Những điều cần biết về công tác phòng cháy và chữa cháy nhà cao tầng

13/05/2014 9:40 AM

Phòng Tham mưu Sở CS PCCC TPHCM vừa có thông tin về những điều cần biết trong công tác PCCC nhà cao tầng ở TPHCM.

 

Theo đó, việc nhận thức và hiểu biết về việc PCCC nhà cao tầng là cần thiết cho tất cả mọi người. Ai cũng hiểu cháy là một thảm hoạ đối với con người và tự nhiên, gây thiệt hại về người, tài sản và môi trường, ảnh hưởng đến an ninh trật tự.
TP chúng ta ngày càng nhiều tòa nhà cao tầng mọc lên theo đà phát triển kinh tế xã hội, nhiều người đang làm việc, kinh doanh, sinh sống ở các trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ, do vậy chúng ta phải hiểu biết về công tác phòng cháy và chữa cháy nhà cao tầng:
Trước hết, đặc điểm cháy nhà cao tầng bao gồm:
Cháy thường kèm theo khói khí độc với nồng độ cao. Ngọn lửa dễ lan truyền theo các đường ống kỹ thuật sang ngang, xuống dưới, đặc biệt là lên cao. Ngọn lửa dễ phát sinh từ tầng hầm, tầng trệt, nơi để xe gắn máy, xe ô tô. Đám cháy phát triển mạnh khi có gió và khi ở vị trí cao của toà nhà.Cháy dẫn đến mất điện, gây khó khăn cho việc phun chất chữa cháy, thoát nạn, đặc biệt là các toà nhà không có hệ thống chiếu sáng sự cố.
Việc tiếp cận và triển khai lực lượng, phương tiện chữa cháy rất khó khăn và mất nhiều thời gian vì độ cao. Việc thoát nạn cũng nhiều thời gian hơn, đặc biệt với các nhà công trình công cộng, nơi mà đa số người bị nạn không thường xuyên lui tới nên không thông thuộc đường đi lối lại. Còn quá nhiều người còn coi thang máy là lối thoát nạn. Thực tế thì hoàn toàn ngược lại với các lý do sau:
Khi có cháy thang máy sẽ tự động trở về tầng trệt mở cửa và ngưng hoạt động, nguồn điện sẽ bị ngắt, theo đó đèn chiếu sáng và hệ thống thông gió trong đó cũng ngưng làm việc.Giếng thang máy trở thành ống dẫn khói, lửa khổng lồ, đôi khi bị kẹt trên hành trình về tầng trệt nên đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người trong thang máy. Cho dù thang máy có nguồn điện riêng, hành trình thang máy sẽ ra sao nếu đồng loạt các tầng đều gọi thang mà thang thì không được phép dừng ở tầng đang bị cháy, trong khi thang chở tối đa được 10-12 người/ chuyến.
Từ những đặc điểm trên, chúng ta phải có giải pháp thoát nạn khi ở nhà cao tầng, nhiều tầng:
Khi bước chân vào ngôi nhà cao tầng, nhiều tầng có thể đi bằng lối thang máy nhưng việc đầu tiên cần biết là phải xem cầu thang bộ, cầu thang thoát nạn nằm ở đâu. Nên chú ý đến vị trí để các phương tiện chữa cháy bởi sử dụng chúng có thể tạo ra lối thoát nạn hoặc đôi khi các cuộn vòi chính là dây cứu nạn.Khi có cháy hãy bình tĩnh suy xét là yếu tố quan trọng nhất.Sử dụng phương tiện sẵn có để dập cháy.
Nếu không dập lửa được hãy:Đóng cửa phòng bị cháy lại.Tìm các lối thoát nạn sẵn có, theo đèn chỉ dẫn Exit-lối thoát hoặc nghe thông báo qua hệ thống truyền thanh, vô tuyến.Hoặc tìm lối thoát sang các phòng khác.Hãy sử dụng thang bộ hay lối thoát nạn để thoát nạn.
Trên đường đi báo cho hàng xóm hay người ở các phòng lân cận biết đang có cháy xảy ra. Nếu phải băng qua lửa, hãy dùng áo, chăn chất liệu Cottol nhúng ướt và trùm lên đầu mình.Nếu phòng có khói khum người di chuyển.Nếu phải mở cửa, hãy kiểm tra nhiệt độ trước khi mở bằng cách đặt tay lên cửa.Khi mở lên tránh mặt, người sang một bên đề phòng lửa tạt.Nếu nhiệt độ quá cao tuyệt đối không được mở.Nếu có khói lùa, dùng vải, giẻ ướt chặn lấy chân cửa.
Nếu không có lối ra cửa chính hãy: Di chuyển ra ban công, cửa sổ.Từ cửa sổ, ban công hãy gọi to, dùng khăn, áo sáng màu ra hiệu. Gọi điện thoại 114 cho PCCC hay người thân thông báo vị trí quí vị đang bị kẹt. Trong khi chờ đợi tìm các phương tiện cứu nạn có sẵn trong nhà được trang bị từ trước như thang, dây để xuống. Đôi khi tấm rèm, ra trải giường xé dọc, quần áo buộc lại cũng là một sợi dây tốt. Chú ý cuốn nhiều vải, giẻ vào tay, mặc nhiều quần áo dài trước khi tụt.
Tuyệt đối không nhảy xuống trừ khi có đệm.
Để đảm bảo an toàn cho nhà cao tầng, chúng ta phải có các biện pháp phòng cháy cho nhà cao tầng như sau: Tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn xây dựng, nhà cao tầng phải có đầy đủ hệ thống, thiết bị phương tiện PCCC, thoát nạn. Đề cao chế độ tự kiểm tra của người quản lý hay chủ ngôi nhà. Đề cao tính tự chủ trong công tác chữa cháy, lập và thực tập phương án, lực lượng, phương tiện tại chỗ là chính.
Tuyên truyền, phổ biến kiến thức an toàn PCCC nhà cao tầng cho người trong nhà, đặc biệt là những người thường xuyên có mặt ở đó. Hoàn thiện các giải pháp thoát nạn. Hoàn thiện các giải pháp chống cháy lan. Hoàn thiện hệ thống báo cháy, chữa cháy trong nhà.
Khi có cháy phải nhanh chóng điện thoại báo cháy số 114 cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy chuyên nghiệp (Người báo cháy phải báo rõ số nhà, tên cơ quan, tên đường, tên phường, tên quận).
Cư dân trong các tòa nhà cao tầng cần trang bị thêm những kiến thức về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn và cứu hộ để tránh được những hậu quả khó lường do cháy nổ xảy ra.
 
NS. (Theo Sở CS PCCC TPHCM)
Top