Startups cần song hành cùng “người khổng lồ”

15/12/2018 10:15 AM

(Chinhphu.vn) - “Không hẹn mà gặp”, tại Diễn đàn Lãnh đạo trẻ Việt Nam 2018 do Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên Khởi nghiệp (thuộc Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam) và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM (YBA) tổ chức vào ngày 14/12, đông đảo startups đã thể hiện mối quan tâm lớn tới xu hướng sáng chế và ứng dụng công nghệ trên mọi lĩnh vực.

Theo nhiều nhà tư vấn, thay vì “chế” ra sản phẩm, dịch vụ nhưng không có gì nổi trội thì startups nhỏ hãy nghĩ tới các “nền tảng” cho sản xuất, vận hành của những doanh nghiệp lớn - như một kiểu công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: VGP/Phương Hiền

Cẩn trọng kẻo “lấy trứng chọi đá”

Cơn lốc của những công nghệ tiên phong từ cuộc cách mạng 4.0 dường như đang ùa vào từng ngõ ngách của xu hướng khởi nghiệp trong suốt năm qua. Từ những startups nông nghiệp, vận tải, tới cơ khí, chế tạo máy, thương mại, thanh toán… tất tần tật đều đang ra sức tích hợp công nghệ vào sản phẩm, dịch vụ của mình.

“Cảm hứng” khởi nghiệp của thời đại 4.0 còn được thổi bùng bởi sự gia nhập thị trường của “người khổng lồ” startup như Vinfast với ô tô “made-in-Vietnam, sự tăng tốc trong lĩnh vực thanh toán của cái tên như Ví điện tử Momo, hay cuộc tấn công vào thị trường vận tải của hàng loạt cái tên lớn-nhỏ như VATO, GoViet, Go-Ixe, Be Group…

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của “cá mập” trong lĩnh vực công nghệ, ông Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Quỹ Đầu tư Cyber Agent tại Việt Nam và Thái Lan - startups sẽ khó mà cạnh tranh nếu không thực sự có đột phá sâu ở một ngành nghề cụ thể nào đó.

“Bạn hãy xác định lợi thế cạnh tranh của mình so với các đối thủ hiện có. Tìm yếu điểm của họ và khắc phục trong mô hình của mình. Còn ngược lại nếu các đối thủ đã làm quá tốt rồi thì mình nên tránh ra”, nhà đầu tư từ Cyber Agent thẳng thắn khuyến cáo đồng thời cho rằng ở những “mặt trận” đã được các doanh nghiệp (DN) lớn “dàn quân” và đầu tư mạnh thì các startups nên dè chừng.

Tham gia các hệ sinh thái lớn

Như vậy, vấn đề hiện nay là các DN lớn hoặc startups có “chống lưng” của các Tập đoàn “đại gia” hầu như đã “bao trọn” thị trường. Sự chật vật của số đông startups còn lại vì vậy là điều rất dễ hiểu. Và do đó, theo khuyến nghị chung của các nhà tư vấn, thay vì “chế” ra sản phẩm, dịch vụ chẳng có gì nổi trội thì startups nhỏ tốt hơn hãy nghĩ tới các “nền tảng” cho sản xuất, vận hành của những DN lớn - như một kiểu công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Hoàng Quốc Quyền - Tổng Giám đốc Vinfast Service - các tập đoàn lớn đều đang “gồng mình” để xây dựng hệ sinh thái trọn vẹn. Vì vậy những startups mới “ra lò” và eo hẹp nguồn lực đừng tốn quá nhiều công sức thuyết phục thị trường nhằm tạo ra hệ sinh thái riêng. Thay vào đó, hãy tìm cách kết nối với lớp DN “đàn anh”, tìm hiểu các khó khăn của nhóm DN này. Sau đó nghĩ ra giải pháp giúp các “cánh chim đầu đàn” xử lý những vướng mắc đang có. Bởi ngay tại các Tập đoàn lâu năm, sự sáng tạo nhiều khi vẫn bị chi phối bởi cái bóng quá lớn từ thành công quá khứ hay khung suy nghĩ của những thành tựu đã chứng minh được tính đúng đắn trước đó.

“Hãy tìm tới ông chủ của các Tập đoàn tư nhân. Đây là nguồn đầu tư lớn, đa dạng và là những người mang tư duy rất khác biệt nhau. Hãy mang sản phẩm mới đến ‘chào hàng’ những con voi ấy. Như vậy tốt hơn là chỉ ngồi chờ và xem họ có thể đặt hàng mình những gì”, nhà quản trị đến từ “họ” VinGroup để ngỏ lời gợi ý sau khi “phê” đa phần startups hiện vẫn còn quá “nhút nhát”, hầu như chưa từng nỗ lực tiếp xúc với những ông chủ lớn.

Cùng góc nhìn này, ông Nguyễn Bá Diệp, Phó Chủ tịch Ví Momo - tổ chức đã 11 năm tuổi nhưng vẫn đang tự xem mình thuộc giới “khởi nghiệp lâu năm” - tin rằng ở những lĩnh vực tiềm năng, sự phát triển như vũ bão và cạnh tranh rầm rộ là điều không thể tránh khỏi. Thế nên “muốn đi đường dài, startups bắt buộc phải cùng nhau ngồi lại để khai phá thị trường. Khi nào miếng bánh đủ lớn hãy nói tới chuyện cạnh tranh với nhau”.

Đừng mong đợi quá nhiều ở nhà đầu tư

Ở những ngành nghề khá mới mẻ, rủi ro pháp lý mà startups phải đương đầu là rất lớn. Và điều này, không may, lại chẳng phải là khẩu vị của số đông nhà đầu tư.

Khởi động sự nghiệp ở lĩnh vực giáo dục trên nền tảng công nghệ (Edtech) - thoạt nghe có cảm tưởng đây là một địa chỉ startup khá thời thượng và hấp dẫn giữa cuộc cách mạng 4.0 – thế nhưng nhà sáng lập Hồ Đức Hoàn từ Edu2Revieuw cho hay “thực tế không chỉ có hoa hồng”. Dù số lượng người dùng smartphone và hào hứng với các sáng chế công nghệ di động tại Việt Nam được xem là rất cao nhưng mức độ sẵn sàng đối với các sản phẩm giáo dục online hoặc các hình thức học tập ứng dụng công nghệ số còn chưa lớn. Trong khi đó, giới đầu tư hiện vẫn chủ yếu ở thế quan sát chứ chưa thực sự muốn tham gia.

Tái khẳng định nhận xét này, “cá mập” Nguyễn Mạnh Dũng từ Cyber Agent tin rằng “giới đầu tư không thích những thứ liên quan tới rủi ro pháp lý vì họ hoặc những nhà đầu tư sau lưng họ đều là những tên tuổi doanh nghiệp, doanh nhân lớn nên không muốn bị ảnh hưởng bởi các rắc rối pháp luật”.

Bà Trương Lý Hoàng Phi – Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Thanh niên khởi nghiệp (BSSC) - cũng cho biết các cơ quan cấp phép nhiều khi không thể tìm ra quy định pháp lý nào để điều tiết một số mô hình kinh doanh quá mới mẻ. Vì vậy, riêng khâu đăng ký kinh doanh cũng đã khiến startups gặp khó. “Tôi có ý định thành lập một tổ chức hội hoặc một mạng lưới để có một diễn đàn chung cho giới startups nhằm đề đạt tiếng nói chính thống lên những người làm luật, người xây dựng chính sách. Vì vậy, rất hoan nghênh sự tham gia của đông đảo các doanh nhân, doanh nghiệp cho diễn đàn này vì một môi trường khởi nghiệp thuận lợi hơn, hấp dẫn hơn”, người đồng thời là Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM kêu gọi.

Theo dự báo từ Quỹ đầu tư Cyber Agent, giai đoạn 2019-2020 tới đây, thị trường có thể sẽ lại ghi nhận làn sóng đầu tư ồ ạt chảy vào các startups - tương tự như thời hoàng kim ngay trước cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hồi năm 2007-2008.

Phương Hiền

Top