Quản trị chuỗi cung ứng Việt Nam: Nhìn lại 2014 và hướng đến 2015

19/12/2014 5:00 PM

Năm 2014 là một năm đầy thách thức với các doanh nghiệp tại Việt Nam trong quản lý và vận hành chuỗi cung ứng cũng như công tác hậu cần. Thông qua làm việc với nhiều doanh nghiệp trong các ngành sản xuất, bán lẻ và phân phối trong năm vừa qua, công ty tư vấn CEL Consulting nhận định rằng còn nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quản lý hàng tồn kho hiệu quả, dẫn đến tăng chi phí, kẹt vốn và mất doanh số.

 

Theo ông Julien Brun, Tổng Giám đốc CEL Consulting, một trong những căn nguyên của những bất cập trong quản lý hàng tồn kho nằm ở việc thiếu ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý. Hiện nay còn nhiều doanh nghiệp chưa ứng dụng những hệ thống ERP hoặc Business Intelligence (BI) trong quản lý chuỗi cung ứng và hậu cần, cũng như các công nghệ hỗ trợ lập kế hoạch và dự báo nhu cầu (planning tools). Đối với các doanh nghiệp đã triển khai ERP, BI và planning tools, vẫn còn tồn đọng những bất cập trong ứng dụng.
 
Ngoài những thách thức trong quản lý, các doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo nâng cao tay nghề của đội ngũ nhân sự. Theo thống kê kết quả của công tác huấn luyện "Basics of Supply Chain Management" do công ty CEL Consulting thực hiện với doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài, hơn 80% nhân sự chuỗi cung ứng/hậu cần tham gia tập huấn chỉ đạt 30% điểm số tiêu chuẩn về kiến thức Supply Chain/Logistics.
 
Nhìn chung, đứng trước tình hình kinh tế khó khăn, hầu hết các doanh nghiệp trong năm tới sẽ tiếp tục chịu áp lực biên lợi nhuận đến từ việc tăng chi phí vận tải, hậu cần, chi phí mua hàng biến động, tăng chi phí quản lý doanh nghiệp do quản lý thiếu hiệu quả, ông Julien Brun nhận xét.
 
 
Trọng tâm chiến lược chuỗi cung ứng năm 2015
 
Ông cho rằng để giải quyết được thách thức lớn nhất hiện nay là vấn đề quản lý hàng tồn kho, các doanh nghiệp cần chú trọng công tác lập kế hoạch và dự báo. Theo thống kê của CEL Consulting, đa phần các doanh nghiệp gặp khó khăn trong quản lý hàng tồn kho đều bắt nguồn từ công tác dự báo nhu cầu thiếu chính xác dẫn đến lập kế hoạch mua hàng, kế hoạch sản xuất sai lệch với thực tế nhu cầu. Hiện nhiều doanh nghiệp vẫn chưa có phương án quản lý hiệu quả công tác lập kế hoạch và dự báo, gây ra sự phối hợp không thông suốt giữa các phòng ban trong quản lý cung cầu, dẫn đến dư thừa hoặc thiếu hụt hàng tồn kho, gây kẹt vốn hoặc mất doanh thu.
 
Đi đôi với công tác lập kế hoạch và dự báo là công tác chuẩn hóa chiến lược, chiến thuật quản lý, và vận hành. Các doanh nghiệp cần tập trung xem xét lại chiến lược, và chuẩn hóa các chính sách, quy trình, hệ thống quản lý (ERP, BI) cũng như quy tắc phối hợp giữa các phòng ban nhằm đạt được sự thông suốt trong phối hợp và ứng phó kịp thời với những biến động trong thị trường hoặc những thay đổi từ phía khách hàng.
 
Theo khảo sát những doanh nghiệp vận tải và phân tích chuyển động giá nguyên vật liệu của nhiều ngành nghề, trong năm 2015, chi phí vận tải hậu cần và chi phí mua hàng có thể tăng và biến động cao. Do đó, để giảm chi phí mua hàng và chi phí hậu cần trong trung và dài hạn, các doanh nghiệp cần phối hợp chặt chẽ với nhà cung trong quản lý chất lượng, đầu tư, và xây dựng chuỗi cung ứng tinh gọn (lean) thông qua các hợp đồng dài hạn, hỗ trợ phát triển nhân sự và quản lý.
 
Về góc nhìn nhân sự, hầu hết các doanh nghiệp tại Việt Nam đều có thể nhận được nhiều lợi ích thông qua đầu tư đào tạo, nâng cao tay nghề chuyên môn của nhân sự các bộ phận mua hàng, hậu cần, xuất nhập khẩu, sản xuất và chuỗi cung ứng.
 
Những xu hướng công nghệ trong quản lý 2015
 
Chuỗi cung ứng là một ngành phức tạp, đòi hỏi quản lý và phân tích một khối lượng dữ liệu lớn từ nhiều nguồn, thuộc nhiều phòng ban và các đơn vị kinh doanh khác nhau. Để giúp Ban Giám đốc nắm bắt thông tin trên thời gian thực (real-time), phân tích dễ dàng và ra quyết định đúng đắn, kịp thời, các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý.
 
Thực trạng hiện nay là nhiều doanh nghiệp, ngay cả những doanh nghiệp lớn vẫn đang sử dụng những công cụ quản lý thiếu tính chuyên dụng như Excel hoặc báo cáo giấy. Những công cụ này không có khả năng lưu trữ khối lượng thông tin lớn cũng như hỗ trợ tương tác và phân tích sâu. Qua khảo sát với hơn 200 doanh nghiệp thuộc nhiều ngành nghề tại Việt Nam, công ty CEL Consulting nhận thấy Ban Giám đốc thường phải dành ra trung bình 1 ngày/tuần (tương ứng với 20% thời gian làm việc) cho việc thu thập và tổng hợp thông tin cho các báo cáo.
 
Đứng trước thực trạng này, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu thay thế Excel bằng các phần mềm lập kế hoạch/dự báo, ERP và Business Intelligence làm công cụ lưu trữ và phân tích thông tin chính. Ngoài ra, nhiều doanh nghiêp cũng đã bắt đầu làm quen với việc sử dụng các phần mềm mô phỏng chuỗi cung ứng, cho phép thiết lập và chạy những trường hợp giả định để kiểm định và chọn lọc chiến lược, chiến thuật phù hợp cho ngắn - trung - dài hạn.
 
Đối với công tác quản lý kho bãi, và hàng tồn kho, các doanh nghiệp đã bắt đầu sử dụng công nghệ mã vạch Barcode, phần mềm quản lý kho/ vận tải, và những phần mềm quản lý chuyên dụng tích hợp (plug-in) vào module ERP cơ bản.
 
Nhìn chung, hiện các doanh nghiệp tại Việt Nam đang dần nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi cung ứng trong quản lý chi phí, quản lý tiền mặt và chất lượng dịch vụ. Đứng trước tình hình kinh tế khó khăn, các doanh nghiệp Việt Nam có thể coi đó là một cơ hội cho phép thực hiện một bước chuyển mình thông qua đầu tư và hiện đại hóa chuỗi cung ứng. Nếu như giai đoạn 2008-2012 là giai đoạn mở rộng kinh doanh và kêu gọi đầu tư, thì giai đoạn 2014-2015 sẽ là giai đoạn tinh gọn hóa và tối ưu hóa hoạt động kinh doanh, ông Julien Brun nhận xét.
 
 
MT
 
Top