Thanh niên hành động xóa bỏ định kiến giới

12/03/2016 9:24 AM

(Chinhphu.vn) - Sáng 11/3, lớp tập huấn “Thanh niên hành động xóa bỏ định kiến giới, bạo lực giới và thúc đẩy bình đẳng giới” đã được khai mạc tại Trung tâm Công tác xã hội Thanh niên TP.HCM.

Các học viên đang trao đổi trong buổi tập huấn đầu tiên. Ảnh: VGP/Ngọc Khuyến

Đây là hoạt động do Trung tâm Tình nguyện Quốc gia (VVC) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc và Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) thực hiện.

Diễn ra trong 3 ngày từ 11-13/3, lớp tập huấn có sự tham gia của hơn 30 học viên là cán bộ Đoàn, Hội và sinh viên nòng cốt đến từ 7 trường đại học và cao đẳng thuộc khu vực miền Nam.

Tập huấn là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ dự án “Thanh niên hành động xóa bỏ định kiến giới và chấm dứt bạo lực giới” do UN Women, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và VVC phối hợp triển khai cho cán bộ, sinh viên nòng cốt đến từ 20 trường đại học, học viện trên cả nước.

Các học viên đến với buổi tập huấn đầu tiên tại TP.HCM đầy hứng thú. Vượt hơn 170km từ TP.Cần Thơ lên TP.HCM tham gia lớp tập huấn, em Nguyễn Thị Kim Xuyến và 4 thành viên khác của trường đại học Cần Thơ có mặt từ rất sớm.

Buổi học đầu tiên còn nhiều bỡ ngỡ nhưng sau đó em và các bạn nhanh chóng hòa nhập và bị cuốn theo những bài giảng thú vị. Khi được hỏi xoay quanh vấn đề quyền bình đẳng giới, cô sinh viên năm 2 tâm tình: “Em ở Sóc Trăng, ở quê em vẫn còn nhiều trường hợp bạo lực gia đình lắm, người phụ nữ khổ lắm chị ơi.” May mắn được trở thành 1 trong 5 đại diện của trường đến tham dự duổi tập huấn, Kim Xuyến có nhiều ấp ủ với hy vọng sẽ chia sẻ, tuyên truyền lại cho nhiều người hơn mà gần nhất là các bạn ở trường và những người hàng xóm xung quanh.

Nhân ngày đầu của khóa tập huấn, để hiểu rõ hơn ý nghĩa và tầm quan trọng của những khóa trang bị kiến thức như thế này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với chị Đỗ Thị Kim Hoa – Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia về vấn đề bình đẳng giới tại Việt Nam.

Nói về quyền bình đẳng giới ở nước ta trong thực tế đời sống hàng ngày, chị Kim Hoa chia sẻ: “Trong những năm gần đây khi quyền bình đẳng giới được nhắc đến nhiều hơn thì bản thây tôi thấy rõ những sự thay đổi trong cách ứng xử hàng ngày. Đơn giản, người chồng bây giờ biết chia sẻ với vợ những công việc bếp núc, nấu ăn, chăm sóc gia đình, người phụ nữ được lựa chọn và theo đuổi công việc mình yêu thích. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại rất nhiều thực trạng đau lòng như bạo lực gia đình, các định kiến cổ hủ khiến người phụ nữ nhiều nơi không được quan tâm, tôn trọng”.  

Việc mất bình đẳng giới ở nước ta không chỉ ở cách nam giới hiểu sai về quyền lợi của nữ giới mà ngay cả người phụ nữ từ nhiều thế hệ luôn tự áp đặt những nhiệm vụ cho chính mình. Nhiều người phụ nữ luôn tự mặc định bản thân phải biết cam chịu, hy sinh, nhẫn nhịn. Đó là tiền đề khiến nữ giới tự đánh mất quyền lợi của bản thân dẫn đến hệ quả họ tự mang vào mình nhiều trách nhiệm với gia đình và chồng con mà lẽ ra cả người nam và nữ đều phải cùng nhau chia sẻ.

Bênh cạnh đó, định kiến “trọng nam khinh nữ” của một bộ phận nam giới khiến cho số phận người phụ nữ ngày một nhỏ bé và họ không được bình đẳng trong gia đình, xã hội.

Theo chị Kim Hoa, bình đẳng giới là 1 trong những mục mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDGs) của Liên Hợp Quốc mà Việt Nam chưa đạt được kết quả như mong muốn và Việt Nam cũng cam kết sẽ đạt được vào năm 2030.

Muốn bình đẳng giới cần phải đi sâu vào công tác tuyên truyền và giáo dục tư tưởng đối với cả nam và nữ mà lực lượng nồng cốt là các bạn thanh niên.

Phó Giám đốc Trung tâm Tình nguyện Quốc gia cho biết: “Chúng tôi lựa chọn đối tượng này vì họ là các tri thức trẻ, là người chủ tương lai của đất nước, lớp tập huấn vừa góp phần thay đổi suy nghĩ của các bạn vừa thông qua các bạn để nhân rộng thông điệp đến nhiều đối tượng hơn. Hiện cũng có nhiều tổ chức, cá nhân cũng đang cố gắng trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng giới ở Việt Nam, trong đó tiêu biểu là phong trào HeForShe (Vì những người phụ nữ quanh ta). Qua thực tế, phong trào đã đạt được những hiệu quả tích cực nên chúng tôi muốn tiếp tục nhân rộng”.

Sau khóa tập huấn, các học viên sẽ được hỗ trợ để thành lập các câu lạc bộ HeForShe Change Makers tại trường đang theo học và duy trì sinh hoạt định kỳ trao đổi về bình đẳng giới. Từ đó, tiến tới vận động 20 trường đại học, học viện, cao đẳng này ban hành Quy chế khuôn viên trường an toàn, bình đẳng giới và không có bạo lực đối với nữ.

Ngọc Khuyến

Top