Sẽ lắp camera giám sát, ngăn người dân vứt rác trên kênh rạch

22/09/2016 9:02 AM

(Chinhphu.vn) – Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa trong chuyến đi thị sát, chỉ đạo xử lý tình trạng xây dựng lấn chiếm, xả rác bừa bãi làm ách tắc hệ thống kênh rạch trên địa bàn quận Bình Thạnh, ngày 21/9.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa kiểm tra tình trạng xây dựng lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn quận Bình Thạnh. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Theo Trung tâm điều hành Chương trình chống ngập nước TPHCM, quận Bình Thạnh đang có nhiều tuyến đường thường xuyên bị ngập nặng như Bạch Đằng, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh… Trước đây, nước từ những khu vực này thoát ra 15 tuyến kênh rạch lớn như: Văn Thánh, Cầu Bông, Bến Bồi, Tam Vàm Tắc, Bùi Hữu Nghĩa, Cầu Sơn…

Tuy nhiên, hiện nay hầu hết các tuyến kênh nêu trên đã bị người dân xây dựng lấn chiếm, xả rác bừa bãi làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng thoát nước, dẫn đến ngập.

Việc duy tu và nạo vét các tuyến kênh rạch hiện cũng rất khó khăn. Mỗi khi trời mưa, chỉ có lực lượng Công ty môi trường đô thị tiến hành thu gom rác ở các vị trí cửa xả để thoát nước. Còn ở dưới lòng kênh, dù ngập ngụa bùn và rác thải nhưng không thể nạo vét do “vướng” các căn nhà lấn chiếm xây dựng kiên cố…

Trao đổi với lãnh đạo UBND Thành phố, đại diện lãnh đạo UBND quận Bình Thạnh cũng nhìn nhận thực trạng xây dựng lấn chiếm đang xảy ra khắp các tuyến kênh rạch trên địa bàn, đồng thời cho biết việc giải tỏa, đền bù các công trình xây dựng lấn chiếm khó thực hiện do phần lớn công trình đã tồn tại từ trước năm 1975.

Theo UBND quận Bình Thạnh, vừa qua, để đảm bảo thoát nước chống ngập, quận Bình Thạnh đã vận động được nhiều hộ dân tự tổ chức tháo dỡ công trình xây dựng trái phép, nhưng hầu hết chỉ là những công trình nhỏ nên có thể thực hiện ngay. Riêng đối với những công trình kiên cố, quận Bình Thạnh cho rằng, phải chờ đến khi dự án nâng cấp và cải tạo Rạch Xuyên Tâm của Thành phố triển khai mới có thể xử lý triệt để.

Để hạn chế ngập, trước mắt, quận Bình Thạnh kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo Trung tâm chống ngập đẩy nhanh tiến độ các công trình, dư án chống ngập nước trên địa bàn như: cải tạo hệ thống thoát nước, lắp đặt trạm bơm nước ở các tuyến đường: Nguyễn Xí, Nơ Trang Long, Bạch Đằng…; đồng thời kiến nghị Thành phố giao địa phương chịu trách nhiệm quản lý và thu gom rác dưới kênh rạch để tăng khả năng thoát nước cho khu vực.

Về lâu dài, quận Bình Thạnh kiến nghị UBND Thành phố chấp thuận chủ trương, cho phép địa phương tiến hành các thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là những công trình nằm trong khu vực dự án nâng cấp và cải tạo rạch Xuyên Tâm.

Rác xả bừa bãi làm ách tắc dòng chảy rạch Cầu Sơn. Ảnh VGP/Phan Hoàng

Chỉ đạo công tác chống ngập, xử lý tình trạng lấn chiếm kênh rạch trên địa bàn quận Bình Thạnh sau khi đã đi thực tế, Phó Chủ tịch Lê Văn Khoa yêu cầu thời gian tới, các đơn vị cần tập trung thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ, trước mắt cần khẩn trương phân công tổ chức nạo vét, thu gom toàn bộ rác thải để khơi thông dòng chảy cho các tuyến kênh trong khu vực.

Để nâng cao hiệu quả quản lý kênh rạch, lãnh đạo UBND TPHCM chấp thuận chủ trương, cho phép từ đầu năm 2017, giao 15 tuyến kênh rạch trên địa bàn quận Bình Thạnh cho UBND quận quản lý và thực hiện thu gom rác. Ngay trong tháng 10/2016, quận Bình Thạnh cần hoàn thành việc lắp đặt camera để giám sát, hạn chế tối đa tình trạng xả rác bừa bãi làm ách tắc cửa xả thoát nước tại các tuyến kênh rạch.

Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng yêu cầu các sở ngành phối hợp với UBND quận Bình Thạnh đẩy nhanh tiến độ cải tạo hệ thống thoát nước, lắp trạm bơm tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra ngập nước như Ung Văn Khiêm, Bạch Đằng, Nguyễn Xí, D5…

Riêng tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh hiện đã bị lún xuống gần 1m so với ban đầu, do đó ông Khoa yêu cầu Trung tâm chống ngập khảo sát, tính toán kỹ lượng mưa, tổ chức lấy ý kiến người dân hai bên đường để xác định cao độ phù hợp khi nâng đường Nguyễn Hữu Cảnh, tránh tình trạng bị dân phản ứng như đường Kinh Dương Vương trước đó.

Phan Hoàng

Top