Shark Tank mùa 3: Hơn 1.000 startups đăng ký

14/06/2019 10:00 AM

(Chinhphu.vn) - Chương trình truyền hình thực tế về khởi nghiệp Shark Tank vừa khởi động mùa 3. Từ tổng số vốn gọi được mới hơn 116 tỷ đồng ở mùa đầu tiên, Shark Tank mùa 2 đã ghi nhận được lượng tiền cam kết rót cho startups đạt gần gấp đôi (206 tỷ đồng). Số tiền không lớn nếu so với nhu cầu của hàng nghìn startups đang “khát vốn”, nhưng cái được từ các cuộc đấu trí ấy có lẽ là những bài học quý giá cho người khởi nghiệp.

Ở 2 mùa đầu tiên của Shark Tank Việt Nam, mặc dù có 1.000 startup đăng ký tham dự nhưng chỉ có 42 startup lọt vào vòng thương thuyết với các nhà đầu tư. Trong số đó, cũng chỉ có 27 startup nhận được đề nghị đầu tư của “Cá Mập” với tổng số tiền 206,541 tỷ đồng ở mùa thứ hai. Ảnh minh họa

Đỏ mắt tìm “vàng”

Nếu như ở các diễn đàn đầu tư, câu hỏi phổ biến thường là “nên đầu tư vào đâu?” thì ở các sự kiện khởi nghiệp người ta vẫn hay hỏi nhau “ngành nào tiềm năng nhất?”. Đó phải chăng là ngành có quy mô lớn nhất, có nhiều vấn đề nhất, nhiều thách thức nhất mà chỉ cần dùng công cụ tìm kiếm Google là ta có thể thấy hàng triệu kết quả?

Theo ông Nguyễn Ngọc Thủy - nhà đầu tư nhiều năm đi cùng Shark Tank - đúng là nhà sáng lập doanh nghiệp (DN) không cần nghĩ ra cái gì quá vĩ đại, nhưng nếu là “người đi sau”, “startups cần có điểm đột phá cho sản phẩm hoặc mô hình kinh doanh với sự khác biệt đủ lớn để định vị lại thị trường. Xa hơn nữa còn phải mơ đến những thứ chưa ai làm, những điều chưa ai nghĩ tới”.

Tương tự, ông chủ của Thương hiệu điện tử Việt Asanzo - “cá mập” mới tại Shark Tank 2019 - cũng khẳng định thay vì cứ mô phỏng cách thức của các DN “đại gia” đã thành danh, nhà sáng lập của DN trẻ phải tìm ra con đường khác để đi, “thấy người ta bán phở rồi thì đừng bán phở nữa mà hãy bán rau ăn kèm”, vị doanh nhân tóm tắt một cách hình ảnh.

Nhà đầu tư Thái Vân Linh - Tổng Giám đốc Vingroup Ventures - còn tin rằng “startups đừng mải chạy theo xu hướng vì sẽ không có ngành nào là lý tưởng nhất. Thay vì khởi nghiệp chỉ với đam mê, hãy làm những gì mà mình giỏi nhất. Và đam mê sẽ sinh ra từ đó”.

Tuy nhiên, thực tế ghi nhận ở Shark Tank sau 2 mùa gọi vốn đầu tiên cho thấy dường như vẫn còn không ít nhà khởi nghiệp trẻ đang suy nghĩ khá “rập khuôn” theo kiểu “thấy người ta ăn khoai thì cũng vác mai đi đào”. “Cứ mùa trước có startup nhận được vốn đầu tư thì mùa sau lại có hàng chục startups sản xuất cùng loại sản phẩm đăng ký tham gia”, Bà Lê Hạnh - Giám đốc sản xuất Shark Tank băn khoăn nói.

Cũng theo nhà sản xuất Chương trình, trong khi Việt Nam được xem là nước có nền nông nghiệp lâu đời với kỹ thuật canh tác tốt, có thể sản xuất được nhiều loại nông sản nhiệt đới đặc thù với năng suất cao thì tại một cuộc thi hàng năm có tới cả nghìn startups tham gia mà các DN đến từ lĩnh vực nông nghiệp vẫn chỉ rất “thuần nông”, hầu như chưa tích hợp được hàm lượng công nghệ đáng kể trong mô hình kinh doanh hay sản phẩm làm ra. “Chúng tôi mong gặp được dự án về nông nghiệp thông minh. Chúng tôi cũng không nhận được một đơn dự tuyển nào về giải quyết các thách thức ở khâu logistics cho nông sản trong khi đây lại là nhu cầu rất lớn của ngành nông nghiệp cả nước”, bà Lê Hạnh nói thêm.

Áp lực của “ghế nóng” - Cơ hội của startups

Có thể thấy hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Do đó, startups không có nhiều cơ hội để tiếp cận vốn. Số DN may mắn “lọt vào mắt xanh” của các quỹ đầu tư mạo hiểm cũng không nhiều.

Những năm gần đây, sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân đã góp phần không nhỏ vào quá trình kiến tạo nên những thế hệ doanh nhân khởi nghiệp mới. Thế nhưng, ngay cả một chương trình được sự ủng hộ lớn như Shark Tank cũng gặp không ít khó khăn khi tìm kiếm các nhà đầu tư chịu “xuất đầu lộ diện” trước công chúng.

Từ phía những người ngồi trên “ghế nóng”, các “cá mập” (sharks) cũng phải chấp nhận đương đầu với nhiều áp lực. Bởi kinh doanh vốn là “địa hạt” nghiêm túc và kín đáo, những tranh luận công khai trước công chúng có thể mang tới nhiều rủi ro về truyền thông, về cạnh tranh, gây ra tổn thương không chỉ cho chính DN “mẹ”, mà cho cả uy tín của doanh nhân “đăng đàn”. Đó là chưa kể tới những “đả kích” tiêu cực trên các diễn đàn mạng khi một số startups không thể nhận được khoản đầu tư như cam kết trên truyền hình do “vấp ngã” ngay ở vòng rà soát-thẩm định DN (Due Diligence) - vốn chỉ diễn ra sau khi tấm màn của Chương trình đã khép lại.

Vậy nên, có thể nhận thấy càng ngày các nhà đầu tư càng ngần ngại hơn khi nhận lời tham gia Shark Tank. Trong 2 mùa vừa qua, Chương trình mới thuyết phục được 14 nhà đầu tư góp mặt. “Chúng tôi may mắn có một hội đồng quản trị là những cổ đông còn khá trẻ, có khả năng chấp nhận mạo hiểm cao nên chỉ cần 2/10 dự án thành công là đủ. Còn toàn bộ phần rót cho các startups được xem như chi phí DN đầu tư vào nghiên cứu phát triển, tìm tòi hướng đi mới”, ông chủ thương hiệu điện tử Việt Asanzo cho hay.

Dù sao, từ tổng số vốn gọi được mới hơn 116 tỷ đồng ở mùa đầu tiên, Shark Tank mùa 2 đã ghi nhận được lượng tiền cam kết rót cho startups đạt gần gấp đôi (206 tỷ đồng). Dẫu biết rằng với hàng nghìn startups đang rất “khát vốn” hiện nay thì con số này cũng mới là “muối bỏ bể” nhưng cái được từ các cuộc đấu trí ấy có lẽ là những bài học quý giá cho người khởi nghiệp.

Thế nên sự tôn vinh của xã hội dành cho những doanh nghiệp, doanh nhân đã và đang dũng cảm góp phần vào xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp - theo một cách đầy thách thức - dù nói thế nào cũng vẫn là chưa đủ.

Phương Hiền

Top