn do sự khác nhau về thủ tục giấy tờ ở các quốc gia.

Do đó, EuroCham đề xuất Việt Nam nên mở rộng diện lao động được di chuyển trong nội bộ DN và áp dụng quy trình xử lý nhanh với hồ sơ nhân lực cao cấp cần điều chuyển gấp đến Việt Nam. Cơ quan chức năng Việt Nam có thể thu mức phí xử lý hồ sơ cao hơn để giải quyết nhanh các trường hợp đặc biệt này.

Còn hiện tại, các công ty nước ngoài muốn giải quyết bài toán nhân lực trên bằng cách nhận thêm lao động tại Việt Nam cũng “không xong” vì nguồn cung tuy “có số lượng nhưng vẫn yếu chất lượng”. Đại diện cho Tiểu ban Công nghệ thông tin, ông Amanuel Flobber cho hay hiện công nghệ thông tin là ngành rất căng thẳng nhân lực đối với các DN tại Việt Nam nói chung, trong đó có DN từ Châu Âu. Vậy nhưng nguồn nhân lực đào tạo từ nhiều trường đại học chưa thể đáp ứng ngay nhu cầu công việc vì thiếu cả kỹ năng lẫn lạc hậu chuyên môn. Và tất nhiên, DN phải mất nhiều thời gian để đào tạo lại, “các trường đại học cần thay đổi giáo trình theo hướng hiện đại hơn, cập nhật hơn với sự phát triển của công nghệ. Giáo dục đào tạo nghề cũng cần được đầu tư nhiều hơn nữa”, ông Amanuel Flobber đề nghị.

Trong khi đó, ở những bậc học phổ thông - nơi cung cấp nguồn nhân lực tiềm năng trong tương lai - các trường quốc tế tại Việt Nam với giáo trình, phương pháp và chất lượng đào tạo rất tốt lại bị áp “quota” về tỷ lệ học sinh Việt Nam có thể theo học. “Quy định này đang hạn chế quá trình tiếp cận nền giáo dục tiên tiến của học sinh Việt Nam và cần được điều chỉnh”, người đại diện cho Tiểu ban Phát triển Nguồn nhân lực và Đào tạo đề xuất thêm.

Đáp lại những đề xuất của EuroCham, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Thương mại thuộc VCCI TPHCM, khẳng định Việt Nam vẫn là nền kinh tế đang phát triển, Chính phủ hoàn toàn hiểu rằng cải thiện môi trường kinh doanh cũng là để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển kinh tế. “Hiện nay lãnh đạo cấp cao của Chính phủ đã thể hiện tinh thần lắng nghe và cầu thị đối với giới DN. Nhưng chúng tôi cần thời gian nhất định để điều chỉnh thể chế và khuôn khổ pháp lý”, ông Bình giải thích.

Bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) cũng cho hay mỗi năm TPHCM có khoảng 20 cuộc đối thoại giữa DN với chính quyền và các cơ quan chức năng, có cả các cổng thông tin điện tử để nhận ý kiến đóng góp từ DN. “Những kiến nghị nào vượt thẩm quyền thì TPHCM sẽ chuyển lên cấp cao hơn để được ghi nhận và tháo gỡ”.

Năm 2017 vừa qua, TPHCM thu hút được 6,5 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI). Trong top 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp Châu Âu chỉ có Hà Lan là đại diện với vị trí thứ 7.

Phương Hiền

Top