Sẽ có cơ sở dữ liệu doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ

12/08/2020 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM đang xây dựng cơ sở dữ liệu doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ, hình thành mạng lưới các nhà cung ứng có năng lực cạnh tranh.

Đây là một trong những chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ mà Thành phố đang thúc đẩy nhằm kết nối DN nhỏ và vừa trên địa bàn với chuỗi cung ứng khu vực châu Á và kết nối với nhà đầu tư FDI trước khi thực sự tận dụng được những cơ hội từ Hiệp định Thương mại tư do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu mang lại.

Tự tin tham gia sân chơi lớn

Trung tuần tháng 9 tới đây, Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ TPHCM tổ chức hội nghị thường niên tìm kiếm nhà cung ứng công nghiệp hỗ trợ năm 2020. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Giám đốc Trung tâm cho biết, qua hai năm tổ chức, số doanh nghiệp cung ứng vượt qua tuyển chọn, đánh giá hồ sơ của các nhà đầu tư FDI tăng rất nhanh, từ 80 lên trên 100 DN.

Theo bà Duy Oanh, các doanh nghiệp CNHT đang có sự tiến bộ vượt bậc về năng lực cạnh tranh. Bà Oanh dẫn ra ví dụ của Vinavit, Tiến Thịnh sau hai năm đầu tư cải tiến đã tham gia vào chuỗi cung ứng của Samsung; Nam Sơn laser từ một đơn vị phân phối đã đầu tư cho nghiên cứu phát triển, lắp ráp thành công thiết bị laser “made in Việt Nam”, cung cấp giải pháp cho Vinsmart và thậm chí xuất khẩu trực tiếp sản phẩm máy cắt và khắc laser mang thương hiệu Việt đi Hàn Quốc và Thụy Sỹ.

Mới đây, tại sự kiện kết nối tìm kiếm nhà cung ứng của một nhà đầu tư FDI tại SHTP, hơn 100 doanh nghiệp CNHT đến tìm hiểu cơ hội. Trong quá trình thảo luận với nhà đầu tư, DN trong nước không còn lép vế ở vấn đề năng lực sản xuất, hay chất lượng sản phẩm. Đại diện của Cơ khí Duy Khanh chia sẻ hoàn toàn tự tin đáp ứng yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật của nhà đầu tư. Thậm chí, DN này đã mạnh dạn mở rộng phát triển nhà máy tại SHTP sản xuất linh kiện dụng cụ cầm tay đặc thù từ bột kim loại lần đầu tiên xuất hiện ở Việt Nam. Một minh chứng về khả năng cạnh tranh quốc tế là Công ty Cường Vinh có đến 65% sản lượng sản xuất động cơ quạt điện phục vụ xuất khẩu.

Xây dựng cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp hỗ trợ giúp các doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Thách thức nào từ EVFTA?

EVFTA đã có hiệu lực thực thi từ 1/8/2020, thời gian tới khi hiệp định này thực sự tác động đến sản xuất và thị trường trong nước thì cơ hội của DN CNHT ngày càng rộng mở.

Nhưng cũng đồng thời đòi hỏi DN Việt cần nâng năng lực cung ứng từ phạm vi trong nước ra toàn cầu. Đó là những yêu cầu duy trì cải tiến chất lượng, đáp ứng những tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn an toàn cho sản phẩm, giá cả so sánh cạnh tranh toàn cầu chứ không còn ở quy mô trong nước… “Chỉ có những doanh nghiệp có cam kết rất lớn, có ý chí theo đuổi tham gia vào sân chơi toàn cầu thì mới có cơ hội” bà Duy Oanh nhận định.

Thực tế cho thấy không phải doanh nghiệp quy mô lớn mới có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng. “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nguyện vọng, ý chí của doanh nhân quyết định cơ hội. Ví dụ như Nam Sơn laser chỉ có khoảng 20 kỹ sư, họ đã cung cấp giải pháp cho Vinsmart, trước đó là Nidec và mới đây nhất, Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) đã tìm hiểu sản phẩm của Nam Sơn dùng để cắt bo mạch điện tử trong quy trình sản xuất”, bà Oanh cho biết.

Năng lực cạnh tranh của công nghiệp hỗ trợ nằm ở 3 yếu tố: thứ nhất là nhu cầu, nhà đầu tư FDI và thị trường xuất khẩu đang có nhu cầu tìm kiếm đối tác cung ứng tại Việt Nam; thứ hai là nội lực của DN thể hiện ở khả năng đảm bảo chất lượng, các yếu tố kỹ thuật, thời gian giao hàng; thứ ba, mạnh dạn đổi mới, cải tiến quản lý và công nghệ. “Trung tâm phát triển công nghiệp hỗ trợ TP có chuyên gia về năng suất và chất lượng. Chúng tôi có thể đưa chuyên gia đến nhà máy của doanh nghiệp từ 3 – 6 tháng để làm sao DN có thực hành tốt theo những quy tắc của chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngay cả các đối tác khi tìm kiếm nhà cung ứng, họ cũng có những cam kết tổ chức chương trình huấn luyện kỹ thuật trực tiếp cho các doanh nghiệp, cho chuyên gia để thống nhất quy tắc sản xuất, để có một hệ sinh thái sản xuất tương đồng với quy chuẩn, chuẩn mực quốc tế” bà Duy Oanh chia sẻ.

Kéo dài chương trình kích cầu đầu tư

Tại hội nghị trực tuyến triển khai EVFTA mới đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức chia sẻ, phát triển công nghiệp hỗ trợ là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược thực thi EVFTA của TPHCM.

Cụ thể, chương trình kích cầu đầu tư theo Nghị quyết 16 của Thành phố sẽ tiếp tục duy trì và mở rộng phạm vi trong năm 2021. Được biết, hầu hết những thương hiệu trên đã đăng ký tiếp tục tham gia do nhu cầu mở rộng đầu tư. Đây là tín hiệu vui cho CNHT Thành phố trong bối cảnh ảnh hưởng dịch COVID-19 không chỉ duy trì sản xuất mà còn có thêm đơn hàng, mở rộng quy mô sẵn sàng đón nhận những nhu cầu mới của nhà đầu tư cũng như xuất khẩu.

Cùng với việc duy trì và mở rộng phạm vi chương trình kích cầu, Trung tâm Phát triển CNHT TP đã xây dựng dữ liệu doanh nghiệp cung ứng và công khai trên hệ thống cơ sở dữ liệu, chuyển cho các nhà đầu tư FDI cũng như các tập đoàn, doanh nghiệp quốc tế tìm hiểu trước khi tiếp cận trực tiếp. Đây là nỗ lực của TPHCM trong việc hình thành mạng lưới các nhà sản xuất có năng lực cung ứng, từng bước phát triển công nghệ hỗ trợ bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nội lực nền kinh tế.

Ngoài ra, trong điều kiện quỹ đất công nghiệp ngày càng thu hẹp, TPHCM đang ưu tiên cấp phép cho các dự án nội địa có hàm lượng công nghệ cao. Do vậy, nhiều DN CNHT được trao cơ hội, đang triển khai xây dựng nhà máy mới tại Khu Công nghệ cao TP (SHTP)

Ông Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Ban Quản lý SHTP, cho biết, để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển Chính phủ đã đề ra 3 giải pháp đột phá như: đột phá về thể chế, đột phá về nhân lực chất lượng và phát triển hạ tầng công nghệ. Trong giải pháp đột phá về hạ tầng công nghệ Chính phủ lại chú trọng đẩy mạnh đột phá trong ngành công nghiệp hỗ trợ để nâng cao sức cạnh tranh, chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước…

Băng Tâm

Top