Phản biện đề án thu phí ô tô vào trung tâm TPHCM

12/12/2017 3:20 PM

(Chinhphu.vn) - Ngày 12/12 UBMT TQ Việt Nam T PHCM tổ chức hội nghị phản biện Đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố.

Kẹt xe đang ngày càng trở nên phức tạp tại TPHCM. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Tại hội nghị, đại diện Công ty CP Công nghệ Tiên Phong, đơn vị được UBND THCM giao làm đề xuất dự án từ năm 2010, cho biết đề án có mục mục tiêu quan trọng là giảm ùn tắc giao thông trên trục đường chính, giảm mức độ đáng kể xe ô tô cá nhân, thúc đẩy người dân sử dụng vận tải hành khách công cộng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đồng thời bổ sung nguồn ngân sách cho Quỹ bảo trì đường bộ.

Phản biện về đề án này, Luật sư Trương Thị Hoà, Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, không nên thu phí xe ô tô vào trung tâm thành phố và cho rằng Đề án chưa đề cập đến các giải pháp đồng bộ. Cùng với đó, đề án này chỉ được thực hiện dựa trên Luật phí và Lệ phí chứ không thể bằng các văn bản dưới luật.

Có chung quan điểm, PGS.TS Nguyễn Lê Ninh, Uỷ viên Ban chấp hành Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật TPHCM cho rằng, số liệu trong Đề án chỉ là giả định, suy diễn, các thông số chỉ dựa vào số liệu từ phương tiện truyền thông báo chí mà không có điều tra xã hội học nên tính khả thi không có. Vì thế, đề án này không nên được áp dụng. Nếu muốn giải quyết ùn tắc giao thông thì thành phố phải đầu tư bài bản, có các giải pháp đồng bộ.

Trong khi đó, ông Đồng Văn Khiêm, Thành viên Hội đồng tư vấn phản biện UBMTTQ Việt Nam TPHCM cho rằng, đề án có nhiều ý tưởng tâm huyết tuy nhiên cần cân nhắc sự đồng thuận của người dân và quyết tâm của lãnh đạo thành phố.

Việc giảm bớt phương tiện giao thông vào khu vực trung tâm thành phố cần phải có điều tra, khảo sát, đánh giá cụ thể bằng các con số chứ không thể ước lượng. Ngoài ra, việc thu phí xe ô tô vào khu vực trung tâm sẽ vô tình đẩy giá vận tải lên cao, dẫn đến giá hàng hoá tại các siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn quận 1, quận 3 cao hơn các khu vực khác, gây bất bình đẳng và sự phản ứng của người dân.

Ông Khiêm cho rằng, cần nghiên cứu kỹ đề án đề tránh tình trạng làm giữa chừng rồi bỏ, gây lãng phí và ảnh hưởng đến tâm lý nhân dân.

Còn theo quan điểm của đại diện PC67 – Công an TPHCM, nếu thực hiện đề án thì phí thu được không chỉ nộp ngân sách Nhà nước mà còn góp phần đầu tư, giải quyết ùn tắc giao thông cho thành phố.

Đại diện PC67 còn cho rằng, nên áp dụng xuyên suốt cho tất cả thời gian trong ngày chứ không phân chia khung giờ, đồng thời nghiên cứu xây dựng các bãi đậu xe ngoài khu vực trung tâm để xe từ các quận, huyện của thành phố hoặc các tỉnh đổ về có chỗ đậu.

Đề án thu phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm dự kiến sẽ triển khai hệ thống thu phí trên một vành đai khép kín khu vực trung tâm thành phố và một số trục giao thông chính bên ngoài đang thường xuyên ùn tắc bao gồm hệ thống 36 cổng thu phí đa làn không dừng và một trung tâm điều hành.

Tổng mức đầu tư 1.556 tỷ đồng, với lộ trình năm 2018 hoàn tất nghiên cứu khả thi, vận hành thử trong năm 2019 và chính thức vận hành trong quý 1/2020 cùng với thời điểm đưa vào hoạt động tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên.

Nếu được HĐND TPHCM thông qua, dự án sẽ thực hiện từ năm 2020 – 2035 và sử dụng công nghệ nhận diện vô tuyến kết hợp tự động nhận dạng biển số đảm bảo khả năng thu phí đa làn không dừng với công suất 1.800 ô tô/giờ/làn.

Về phương án tài chính, chủ đầu tư (UBND TPHCM) huy động vốn để triển khai dự án, nguồn tiền thu phí được trích lại để thanh toán tiền thuê hệ thống.

Có 2 phương án thu phí gồm phương án áp dụng hình thức phí sử dụng đường bộ trên địa bàn TPHCM cho tất cả các xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố (địa bàn quận 1, quận 3) trong khoảng thời gian từ 6h – 19h (phương án 1) và phương án áp dụng hình thức phí mới là phí xe ô tô lưu thông vào trung tâm thành phố cho các phương tiện đi vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm 6h – 9h sáng và 16h – 19h chiều (phương án 2).

Mức phí phướng án 1 là 40.000 đồng áp dụng cho ô tô con, taxi, xe vận chuyển khách theo hợp đồng dưới 9 chỗ; 50.000 đồng đối với xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định và xe vận chuyển khách du lịch trong toàn bộ thời gian thu phí.

Ở phương án 2 sẽ thu 40.000 đồng đối với ô tô con, taxi; 50.000 đồng đối với xe tải, xe khách, xe hợp đồng trên 9 chỗ cố định và xe vận chuyển khách du lịch trong toàn bộ thời gian thu phí. Dự kiến mỗi năm sẽ thu được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Nam Đàn

Top