Phát hiện sơ hở, bất cập để hoàn thiện luật chống tham nhũng

24/12/2015 4:45 PM

(Chinhphu.vn) - Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng do UBND TPHCM tổ chức sáng 24/12.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban chỉ đạo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng của Chính phủ nhấn mạnh, những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng của TPHCM đã góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo khí thế mới, qua đó, đóng góp với Trung ương những vấn đề cần quan tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng hiện nay với nhiều ý kiến thiết thực từ cấp cơ sở.

Phó Thủ tướng khẳng định: Thời gian qua, TPHCM đã có nhiều giải pháp, cơ chế chính sách, nguồn lực để phát triển, góp phần quan trọng cùng cả nước hoàn thành kế hoạch 5 năm, trong đó có nhiều quyết tâm trong công tác phòng chống tham nhũng.

Thành phố đã tạo sự nhất quán trong toàn Đảng bộ đối với công tác này, coi đây là nhiệm vụ lâu dài trong phát triển KT-XH, như đưa ra nhiều biện pháp đồng bộ từ tuyên truyền sâu rộng, củng cố cơ quan chuyên trách chống tham nhũng đến xét xử nghiêm minh nhiều vụ án lớn, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân.

Hội đồng nhân dân TPHCM cũng đã thực hiện các cuộc chất vấn chuyên đề về nội dung này, thêm vào đó, UBND Thành phố xây dựng kế hoạch triển khai quyết liệt xuống các cấp cơ sở. Nhờ đó, công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến quan trọng, đạt kết quả đáng khích lệ như kiểm soát tài sản công và ngân sách Nhà nước có tiến bộ, nhiều mô hình được các địa phương học tập...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Thủ tướng lưu ý lãnh đạo TPHCM cần thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, yếm kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.

Đó là công tác này vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra là ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng. Tham nhũng vẫn còn là vấn đề nổi cộm với nhiều biểu hiện tinh vi, phức tạp trong nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác nhau. Còn thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thanh tra, kiểm tra và thực thi pháp luật phòng chống và phát hiện tham nhũng.

Cũng như các địa phương, khả năng tự phát hiện tham nhũng của Thành phố còn yếu và cần được khắc phục. Việc dựa vào nhân dân trong chống tham nhũng còn yếu; một bộ phận cán bộ, công chức còn nhũng nhiễu, tiêu cực; một số đơn vị vẫn lỏng lẻo trong công tác quản lý hành chính và cán bộ...

Toàn cảnh Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng lưu ý các cấp lãnh đạo cần năng động, sáng tạo, quyết tâm hơn nữa với những giải pháp quan trọng để thực hiện các mục tiêu của Thành phố trong thời gian tới, trong đó có nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng với việc chỉ đạo quyết liệt và hiệu quả hơn công tác này, phục vụ đắc lực cho sự phát triển KT-XH.

Phó Thủ tướng đề nghị Thành phố tiếp tục phát huy ưu điểm, khắc phục những yếu kém đã được nhận diện để có giải pháp căn cơ, hiệu quả trong công tác này.

Ngoài ra, các tỉnh, thành phố khác cần nghiên cứu kinh nghiệm của TPHCM để tổng kết tại địa phương mình trong quá trình thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân, kết quả cụ thể.

Phó Thủ tướng khẳng định kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng của TPHCM và các địa phương góp phần quan trọng để Chính phủ kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM, thực hiện chủ trương chỉ đạo của Trung ương, TPHCM xác định chống tham nhũng là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài, có ý nghĩa quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhiều năm qua, cùng với sự nỗ lực và quyết tâm của Đảng bộ và cả hệ thống chính trị cùng các tầng lớp nhân dân Thành phố, công tác phòng chống tham nhũng đã có những biến chuyển tích cực về nhận thức, hành động và đạt được những thành quả bước đầu.

Tuy nhiên, tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, được che chắn và tiềm ẩn việc chuyển tiền ra nước ngoài. Trong các vụ việc phát hiện tham nhũng có biểu hiện của lợi ích nhóm rất tinh vi, thậm chí cấu kết thành một nhóm người tham gia xây dựng chính sách để làm lợi cho một số người có chức có quyền. Công tác thông tin về phòng chống tham nhũng thời gian qua chưa đầy đủ, toàn diện nên xã hội chưa thấy được hết ý nghĩa, kết quả tích cực của phòng chống tham nhũng.

Ông Nguyễn Thành Phong cho biết Đảng bộ TPHCM đã ban hành các quyết sách phòng chống tham nhũng, quyết tâm kiện toàn tổ chức có chức năng chống tham nhũng. TPHCM đã thành lập Ban chỉ đạo về công tác phòng chống tham nhũng, thường xuyên quan tâm, kiện toàn, tổ chức, chỉ đạo ban hành quy chế phối hợp của các cơ quan liên quan có chức năng phòng chống tham nhũng.

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo phòng chống tham nhũng, Đảng bộ và UBND Thành phố quyết tâm nhận dạng các biểu hiện, phân tích đánh giá, phân tích tình hình quy mô, phạm vi tính chất của tham nhũng để kiên quyết đấu tranh.

Khẳng định những kết quả, thành tích đạt được, lãnh đạo TPHCM cũng chỉ ra những hạn chế yếu kém, từ đó tìm ra nguyên nhân, đề ra những chủ trương, giải pháp quyết liệt có tính đột phá, tiếp tục thực hiện đồng bộ các mục tiêu, quan điểm, nhiệm vụ trong công tác này. 

Từ năm 2006-2015, Công an TPHCM đã thụ lý điều tra 152 vụ án tham nhũng, án chức vụ với 463 bị can. Tổng giá trị tài sản thiệt hại, phạm tội là trên 600 tỉ đồng và 136.000 USD, thu hồi cho Nhà nước số tiền trên 40 tỉ đồng.

Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố (2 cấp) đã kiểm sát, điều tra án tham nhũng, thụ lý 151 vụ, bắt 396 bị can.

Tòa án nhân dân Thành phố thụ lý 199 vụ với 636 bị cáo. Trong các loại tội phạm về tham nhũng trong 10 năm qua thì số vụ và số bị cáo bị truy tố về “Tham ô tài sản” chiếm tỉ lệ cao nhất (118/199 vụ, chiếm 59,30%).

Lê Sơn

Top