Sau “lệnh cấm”, gầm cầu tại TPHCM vẫn bị “xẻ thịt”

20/04/2018 1:24 PM

(Chinhphu.vn) - Thông tư 35 của Bộ Giao thông vận tải đã chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/12/2017, trong đó có việc cấm không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Nhưng tại TPHCM, phóng viên ghi nhận tại một số nơi dưới gầm cầu các bãi xe vẫn tồn tại như chưa hề có lệnh cấm.

Gầm cầu Kênh Tẻ hiện đang được sử dụng làm quán nước. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Tính tới tháng 4/2018 Thông tư 35/2017/TT-BGTVT đã có hiệu lực thi hành hơn 4 tháng, nhưng phóng viên ghi nhận tại TPHCM, các gầm cầu Calmet, gầm cầu Ông Lãnh (phía quận 1) gầm cầu Chữ Y (phía quận 5)… hiện đang tồn tại các bãi trông giữ xe quy mô với hàng trăm ô tô, xe máy được gửi tại đây mỗi ngày.

Các bãi trông giữ xe dưới gầm cầu này khá rộng, có hàng rào được xây tường gạch kết hợp với sắt, chăng dây thép gai, có bãi xe còn làm hệ thống balie vé điện tử và hệ thống camera để kiểm soát.

Tại các khu vực bãi trông giữ xe, phóng viên quan sát nhận thấy hệ thống phòng cháy chữa cháy rất sơ sài, chỉ có vài ba bình cứu hỏa mini được treo, đồ đạc vật dụng sinh hoạt của nhân viên như: tivi, tủ, giường…bày bừa, các loại săm lốp thì treo bừa bãi, các đồ sửa chữa xe cũng được đặt trong khuôn viên bãi trông giữ xe…trông rất nhếch nhác và mất mỹ quan.

Hệ thống dây điện tại các bãi trông xe thì được bắt chẳng chịt dưới gầm cầu, các đồng hồ điện thì được treo luôn vào trụ cầu. Phóng viên còn ghi nhận tình trạng nhiều chủ phương tiện bất chấp nguy hiểm, chạy ngược chiều để vào gửi xe tại đây.

Thông tư 35/2017/TT-BGTVT được ban hành ngày 9/10/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 50/2015/TT-BGTVT ngày 23/9/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2017. Theo đó, tại điểm 3, sửa đổi bổ sung khoản 6 Điều 10 quy định:  

Không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Đối với các vị trí gầm cầu đường bộ đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời trước thời điểm có hiệu lực của Thông tư này, khi hết thời hạn sử dụng tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng có trách nhiệm hoàn trả hiện trạng ban đầu và bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ. Cơ quan quản lý đường bộ có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, tiếp nhận mặt bằng do tổ chức, cá nhân bàn giao.

Trường hợp hết thời hạn sử dụng làm bãi đỗ xe tạm thời, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng tạm thời không thực hiện hoàn trả, cơ quan quản lý đường bộ xử lý theo thẩm quyền và thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp để tổ chức cưỡng chế giải tỏa theo quy định.

Thực tế cho thấy, tình trạng tận dụng khoảng trống dưới các gầm cầu làm bãi giữ xe, buôn bán đã diễn ra trong một thời gian dài, và không chỉ gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông mà còn có nguy cơ cháy nổ rất cao.

Mặc dù Thông tư 35/2017/TT-BGTVT đã có hiệu lực nhưng không hiểu tại sao các bãi trông giữ xe này vẫn đang còn hoạt động? Hoạt động của các bãi trông giữ xe này có được cấp phép? Thời hạn đến bao lâu? Việc tồn tại các bãi giữ xe nói trên tiềm ẩn những nguy cơ gì? Ai là người chịu trách nhiệm quản lý và nếu xảy ra sự cố?

Hình ảnh một số gầm cầu tại một số quận trung tâm TPHCM:

Bãi xe dưới gầm cầu Calmet. Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Theo Thông tư số 35 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), từ ngày 1/12, các tổ chức, cá nhân không được chiếm dụng gầm cầu làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ kinh doanh khác. Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Các bãi trông giữ xe dù được cấp phép hay trái phép không chỉ gây mất trật tự an ninh, an toàn giao thông mà còn có nguy cơ cháy nổ cao nên nhất thiết phải thu hồi, dẹp bỏ. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Anh Tuấn

Top