Những bông hồng thép ở Nam Sudan

08/03/2020 8:03 AM

(Chinhphu.vn) - H ọ là những bác sĩ, điều dưỡng viên… tình nguyện đã trải qua vòng sàng lọc, tuyển chọn gắt gao trước khi đặt chân tới Nam S udan làm nhiệm vụ khám chữa bệnh cho quân nhân và chuyên gia phái bộ gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. 14 tháng là những kí ức mà các cán bộ , chiến sĩ từng làm việc tại đây không bao giờ quên.

Tại Nam Sudan, các bác sĩ, cán bộ nữ Bệnh viện dã chiến 2.1 thường tham gia vào các hoạt động tặng quà, hướng dẫn cho các em nhỏ học bài, tô chữ tại khu bảo vệ thường dân (POC). Ảnh: Bệnh viện dã chiến 2.1.

“Hồi còn nhỏ, tôi từng xem những bộ phim tài liệu về Châu Phi, tôi muốn tới đó để giúp những người dân giống như các tổ chức không biên giới, WHO… Nay giấc mơ đã thành hiện thực. 2 tuần trước khi lên đường đến Nam Sudan, tôi mới thông báo cho gia đình biết. Ba mẹ trước đó cũng nghe loáng thoáng rồi, ông bà cũng từng phục vụ trong quân đội nên đồng ý, chỉ dặn giữ sức khoẻ, lên đường bình an”, Đại uý, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Ngân, thành viên Bệnh viện dã chiến 2.1 cười nhớ lại.

Kí ức ngày đầu tới Nam Sudan

Chúng tôi gặp Ngân và đồng đội trong buổi lễ công bố và trao quyết định điều động cán bộ nhân Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 vào ngày cuối năm tại bệnh viện 175. Ấn tượng ban đầu khi gặp Ngân là đôi mắt sáng ẩn sau cặp kính cận, mái tóc ngang vai được buộc gọn lại, tác phong nhanh nhẹn và nét cá tính của nữ quân nhân không lẫn vào đâu được. Ngân 33 tuổi, chưa lập gia đình.

Nhớ ngày đầu mới trở về Việt Nam, nhiều bạn bè xót vì Ngân đen và xơ xác quá. “Mọi người chọc bảo Châu Phi xài Ngân hao quá”, nữ đại uý bật cười nhớ lại. Tại Nam Sudan, Ngân là bác sĩ khám bệnh của khoa khám bệnh. Công việc cụ thể là tiếp nhận và điều trị bệnh nhân bước đầu.

Dù đã xem nghiên cứu rất nhiều về Châu Phi, thực tế khi đặt chân tới đó cũng không hề lạ lẫm với cô gái nhỏ nhưng Ngân vẫn bị cảm sốt do thời tiết thay đổi. “Ban ngày rất nóng, tầm 40 độ, có hôm hơn 50 độ, bụi mù mịt. Nhưng ban đêm chỉ tầm 17-18 độ thôi. Mình đi từ tháng 10-2018, đến tháng 7-2019 có về thăm nhà. Nhưng có những bác sĩ như bác sĩ Lại Thành, bác sĩ Phát, bác sĩ Phán…thì không thể về được vì không có người thay thế công việc. Tại Nam Sudan, chưa bao giờ thấy mình mạnh mẽ như thế”, Ngân kể chuyện.

Ở nhà, công việc có thể có đồng nghiệp nam làm dùm nhưng những ngày đầu mới tới Nam Sudan, đồ đạc còn bề bộn rất nhiều, nữ quân nhân cũng xắn tay vào bê vác đồ giữa trời nắng nóng như những người khác. Từ nơi ở tới nơi làm việc không xa nhưng hình ảnh những cô gái cần mẫn đi bộ giữa cái nắng 50 độ bụi bay mùi mịt, một ngày bốn bận cũng khiến nhiều người xót xa.

Ảnh: Bệnh viện dã chiến 2.1

Ca mổ đầu tiên trong lều

Ở đây tầm từ tháng 6 tới tháng 9, sốt rét là bệnh khiến nhiều người lo lắng. Những bệnh lý về tiêu hoá, hô hấp, chấn thương là phổ biến nhất. Nặng nhất là những ca mổ.

Cuối tháng 11-2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 1 tiếp nhận một quân nhân người Mông Cổ. Người đàn ông nhập viện trong tình trạng đau bụng, người đàn ông không kêu đau đớn, lăn lộn, chỉ im lặng, mày nhíu chặt nhưng nhìn mồ hôi nhỏ giọt trên gương mặt đủ để hiểu anh đau đến mức nào. Chẩn đoán ban đầu, quân nhân này bị viêm ruột thừa, nhưng bệnh biến chứng nặng, phải mổ ngay.

Câu chuyện xảy ra đã một năm hơn nhưng mỗi lần nhắc lại, Đại uý Phạm Thị Thu Trang vẫn nhớ như in ca mổ đầu tiên tiếp nhận. Nữ đại uý làm nhiệm vụ điều dưỡng phụ mổ, cụ thể là phụ giúp bác sĩ tiếp dụng cụ khi có ca mổ.

“Chúng tôi vừa nhận bàn giao buổi sáng thì tối có ca mổ luôn. Hôm đó là cuối tháng 11, tôi nhớ tầm 27-11-2018. Anh ấy là quân nhân nên sức chịu đựng rất tốt. Từ khi chuẩn bị mổ đến lúc xong tầm 4 tiếng đồng hồ. Đó là lần đầu tiên, chúng tôi thực hiện mổ trong lều, ở môi trường dã chiến nên máy móc trang thiết bị cũng sẽ có một số hạn chế, cùng với đó là nguy cơ nhiễm trùng sẽ cao hơn, mọi thao tác phải rất cẩn trọng. Đó chưa phải là ca nặng nhất, có ca mổ kéo dài tới 6 tiếng, là quân nhân nên họ chịu đau rất tốt, tới khi không chịu đựng được nữa phải tới bệnh viện thì ruột đã bị hoại tử. Mất khoảng 6 tiếng đồng hồ mới hoàn thành ca mổ, cắt 1m ruột. Các bác sĩ trong bệnh viện đã cố giữ nhưng trường hợp này quá nặng, bắt buộc phải cắt”, đại uý Trang trầm ngâm nhớ lại.

Nữ điều dưỡng chia sẻ công việc của chị chỉ là đưa dụng cụ, bác sĩ mổ mới là người chịu nhiều áp lực, căng thẳng nhất. Ca mổ hôm ấy từ tối 12h đêm, tới 6h sáng mới xong, đợi bệnh nhân hồi tỉnh mới bàn giao người này sang phòng hồi sức.

Các bác sĩ, cán bộ Bệnh viện dã chiến 2.1 tham gia Ngày Liên Hợp quốc (UN) tại khu bảo vệ thường dân (POC). Ảnh: Bệnh viện dã chiến 2.1

Tự hào có mẹ là nữ quân nhân làm nhiệm vụ tại Nam Sudan

Đại uý Phạm Thị Thu Trang có cô con gái nhỏ rất dễ thương. Bé 13 tuổi. Mạnh mẽ, dứt khoát là vậy nhưng mỗi lần nhắc tới con gái giọng chị dịu dàng lại, miệng luôn nở nụ cười.

“Ngày về thăm con, con thay đổi nhiều, con cao hơn, tóc dài hơn, suy nghĩ sống tự lập chín chắn hơn ngày còn mẹ ở nhà”.

Nhớ ngày đầu mới qua, chưa gọi điện được về nhà điện thoại không có, bề ngoài bình tĩnh vậy nhưng chị nhớ con quay quắt. Phải một tuần sau chị mới gọi được về cho gia đình, cho bố mẹ và con gái chỉ để bảo một câu “con đã đến nơi rồi. Con an toàn”. Phải đến một tháng sau mới có mạng 2g, mới gọi được video. “Vậy là hạnh phúc lắm rồi. Thấy con tự nhiên rơm rớm nước mắt luôn”, chị Trang kể chuyện.

Mẹ vắng nhà, cô bé tự lập hơn hẳn, biết tự lo cho mình và quan tâm mọi người hơn bởi “con tự hào là con gái của nữ quân nhân đang làm nhiệm vụ tại Nam Sudan”.

Các cán bộ, bác sĩ Bệnh viện dã chiến 2.1 nhận Bằng khen của Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam trao tặng. Ảnh: VGP/Huy Phạm

Cộng hòa Nam Sudan có diện tích đất là 612.184 km2, dân số hiện tại hơn 11 triệu người. Đây là đất nước đang có xung đột, nội chiến với 6,2 triệu người đối mặt với nạn đói, 2,2 triệu trẻ em chưa được đến trường.

Ngày 1/10/2018, Bệnh viện dã chiến cấp 2.1, với 63 người, lên đường làm nhiệm vụ gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan (tiếp quản đơn vị tại căn cứ Bentiu, Nam Sudan, sau khi lực lượng gìn giữ hòa bình của Vương quốc Anh rời đi).

Sau hơn 1 năm thực hiện nhiệm vụ tại Phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan, các cán bộ, chiến sĩ Bệnh viện dã chiến 2.1 đã hoàn thành tốt nhiệm vụ đảm bảo y tế, chăm sóc sức khỏe cho lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại địa phương. Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sỹ Bệnh viện dã chiến 2.1 đã chủ động, tích cực tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe, giao lưu văn hóa, thể thao, giúp đỡ người dân địa phương, góp phần tạo nên hình ảnh tốt đẹp về người chiến sĩ Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế.

Huy Phạm

Top