Quyết liệt di dời 6 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường

11/08/2015 3:05 PM

(Chinhphu.vn) - Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang vừa giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận 8, 9, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của 6 doanh nghiệp.

Một cơ sở sản xuất trên đường Nguyễn Văn Quỳ, phường Tân Thuận Tây, quận 7, TPHCM xả mùi khó chịu. Ảnh: VGP/Bình Tân

Liên quan đến việc di dời 6 doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường còn lại trong Chương trình di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch, có nguy cơ cháy nổ xen cài trong khu dân cư, ông Tất Thành Cang, Phó Chủ tịch UBND TPHCM vừa giao Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận 8, 9, Tân Phú, Thủ Đức, Bình Thạnh tổ chức kiểm tra đột xuất việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của Công ty TNHH nước mắm Việt Hương Hải, Công ty TNHH MTV Dệt Sài Gòn, Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Thương mại Petrolimex, Công ty TNHH MTV đóng tàu Bình Triệu, Công ty CP Dệt may Gia Định Phong Phú, Công ty TNHH Sản xuất Giấy bao bì Thăng Long để xử lý theo quy định.

UBND TPHCM cũng thống nhất chủ trương di dời Công ty TNHH nước mắm Việt Hương Hải về khu công nghiệp của thành phố do Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp quản lý (với điều kiện Công ty này chuyển sang hoạt động sang chiết, đóng chai); di dời Công ty TNHH MTV Dệt Sài Gòn và Công ty CP Dệt may Gia Định Phong Phú về khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3.

Lãnh đạo TPHCM yêu cầu Tổng Giám đốc Công ty Dệt may Gia Định, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài gòn - TNHH MTV có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, nhắc nhở Công ty TNHH MTV Dệt Sài Gòn, Công ty CP Dệt may Gia Định Phong Phú, Công ty TNHH nước mắm Việt Hương Hải triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường và kế hoạch di dời đúng thời gian quy định (trong năm 2015); đồng thời yêu cầu 6 cơ sở nói trên phải triển khai thực hiện ngay các biện pháp khắc phục ô nhiễm môi trường (nếu có).

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM từ năm 2002, TPHCM đã đề ra chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp quy hoạch và có nguy cơ cháy nổ xen cài trong khu dân cư. Kết thúc chương trình di dời giai đoạn 2003 - 2007, cả thành phố có gần 1.400 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm đã di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc ngưng hoạt động. Tuy nhiên vẫn còn 6 doanh nghiệp nói trên chưa chấp hành.

Cũng theo Sở này, ngoài chương trình di dời đối với cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được thành phố phê duyệt và thực hiện, đến nay trên địa bàn tiếp tục phát sinh thêm 698 cơ sở gây ô nhiễm môi trường, trong đó ngành dệt nhuộm, may mặc (125 cơ sở), sản xuất sản phẩm từ kim loại (102 cơ sở), sản xuất, chế biến hóa chất (78 cơ sở), chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp có (65 cơ sở), sản xuất thực phẩm, đồ uống (50 cơ sở), sản xuất giấy, bột giấy (32 cơ sở)…

Các địa bàn có phát sinh cơ sở gây ô nhiễm nhiều nhất gồm huyện Củ Chi (187 cơ sở), quận 9 (87 cơ sở), huyện Bình Chánh (71 cơ sở), quận 12 (60 cơ sở)…

Nam Đàn

Top