Tăng thu nhập cho cán bộ, công chức: Không tăng đồng loạt

08/12/2017 9:02 AM

(Chinhphu.vn) - Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho phép TPHCM được quyết định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức nhưng thành phố sẽ không tăng đồng loạt mà ưu tiên cho các cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân. HĐND TPHCM yêu cầu minh bạch quy hoạch đất cho giáo dục

Thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức TPHCM khi áp dụng Nghị quyết 54 của Quốc hội được xem là tiền ‘dưỡng liêm’ nhằm hạn chế tối đa tiêu cực, nhũng nhiễu. Ảnh: VGP

Ban hành Nghị quyết 54 về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển đầu tàu kinh tế cả nước, Quốc hội đã giao cho Hội đồng nhân dân TPHCM nhiều quyền hạn lớn, có thể đi sâu vào tất cả các lĩnh vực thí điểm.

Hội đồng nhân dân TPHCM được giao nhiều quyền hạn lớn

Theo Nghị quyết 54/2017/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017, cơ chế chính sách đặc thù phát triển TPHCM sẽ áp dụng ở các lĩnh vực như: quản lý đất đai, đầu tư, tài chính-ngân sách nhà nước, cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền, thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức.

Đây là Nghị quyết mà Quốc hội đã phân quyền, phân cấp cho HĐND TPHCM rất mạnh trên nhiều lĩnh vực.

Về quản lý đất đai, HĐND TPHCM có quyền quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa từ 10ha trở lên phù hợp với quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cấp có thẩm quyền quyết định.

Về quản lý đầu tư: HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A sử dụng ngân sách thành phố theo quy định của Luật đầu tư công.

HĐND TPHCM cũng được đề xuất chính phủ xem xét để trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định thí điểm tăng thuế trên địa bàn TPHCM đối với một số hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Mức tăng không quá 25% so với hiện hành.

Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế, HĐND TPHCM được quyết định dự toán phân bổ ngân sách cho các địa phương, được quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư cấp thành phố và các cấp dưới.

Biên độ vay nợ của TPHCM cũng sẽ được mở rộng sao cho tổng dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. “Vay nợ của chính quyền địa phương cũng nằm trong tổng nợ công quốc gia, nên khi đặt ra con số 90% nghĩa là Quốc hội đã đặt kỳ vọng rất lớn vào tăng trưởng của TPHCM, nhằm tạo động lực lan tỏa, kéo kinh tế cả nước cùng đi lên”, chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm giải thích thêm về “ngưỡng” 90%.

Ngân sách TPHCM được hưởng 50% các khoản thu tiền thu sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn (trước đây 100% phải chuyển về ngân sách trung ương); hưởng số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước từ các DN nhà nước do UBND TPHCM quản lý hoặc làm đại diện chủ sở hữu.

Sẽ lấy ý kiến người dân và HĐND trước khi tăng phí, lệ phí

Một nội dung đáng chú ý khác tại Nghị quyết 54 của Quốc hội là giao HĐND TPHCM quyết định tăng mức thu đối với phí và lệ phí hiện hành, đồng thời áp dụng các loại phí và lệ phí chưa có trong danh mục Phí và Lệ phí ban hành kèm theo Luật phí. Quốc hội cũng đồng ý để lại 100% những khoản thu tăng thêm cho TPHCM.

Tất nhiên, kèm theo đó là một số điều khoản quy định về lộ trình thực hiện, để đảm bảo môi trường đầu tư, đảm bảo sức chịu đựng của người dân trong quá trình phát triển. “Trước khi thực hiện sẽ đánh giá tác động xã hội, lấy ý kiến người dân để tạo sự đồng thuân. Không phải có nghị quyết như vậy mà có thể tăng thuế, phí tùy tiện được”, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm khẳng định.

Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cũng cho hay “tăng phí, lệ phí hoặc áp dụng thêm các loại phí, lệ phí mới hiện vẫn chỉ là chủ trương. Khi thành phố tăng thu phí , lệ phí theo danh mục hiện tại hoặc thu phí lệ phí mới đều sẽ nghiên cứu kỹ, có đề án, trao đổi với các bộ ngành, xin ý kiến Chính phủ, báo cáo HĐND chứ không tự ý làm”.

Riêng về thuế, UBND TPHCM định hướng sẽ tăng lên ở những hàng hóa dịch vụ cần kiểm soát để không ảnh hưởng đến môi trường phát triển chung. Ví dụ với những loại hàng hóa không khuyến khích như rượu bia, thuốc lá… và những hoạt động ảnh hưởng đến giao thông, môi trường, sức khỏe, sinh hoạt của người dân…

Tăng thu nhập cho cán bộ: không thể đồng loạt

Cũng tại Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế đặc thù, HĐND TPHCM được giao quyết định bố trí ngân sách của thành phố để chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công nhân viên chức tại các cơ quan, tổ chức chính trị, xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập do TPHCM quản lý, với mức tăng không quá 1,8 lần mức lương ngạch, bậc, chức vụ; Tương tự, mức thu nhập để thu hút và giữ chân các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt cũng do TPHCM tự quyết định.

“Thực hiện tốt Nghị quyết này chúng ta sẽ có nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng sống cho người dân tại TPHCM, đóng góp được nhiều hơn, xứng đáng là đầu tàu kinh tế cả nước”, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm tin tưởng nói.

Chủ trương chung là thu nhập tăng thêm phải theo lộ trình và khả năng tài chính ngân sách của thành phố, đảm bảo phần tăng thêm này không làm giảm chi cho đầu tư phát triển và các lĩnh vực khác, “sắp xếp tinh gọn biên chế và nâng cao năng suất lao động cũng là điều kiện để tăng thu nhập”, bà Tâm quả quyết.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến còn cho biết thêm: “không thể tăng đồng loạt thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức được, mà sẽ phải ưu tiên tập trung cho các cán bộ, công chức thường xuyên tiếp xúc với doanh nghiệp và người dân, xem đây như một loại tiền ‘dưỡng liêm’ nhằm hạn chế tối đa tiêu cực”.

Bế mạc kỳ họp thứ 6 của Hội đồng nhân dân TPHCM khóa IX, các đại biểu tham dự đã thống nhất thông qua Nghị quyết của HĐND về thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 nhằm thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TPHCM.

Phương Hiền

Top