Phòng cháy chữa cháy trong lĩnh vực hàn cắt kim loại trên địa bàn TP HCM năm 2014

02/04/2014 11:05 AM

(HCM Cityweb) – Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (CS PCCC) TP HCM vừa tổ chức hội thảo về Công tác phòng cháy chữa cháy trong lĩnh vực hàn cắt kim loại năm 2014 nhằm hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia an toàn vệ sinh lao động- phòng chống cháy nổ lần thứ 16-2014 và cũng xuất phát từ thực tế tại TP HCM đã xảy ra một số vụ cháy do hàn cắt kim loại gây thiệt hại lớn về người và tài sản.

 

Theo báo cáo của Sở PCCC TP HCM, từ tháng 10-2006 đến 9-3-2014, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 44 vụ cháy và 5 vụ nổ có nguyên nhân từ hàn cắt kim loại. Tỉ lệ vụ cháy bắt nguồn từ nguyên nhân trên chỉ chiếm từ 2 đến 3% tổng số vụ cháy nổ nhưng hậu quả của nó để lại lại hết sức nghiêm trọng. Thiệt hại về người và tài sản trong các vụ cháy nổ do hàn cắt kim loại là cực kỳ lớn. Ví như: vụ cháy kinh hoàng tại Trung tâm thương mại Quốc tế (ITC) vào tháng 10-2002. Có thể nói đây là vụ cháy thương tâm nhất với tổng số 60 người thiệt mạng, 91 người bị thương và thiệt hại tài sản hơn 32 tỷ đồng.

Nhiều đại biểu tham dự hội nghị cho rằng, tai nạn hầu như xuất phát từ công việc hàn cắt kim loại làm phát sinh ra nhiệt lớn, có nhiều tàn lửa, việc oxi kỹ thuật bị rò rỉ tiếp xúc với dầu mỡ, bụi than.. dễ là nguồn gây cháy nếu môi trường làm việc có chất dễ cháy hoặc khí cháy nổ khác. Bên cạnh đó, các thiết bị dùng trong công nghệ hàn hơi phần lớn đều chịu áp lực, do vậy có nguy cơ nổ do bình, chai chứa không chịu được áp lực chất khí bên trong.

Theo Sở Lao động thương binh và xã hội, Khi cán bộ Sở trực tiếp đến điều tra, ghi nhận tại hiện trường các vụ cháy, nổ bắt nguồn từ việc hàn, cắt kim loại. Nguyên nhân gây ra các vụ nổ đáng tiếc, đau lòng này là do thợ hàn chưa được đào tạo qua trường lớp về nghề hàn, hầu hết chỉ là học nghề lẫn nhau cũng như chưa được huấn luyện về công tác phòng cháy chữa cháy. Bên cạnh đó còn là nguyên nhân chủ cơ sở lơ là trong việc nhắc nhở an toàn vệ sinh lao động, phòng cháy chữa cháy cho người lao động, công tác huấn luyện của cơ sở sản xuất, cơ quan chức năng chỉ mang tính đối phó, chưa đạt yêu cầu kiến thức về phòng chống cháy nổ trong lao động, kinh doanh, sản xuất.
Bên cạnh đó, thống kê từ cơ quan chức năng cho thấy, thợ hàn không được huấn luyện về kiến thức phòng cháy chữa cháy trong hàn cắt kim loại, không biết rằng với khoảng cách từ 6-7 m và với nhiệt độ đạt trên 1000 độ C có thể gây cháy khi tiếp xúc với các vật liệu cháy. Khi xảy ra cháy, do không có hiểu biết về chữa cháy nên đã lúng túng tìm cách dập lửa nhưng không được, rốt cuộc là hoảng loạn bỏ chạy hoặc xui xẻo hơn là thiệt mạng trong đám cháy.

Theo Sở Cảnh sát PC&CC TP HCM nhận định, qua quá trình theo dõi các vụ cháy thì những vụ cháy do hàn cắt kim loại xảy ra nhiều ở những nơi tập trung đông người như vũ trường, quán bar, nhà hàng (nơi có thiết kế vật liệu cách âm), công trình xây dựng, các bể chứa xăng dầu. Đặc biệt, nhiều cơ sở xen kẽ trong khu đông dân cư nằm trong các con hẻm sâu nên khi xảy ra cháy rất khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc chữa cháy, gây nên những thiệt hại đáng tiếc về người và tài sản.

Sở CS PCCC cũng đưa ra các giải pháp để hạn chế tình trạng trên như: yêu cầu người đứng đầu cơ sở, chủ đầu tư, chủ thầu xây dụng phải có ý thức đảm bảo an toàn PCCC, ban hành nội quy, quy đinh an toàn PCCC, xây dựng phương án chữa cháy theo hướng dẫn của cơ quan Cảnh sát PC&CC; lực lượng lao động thợ hàn phải chuyên nghiệp, được đào tạo bài bản, có chứng chỉ hành nghề, được huấn luyện và cấp giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ PCCC. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả lâu dài cần có sự tham gia đồng bộ của các cơ quan ban nghành như: Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Sở Xây dựng, Sở Công thương, Uỷ ban nhân dân các quận – huyện…

Phát biểu tại hội thảo, Đại tá Trần Thanh Châu Phó Giám đốc Sở CS PCCC TP HCM đề nghị các Sở ngành phối hợp với Sở Cảnh sát PC&CC TP , Tổng công ty điện lực TP HCM soạn thảo cẩm nang quy chuẩn pháp luật về hàn cắt kim loại, soạn thảo tài liệu những biện pháp ngăn chặn cháy, nổ và tai nạn lao động ở các công trường đang xây dựng, các nhà cao tầng, cơ sở cải tạo sửa chữa. Kiểm tra các nhà quản lý, các nhà đầu tư đã chấp hành đủ và nghiêm túc các quy định, văn bản quy chuẩn về công tác hàn cắt kim loại hay chưa. Kiểm tra các trường đào tạo, trường dạy nghề đã đưa nội dung an toàn phòng cháy chữa cháy vào chương trình học hay chưa; tăng cường kiểm tra công tác quản lý và sử dụng người lao động tại các cơ sở; xử phạt hành chính các hành vi vi phạm an toàn lao động trong phòng chống cháy nổ.

NS.

Top