Sống chung với ngập

11/09/2015 11:11 AM

(Chinhphu.vn) - Nhiều năm qua, cảnh ngập đường, ngập hẻm, nước tràn vào nhà đã trở nên quen thuộc với người dân TPHCM. Mỗi khi mưa xuống, “thò tay chấm mưa”, thấy nặng hạt, không ít người thẫn thờ buột miệng “lại ngập nữa rồi”.

Tuyến đường Nguyễn Xí ngập nặng trong chiều 15/8 vừa qua. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Sau 40 năm giải phóng và đổi mới, TPHCM đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, luôn là đầu tàu kinh tế của cả nước. Tuy nhiên, quá trình đô thị hóa nhanh, cùng với diễn biến phức tạp của biến đối khí hậu đã khiến thành phố phải đối mặt với nhiều thách thức, trong đó có vấn đề ngập úng đô thị.

Điệp khúc… ngập

Mới đây, cơn mưa lớn kéo dài chiều tối ngày 15/8 đã khiến nhiều tuyến đường ở TPHCM ngập nặng, giao thông hỗn loạn, sinh hoạt người dân bị đảo lộn. Một số đoạn đường Tân Hóa (quận 6), nước ngập gần một mét khiến hàng loạt ô tô, xe máy bị chết máy. Nước từ kênh, từ cống rãnh xả ra đen ngòm, bốc mùi nặng. Người dân vất vả đẩy xe ra khỏi vùng ngập nước, xe buýt và ô tô bán tải cũng chết máy, hành khách bì bõm dưới mưa đẩy xe ra khỏi vùng nước sâu. Nhiều gia đình phải dựng ván gỗ hoặc bao cát để chắn nước.

Vừa lấy can nhựa tát nước từ trong nhà ra ngoài hẻm, bà Lâm Thanh Ngọc (ngụ trên đường Tân Hóa) bức xúc, “tôi sống đây mấy chục năm, cứ mưa xuống là ngập. Trận mưa này ngập nặng nhất; nước bẩn tuồn vào nhà, sinh hoạt, buôn bán bị đảo lộn. Không biết bao giờ mới hết ngập đây”.

Còn trên tuyến đường Kinh Dương Vương, đoạn gần bến xe miền Tây (quận Bình Tân) cũng bị ngập sâu hơn nửa mét, gây cảnh tắc nghẽn giao thông. Ngoài ra, một số tuyến đường cũng ngập nặng như An Dương Vương, Hồng Bàng (quận 6), Lê Hồng Phong (quận 10), Nguyễn Văn Quá (quận 12), Kha Vạn Cân (Thủ Đức); Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh, Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh) …

Cũng trong ngày 15/8, mưa lớn đã khiến đường Nguyễn Xí (Bình Thạnh) ngập sâu, gây ùn tắc giao thông khiên tàu hỏa đã phải dừng lại gần khu vực ngã tư Bình Triệu vì đường ray kẹt xe. Nhiều người đi tàu phải xuống tàu đón xe về nhà.

Truy tìm nguyên nhân

Trên đây chỉ một số trong hàng trăm điểm ngập diễn tại TPHCM những ngày qua. Việc đánh giá nguyên nhân gây ngập có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm tìm giải pháp khoa học, hiệu quả.

Theo UBND TPHCM, với địa hình tương đối thấp cùng với triều cường được cho là những nguyên nhân chính gây ngập trên địa bàn.

Bên cạnh đó, về chủ quan, do ngân sách khó khăn, hầu hết hệ thống sông, kênh, rạch (với 3.020 tuyến, tổng chiều dài 5.075 km) chưa được đầu tư nạo vét, gây tắc nghẽn dòng chảy làm hạn chế khả năng thoát nước. Thêm vào đó, ý thức người dân bảo vệ môi trường còn kém khi xả rác thải trực tiếp ra kênh; quản lý Nhà nước lỏng lẻo để người dân lấn chiếm, san lấp trái phép kênh rạch, khiến dòng chảy bị thu hẹp...

Mới đây, tại cuộc kiểm tra dự án chống ngập trên địa bàn quận 8, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, nguyên nhân chính gây ngập là do biến đổi khắc nghiệt của khí hậu. Trước đây chỉ mới phát hiện nguyên nhân thủy triều xâm nhập qua sông Sài Gòn, sông Đồng Nai nhưng gần đây đã phát hiện tình trạng thủy triều xâm nhập từ phía Nam lên qua sông Cần Giuộc. Theo ông Nguyễn Hữu Tín, hệ thống thoát nước trước đây của TP được thiết kế cho số dân 2,5 triệu người, nay không còn phù hợp với dân số trên 10 triệu người.

Trong khi đó, Sở Giao thông Vận tải thừa nhận, tình hình ngập nước trên một số tuyến đường gần đây đã ảnh hưởng lớn đến đời sống và gây ra bức xúc cho người dân, nguyên nhân chủ yếu là thiếu hệ thống thoát nước, cao độ mặt đường thấp, một số tuyến được chặn dòng thi công nhưng lại không có phương án dẫn dòng phù hợp…

Việc có nhiều tuyến đường được nâng cao trong khi đa số nhà dân không đủ điều kiện nâng cao cốt nền; việc san lấp rạch xây dựng công trình nhưng không xây hồ điều tiết bù lại làm khu vực trữ nước tự nhiên bị thu hẹp, tình trạng bê tông hóa hạ tầng kỹ thuật dẫn đến hạn chế thẩm thấu nước tự nhiên; tiến độ triển khai Quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TPHCM đến năm 2020 và Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực TPHCM được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt rất chậm cũng là những nguyên nhân mà Sở Giao thông Vận tải TP lý giải cho tình trạng ngập thời gian qua.

Dưới góc độ chuyên gia, Tiến sĩ Phạm Sanh đánh giá, công tác quản lý, điều hành chống ngập của TP còn lúng túng. Việc chống ngập bằng cách nâng đường, kiên cố hóa, gia cố cứng bờ sông... đôi khi giảm ngập cho dự án này nhưng lại gây ngập cho khu vực xung quanh. Nhiệm vụ chống ngập giao cho nhiều sở ngành và địa phương (Trung tâm chống ngập, Sở Giao thông Vận tải, Sở Xây dựng, các quận huyện…) đã hạn chế tính thống nhất trong công tác chống ngập.

Còn trong quy hoạch chống ngập, TP đang tồn tại song song 2 đồ án của JICA (Nhật Bản - thoát nước mưa) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (chống lũ ngăn triều) thế nhưng cả 2 quy hoạch này lại khác nhau về mục tiêu, phạm vi, phương pháp luận, tần suất tính toán…

Mặt khác, tiêu chuẩn kỹ thuật của Bộ Xây Dựng cho hệ thống cống thoát nước đang áp dụng tại TP hiện đã không an toàn, lạc hậu so với thế giới. Hệ quả là hệ thống cống thoát nước TP vừa làm xong đã quá tải.

Tiến sĩ Phạm Sanh cũng cho rằng, quá trình đô thị hóa chưa được kiểm soát chặt chẽ là nguyên nhân quan trọng nhưng thường bị “đẩy bóng” sang nguyên nhân do mưa lớn, triều cường. Đáng báo động là việc san lấp không theo cốt xây dựng, tệ nạn lấn chiếm mặt nước, bồi lấp kênh rạch chưa được xử lý nghiêm. Vi phạm không chỉ ở người dân nghèo mà còn  ở các chủ đầu tư khu đô thị.

Theo số liệu của UBND TPHCM, nếu từ năm 1962 – 2001, TP chỉ xuất hiện 9 trận mưa trong 3 tiếng (vũ lượng trên 100mm) thì từ năm 2002 đến nay trên địa bàn đã xuất hiện 29 trận mưa. Đặc biệt trong năm 2013 - 2014 có 3 trận mưa, chỉ trong 60 phút vũ lượng đã đạt tới 100mm - 122mm.

Về triều cường, TP có gần 63% diện tích có cao độ tự nhiên dưới 1,5m. Từ năm 1980 - 2007 đỉnh triều ở mức cao nhất chỉ đạt dưới 1,5m (tại trạm Phú An) nhưng từ năm 2008 đến nay đỉnh triều đã vượt trên mức 1,5m, đồng thời tần suất xuất hiện đỉnh triều ngày càng gia tăng. Từ năm 2006 - 2010 tần suất xuất hiện đỉnh triều trên 1,5m chỉ có 15 lần, nhưng từ năm 2011 - 2015 đã có tới 79 lần, đặc biệt có thời điểm đỉnh triều đã chạm mức 1,68m.

Bài 2: Gấp rút chống ngập

Nam Đàn

Top