Nhiều lý do khiến TPHCM giải ngân vốn đầu tư công chậm

19/07/2019 6:00 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/7, tại cuộc họp đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2019 của TPHCM , vấn đề giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là chủ đ ề “nóng” được đem ra b àn thảo.

Đến 30/6, tổng số vốn đầu tư đã giải ngân của các đơn vị đạt 7.032 tỷ đồng, bằng 20,8% kế hoạch do UBND Thành phố giao, và 18,8% kế hoạch Trung ương giao. Ảnh: VGP/Thu Lê

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, năm 2019, Trung ương giao kế hoạch đầu tư công cho TPHCM hơn 37.389 tỷ đồng, trong đó vốn cân đối ngân sách địa phương là 34.619 tỷ đồng, vốn ngân sách Trung ương 1.969 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương 800 tỷ đồng.

Theo đó, căn cứ khả năng cân đối ngân sách, UBND Thành phố giao và cân đối kế hoạch đầu tư công năm 2019 là 33.771 tỷ đồng. Trong đó vốn cân đối ngân sách Thành phố là 31.002, vốn ngân sách Trung ương 1.969, vốn ODA cấp phát 800 tỷ đồng, phân bổ cho 1.804 dự án, trong đó chủ yếu là các dự án chuyển tiếp (890 dự án); dự án khởi công xây mới (360 dự án) và dự án chuẩn bị đầu tư (439 dự án).

Ngay từ đầu năm, TPHCM đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư vốn Trung ương của từng dự án đạt ít nhất 95% trở lên. Các đơn vị có tỷ lệ giải ngân trong 3 tháng liên tiếp thấp hơn so với mức giải ngân trung bình của cả nước phải chịu trách nhiệm trước UBND Thành phố và Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, tính đến 30/6, tổng số vốn đã giải ngân ở Kho bạc Nhà nước Thành phố là 7.032 tỷ đồng, mới đạt 20,8% tổng kế hoạch do UBND Thành phố giao, đạt 18,8% kế hoạch Trung ương giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.

Tại phiên họp, Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thành Phong yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích từng nguyên nhân. “Phải làm rõ nguyên nhân của từng đơn vị, nguyên nhân khách quan, chủ quan. Nếu từ phía chủ quan, cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu, tuy nhiên không vì thế mà bỏ qua nguyên nhân khách quan, từ đó có biện pháp tháo gỡ ngay”, Chủ tịch UBND Thành phố nhấn mạnh.

Hàng loạt lý do khiến giải ngân vốn đầu tư cộng chậm

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cho biết, các năm trước đây Thành phố giao nhiều đợt, đợt 1 giao khoảng 70% dự toán, đợt 2, 3 bổ sung vốn để cuối năm đạt 100% dự toán. Tuy nhiên, năm 2019, thực hiện theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, TPHCM giao 100% dự toán ngay từ đầu năm do đó mặc dù giá trị tuyệt đối vốn giải ngân cao hơn nhưng tỷ lệ lại thấp hơn.

Bên cạnh đó, 6 tháng đầu năm, là giai đoạn chuẩn bị đầu tư, việc thanh quyết toán dự án tập trung chủ yếu vào 6 tháng cuối năm nên nửa đầu năm tỷ lệ giải ngân vốn sẽ thấp hơn.

Đáng chú ý, trong năm nay, kế hoạch vốn trung hạn do các lý do khách quan, thay vì giao vào cuối năm, lại được giao vào tháng 5, vì vậy, trong kế hoạch vốn có đến 7.000 tỷ chưa được phân khai (chiếm 20%), ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ giải ngân.

Ngoài ra, tỷ lệ giải ngân chưa cao còn do từ đầu năm UBND Thành phố đã giao kế hoạch vốn cho 120 dự án bồi thường hoặc có thực hiện công tác bồi thường, tổng vốn đã giao 4.215 tỷ đồng (chiếm 15% kế hoạch vốn). Tuy nhiên, công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư trên địa bàn thành phố còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong sắp xếp quỹ đất, đơn giá bồi thường… dẫn tới tình trạng chậm, kéo dài phổ biến. Nhiều dự án phải điều chỉnh giảm kế hoạch vốn, tổng vốn giảm 3.200 tỷ đồng.

Đối với các dự án bồi thường phục vụ xây dựng tuyến Metro, hiện nay, giá bồi thường cho tuyến metro số 2 chưa được phê duyệt điều chỉnh, nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý. Do đó UBND các quận đề xuất giảm kế hoạch vốn được giao. Ngoài ra, hồ sơ thẩm định dự án điều chỉnh dự án xây dựng tuyến đường sắt Bến Thành-Suối Tiên và tuyến Bến Thành-Tham Lương cũng trong giai đoạn rà soát. Vì vậy, UBND các quận cũng chưa có cơ sở giải ngân vốn kế hoạch năm 2019 để triển khai bồi thường theo quy định.

Tương tự, một số công trình giao thông trọng điểm của Thành phố chưa thể triển khai cũng do công tác bồi thường, chưa có mặt bằng phục vụ thi công.

Do đó, từ nay đến cuối năm, nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết sẽ phối hợp rà soát từng dự án giải phóng mặt bằng để giải quyết khúc mắc đơn giá, chính sách bồi thường, đề xuất xin Trung ương phê duyệt cơ chế giải phóng mặt bằng đặc thù để có những chính sách linh hoạt hơn.

Sở cũng sẽ điều chỉnh việc bố trí vốn dự án, dự án nào triển khai tốt đề xuất bố trí tăng vốn, còn các dự án khó khăn sẽ điều chỉnh giảm tối đa, từ đó điều hoà nguồn vốn, bảo đảm thực hiện kế hoạch vốn được giao.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Thu Lê

Cũng theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, sau khi HĐND Thành phố thông qua kế hoạch giải ngân vốn trung hạn vào tháng 5, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất sớm có phân khai chi tiết làm căn cứ cho các đơn vị triển khai thực hiện ngay.

Sở cũng phối hợp Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước TPHCM, kiểm tra công tác giải ngân, định kỳ ngày 5 và 20 hằng tháng họp bàn đưa giải pháp giải ngân, quyết toán nhanh.

Thay đổi tư duy đầu tư công

Tại Hội nghị, Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cho biết hiện Thành phố có rất nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, trong khi ngân sách Thành phố hạn chế, vì vậy, cần huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội từ tư nhân trong nước và nước ngoài, “thoát bỏ tình trạng dựa dẫm, ỷ lại vào nguồn ngân sách”.

Chưa kể, với mỗi dự án sử dụng vốn ngân sách, từ khâu nghiên cứu, thi công đến vận hành phải mất tới 3-5 năm, “mỗi lần trình là mỗi lần trượt giá, tính toán 1 đồng khi hoàn thành 2-3 đồng”, gây áp lực rất nhiều lên ngân sách và giảm hiệu quả tài chính dự án, gây lãng phí rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố cho rằng phải thay đổi tư duy đầu tư công, chuyển sang xã hội hoá, đưa vào đấu thầu, đấu giá đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư. “Như vậy đầu tư Thành phố mới có được hiệu quả 2 tăng 1 giảm: Tăng thu ngân sách từ đấu giá, đấu thầu, tăng từ hoạt động có hiệu quả của doanh nghiệp và giảm chi ngân sách”.

Ngoài ra, còn một số vấn đề khác đang gây “nhức nhối” dư luận trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thời gian qua, đây là “bài toán khó, càng lúc càng khó, chậm trễ sẽ không thể triển khai”; hay việc Thành phố xây nhiều khu tái định cư nhưng chất lượng nhà lại chưa bảo đảm, người dân không lên ở đã gây lãng phí. Theo ông Võ Văn Hoan, phải đặt câu hỏi, “Đơn giá bồi thường có sát thị trường không, chênh lệch với dự án tư nhân bao nhiêu, không thể để mức chênh 40-50% như hiện nay được”.

Bên cạnh đó, làm đơn giá bồi thường cho người dân mới tập trung vào giá trị đất, chưa tính đủ, tính đúng đến thiệt hại thực tế của người dân khi phải mất ít nhất 5-10 năm mới ổn định được cuốc sống và công việc ở nơi ở mới.

Do vậy, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cho biết, trong khi khung giá đất để tính bồi thường hiện nay đã lạc hậu so với tình tình thực tế, Thành phố đang kiến nghị Chính phủ điều chỉnh, đồng thời cho TPHCM hệ số điều chỉnh riêng, trên cơ sở đó Thành phố mới có thể nới lỏng bảng giá bồi thường cho người dân.

Thu Lê

Top