Sản xuất công nghiệp TPHCM 7 tháng đầu năm tăng 6,2%

06/08/2014 3:00 PM

Theo báo cáo của UBND TPHCM, chỉ số phát triển công nghiệp của TPHCM 7 tháng đầu năm 2014 ước tăng 6,2% so với cùng kỳ.

 

Quy mô sản xuất công nghiệp tiếp tục được mở rộng; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp tiếp tục có bước chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của các ngành chế biến, chế tạo, giảm dần tỷ trọng của ngành khai khoáng. Bốn ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa và chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước tăng 7,2% so với cùng kỳ, cao hơn mức tăng chung của toàn ngành.
Sản lượng điện tiêu thụ 7 tháng đầu năm ước đạt 11.155,4 triệu kWh, tăng 3,32% so với cùng kỳ; sản lượng điện thương phẩm cung cấp cho TPHCM ước đạt 10.581,3 triệu kWh, đạt 55,69% kế hoạch, tăng 3,67% so với cùng kỳ. Tỷ lệ tổn thất điện năng ước đạt 5,2%, thấp hơn 0,14% so với cùng kỳ, thấp hơn kế hoạch 0,1%.
Sản lượng điện tiết kiệm 7 tháng đầu năm ước đạt 265,71 triệu kWh, chiếm 2,5% điện thương phẩm, đạt 69,9% kế hoạch.
Cũng trong tháng 7, TPHCM đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Thường trực UBND TP đã đi cơ sở và làm việc với Hội Truyền thông – Điện tử TP, Hội Tin học Thành phố, Công ty cổ phần FPT, các doanh nghiệp điện tử ; Tập đoàn Dệt may Việt Nam, Công ty TNHH một thành viên Dệt may Gia Định…
Thành phố đã chỉ đạo Sở Công Thương làm việc với các đơn vị liên quan thành lập cụm công nghiệp hỗ trợ sản phẩm ngành dệt may thành phố tại địa điểm Công ty cổ phần Sản xuất Thương mại Dịch vụ Xuất nhập khẩu Indira Gandhi ; tăng cường làm việc với các hội ngành nghề thành phố thuộc Sở Công Thương quản lý để triển khai về công nghiệp hỗ trợ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, đồng thời tổng hợp các ý kiến đóng góp của các hội ngành nghề góp phần hoàn chỉnh chương trình công nghiệp hỗ trợ của thành phố.
Thành phố đã giao Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương phối hợp với các sở – ban – ngành, hiệp hội, ngành nghề xây dựng báo cáo hoạt động của ngành công nghiệp điện tử, cao su – nhựa, dệt may, da giày… làm rõ những bất cập và đề xuất những giải pháp, kiến nghị nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực này phát triển bền vững.
Đối với chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cấp quận – huyện, 7 tháng đầu năm Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM đã tổ chức được 22 đợt kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 24 quận – huyện, tổng số tiền ký kết là 15.647,13 tỷ đồng cho 696 khách hàng.
Với chương trình kết nối ngân hàng – doanh nghiệp bình ổn, có 68 doanh nghiệp bình ổn tham gia chương trình, các ngân hàng cam kết hỗ trợ nguồn vốn 8.300 tỷ đồng, trong đó 2.150 tỷ đồng cho trung dài hạn và 6.150 tỷ đồng cho ngắn hạn.
 
MT
 
Top