Rất cần SMEs và Startups tham gia đề án đô thị thông minh

19/04/2018 5:08 PM

(Chinhphu.vn) - UBND TPHCM sẽ có chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện để các SMEs và startups tham gia vào đề án Đô thị Thông minh - Phó Chủ tịch UBND TPHCM khẳng định tại buổi gặp gỡ với cộng đồng công nghệ thông tin - viễn thông TPHCM năm 2018. Doanh nghiệp CNTT: Còn nhiều thách thức cho Smart City

Theo Phó Chủ tịch Hội tin học TPHCM Phí Anh Tuấn, chính quyền TPHCM cần có chính sách, cơ chế cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia vào các đơn hàng của thành phố khi xây dựng đô thị thông minh.

Một khối lượng công việc đồ sộ cho một dự án không có điểm kết thúc là khẳng định chung của các nhà lãnh đạo TPHCM khi kêu gọi mọi nguồn lực xã hội tham gia vào đề án Đô thị Thông minh. Thế nhưng, cuộc “bắt tay” giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), các DN khởi nghiệp (startups) với những “chủ đầu tư” sử dụng vốn nhà nước xem ra không hề dễ dàng.

Đại diện Công ty Công nghệ Senvi - startup mới tròn một năm tuổi trong lĩnh vực vi mạch, chuyên sản xuất các thiết bị và giải pháp dùng cho lưới điện thông minh - trần tình rằng khó khăn lớn nhất của “lính mới” nằm hết ở khâu sản xuất kinh doanh và thương mại hóa sản phẩm.

Theo đó, Senvi cho rằng doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn vay vì còn “mới toe”, trong khi người cho vay vẫn thích tài sản thế chấp. Tương tự, ở các gói thầu lớn, chủ đầu tư luôn đòi hỏi doanh nghiệp tham gia bỏ thầu phải có kinh nghiệm, năng lực và tài chính, “Doanh nghiệp mới thành lập sao đáp ứng được những điều kiện như: phải có báo cáo tài chính 3 năm gần nhất, phải từng làm các hợp đồng tương tự với giá trị lớn, phải có doanh thu nhất định trong 3 năm …”.

Một startup “con cưng” hình thành từ Chương trình Phát triển Công nghiệp Vi mạch TPHCM, được nhận chuyển giao công nghệ từ các đề tài nghiên cứu khoa học và các sản phẩm sản xuất thử nghiệm của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế vi mạch (Đại học Quốc gia TPHCM) mà còn khó khăn như vậy, thì những startups “vô danh” khác sẽ ra sao?

Trong khi đó, ông Phí Anh Tuấn, Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM khẳng định để có một ngành công nghiệp phần mềm hoàn chỉnh thì chỉ vài tập đoàn lớn hay vài tổng công ty - dẫu có hỗ trợ từ các tên tuổi lớn như IBM hay Oracle - cũng khó mà làm được.

Kinh nghiệm cho thấy các nước khác đều phải có một hệ sinh thái với các SMEs, các startups tạo thành hệ thống “vệ tinh” đi cùng. “Chính phủ là khách hàng lớn của ngành CNTT, cần cơ chế cho phép mọi doanh nghiệp tham gia vào ‘cuộc chơi’ của các đơn hàng Chính phủ, phải có chỉ tiêu định lượng cụ thể, bao nhiêu phần trăm là các doanh nghiệp SMES, bao nhiêu là startups trong một dự án”, ông Tuấn kiến nghị.

Vậy quản lý nhà nước đóng vai trò ra sao ở nút thắt này? Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến cũng thừa nhận thị trường công đúng là rất lớn nhưng thực ra các “chủ đầu tư” sử dụng vốn ngân sách chưa ủng hộ nhóm doanh nghiệp trên, thậm chí còn gây thêm khó khăn, đặc biệt là tại những công ty độc quyền, “cái này Ủy ban sẽ chỉ đạo quyết liệt để tạo điều kiện cho SMEs và startups tham gia”, ông Tuyến cam kết.

Tất nhiên “chủ đầu tư” cũng có lý bởi luôn muốn sản phẩm có chất lượng tốt và độ tin cậy cao, trong khi startups chưa thể chứng minh được các yếu tố này.

Vì vậy để những doanh nghiệp trên cùng tham gia vào các đề án xây dựng đô thị thông minh thì “phải có chuẩn tối thiểu cho giải pháp với các doanh nghiệp tham gia đấu thầu, phải có cả cam kết dịch vụ sau bán hàng, phải bảo hành cho tốt!”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm, đồng thời khuyến nghị “chủ đầu tư” rằng “với các doanh nghiệp này, ban đầu hãy hợp tác ở quy mô nhỏ, mua ít thôi, khi sản phẩm dần được nâng cấp, có độ tin cậy cao thì hãy ký hợp đồng lớn dần lên”.

Theo đề án “Xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020”, có 4 “tiểu đề án” là trụ cột chính định hướng cho tất cả các hạ tầng và ứng dụng gồm: Trung tâm dữ liệu dùng chung và Hệ sinh thái dữ liệu mở, Trung tâm điều hành đô thị thông minh, Trung tâm mô phỏng quy hoạch chiến lược và Trung tâm an toàn thông tin.

Phương Hiền

Top