Những lưu ý khi doanh nghiệp thâm nhập thị trường Myanmar

20/11/2019 9:00 AM

(Chinhphu.vn) - Ngày 19/11, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) tổ chức Hội thảo “Triển vọng của thị trường Myanmar trong giai đoạn hội nhập” .

Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp được ITPC đưa đến Myanmar tham gia hội chợ.

Trong thời gian qua, nhất là từ khi thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác toàn diện vào tháng 8/2017, hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Myanmar ngày càng phát triển. Việt Nam hiện là một trong 10 đối tác thương mại lớn của Myanmar.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam, năm 2018, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 860 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar hơn 702 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar gần 158 triệu USD. Trong 9 tháng năm 2019, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Myanmar đạt 708 triệu USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Myanmar 533,1 triệu USD, nhập khẩu từ Myanmar 174,9 triệu USD.

Thị trường Myanmar tiềm năng đối với các mặt hàng và dịch vụ từ Việt Nam như: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, sản phẩm và thiết bị điện, xe máy và xe đạp, thực phẩm và nguyên liệu chế biến thực phẩm, hàng điện tử và điện gia dụng, xây dựng, công nghệ thông tin, viễn thông…

Theo số liệu từ Tổng Vụ Đầu tư và Quản lý doanh nghiệp Myanmar, Việt Nam đứng thứ 7 trong số 50 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Myanmar với tổng vốn đăng ký trên 2,16 tỷ USD. Đến nay đã có hơn 200 doanh nghiệp Việt Nam đang kinh doanh và đầu tư tại Myanmar dưới nhiều hình thức.

Bà Võ Thị Ngọc Diệp, Tham tán thương mại Việt Nam tại Myanmar nhận định cho hay kinh doanh tại Myanmar đang có những thuận lợi vì sản xuất của Myanmar còn yếu và thiếu, nhiều lĩnh vực hàng hóa còn nhiều dư địa phát triển; chưa có rào rản kỹ thuật cao đối với hàng hóa nhập khẩu; Myanmar cùng là thành viên của ASEAN, sản phẩm nhập khẩu ưu đãi về thuế trong nội khối và với các đối tác ASEAN.

Tuy nhiên,bà Diệp cho biết, thị trường Myanmar cũng có những khó khăn do Myanmar duy trì chế độ cấp phép xuất nhập khẩu; thông quan hàng hóa còn chậm nên những mặt hàng có thời hạn sử dụng ngắn, gặp rất nhiều bất lợi, giảm sức cạnh tranh; đại đa số người dân Myanmar có mức thu nhập thấp, khó để tiếp cận với các sản phẩm chất lượng vừa và cao; thói quen, hành vi mua sắm của người dân chỉ quan tâm đến giá rẻ.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng ở Myanmar còn kém phát triển, vẫn chưa đảm bảo được nhu cầu điện, nước cho các hoạt động sản xuất, xây dựng và vận hành dự án, làm tăng chi phí đầu tư, kinh doanh tại Myanmar.

Về cách tiếp cận thị trường Myanmar, ông Đặng Hải Nhã, Tổng Giám đốc Chi nhánh BIDV Yangon, Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nghiệp Việt Nam tại Myanmar (VBCM) cho biết nguyên tắc là tìm hiểu kỹ thông tin và lường trước các vấn đề phát sinh; kiên trì, bền bỉ và xác định dài hạn; trực tiếp (gặp mặt trực tiếp, giới thiệu hàng mẫu); hiểu và tôn trọng văn hóa, tập quán của Myanmar; lựa chọn đối tác bản địa phù hợp và có năng lực, thiện chí hợp tác; kiểm soát được điều kiện thanh toán và quản lý tiền hàng.

Theo ông Phạm Thiết Hòa, Giám đốc ITPC cho biết, từ năm 2011 đến nay, ITPC đã hỗ trợ doanh nghiệp từng bước thâm nhập thị trường và phát triển hoạt động đầu tư, kinh doanh tại Myanmar. ITPC đã liên tục cập nhật thông tin về thị trường, kinh tế, thương mại, thủ tục hành chính, thuế... cho doanh nghiệp thông qua việc phát hành Thông tin thị trường và Cẩm nang thương mại tại Myanmar; tổ chức hơn 20 hoạt động xúc tiến thương mại như hội chợ, hội thảo, hội nghị; tổ chức các đoàn khảo sát thị trường tại Yangon, Mandalay, Naypidaw, Bago...

Giám đốc ITPC cho biết các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư vào Myanmar của TPHCM sẽ tiếp tục đi vào chiều sâu, góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển quan hệ kinh tế giữa hai nước. Myanmar vẫn là thị trường đầy tiềm năng, rất hấp dẫn và phù hợp với năng lực sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp TPHCM nói riêng.

Lê Anh

Top