Thêm cơ hội cho startups khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa

16/05/2018 6:25 PM

(Chinhphu.vn) - Như “tiếp sức” cho phong trào khởi nghiệp trên cả nước, thêm một cuộc thi khởi nghiệp nữa dành cho startups đi lên từ tài nguyên bản địa vừa mới công bố ngày tiếp nhận dự án tranh tài.

Khởi nghiệp bằng khai thác tài nguyên bản địa đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh minh họa

“Đăng đàn” dự thi: không chấp nhận dự án “trên giấy”

Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp năm 2018 do Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao tổ chức lần này sẽ ưu tiên lựa chọn những dự án phát triển tài nguyên bản địa của địa phương, du lịch sinh thái, bảo tồn môi trường và có ứng dụng công nghệ nhất định.

Các nhà tổ chức cuộc thi 4 năm tuổi cũng vừa thông báo sẽ bắt đầu nhận hồ sơ dự thi từ đầu tháng 8 tới. Tuy nhiên, từ nay đến tháng 7, những người khởi nghiệp có thể liên hệ Ban Tổ chức để được nhận tư vấn tập huấn, hoàn thiện dự án và ý tưởng. Dự án có thể được trình bày trên bản word, powerpoint, excel… nhưng phải có hình ảnh, bản vẽ, thiết kế đi cùng. Quan trọng hơn cả, đây đều phải là những dự án đã được thương mại hóa.

Kết quả chọn dự án vào bán kết sẽ được công bố vào cuối tháng 8 tới. Lúc này, các dự án sẽ được nhiều chuyên gia hỗ trợ nâng cấp cả về công nghệ, marketing lẫn quản trị tài chính…

Đến tháng 9, vòng bán kết sẽ diễn ra ở cả 3 khu vực Trung, Nam, Bắc. Và chung kết cuộc thi sẽ được tổ chức tại TPHCM vào tháng 10 năm nay. Tổng giá trị các giải thưởng là 380 triệu đồng. Những dự án đạt giải cao sẽ được giới thiệu đến các nhà đầu tư để phát triển và nhân rộng.

Nhà tổ chức cuộc thi, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, nơi có khoảng 40% các doanh nghiệp thành viên chuyên về sản xuất, chế biến nông sản, thực phẩm, đồ uống; chế tạo máy móc, thiết bị, vật tư nông nghiệp, cho hay số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, khai thác tài nguyên địa phương tham gia cuộc thi khởi nghiệp mỗi năm một đông đảo hơn.

Nếu như vào năm 2015, mới chỉ có 25 dự án của 10 địa phương dự thi thì sang năm 2016 đã có 44 dự án góp mặt, và đến năm 2017 thì có tới 117 dự án từ hầu hết các tỉnh thành trên cả nước cùng tham gia.

Quản trị, công nghệ và marketing: bài học “miễn phí” cho startups tham gia

380 triệu đồng chia cho gần 20 giải thưởng của một cuộc thi khởi nghiệp quy mô quốc gia chưa phải là con số lớn, hay đúng hơn mới chỉ mang tính động viên tinh thần cho startups là chính. Và hơn nữa, dù kết nối vốn cho startups rõ ràng chưa phải là thế mạnh của các Hội nghề nghiệp hay các cơ quan xúc tiến thương mại nhưng nhiều cuộc thi khởi nghiệp gần đây cho thấy ít ra, đã có sự thành công nhất định về phương diện hỗ trợ truyền thông cho các nhà khởi nghiệp mới “chập chững” những bước đầu tiên.

Thực tế cũng ghi nhận rằng những cuộc thi với sự tư vấn đầy nhiệt huyết của giới doanh nghiệp, doanh nhân, các chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học ứng dụng và sự ủng hộ của các chính quyền địa phương, các đoàn thể ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trên con đường trưởng thành của startups.

Bởi ở đó những người khởi nghiệp có thể tìm thấy nhiều kỹ năng quản trị doanh nghiệp gắn với thực tiễn – điều khó mà tìm thấy ở trường đại học; “ngộ ra” phương pháp nhân rộng mô hình kinh doanh hay phát hiện thêm công nghệ tích hợp cho sản xuất kinh doanh, và lớn hơn cả là cơ hội tiếp cận với “đầu ra”.

Tất nhiên, ở quy mô của những startups hiện nay, để làm ăn được với các nhà phân phối lớn vẫn là “chuyện dài nhiều tập” bởi “sản lượng nhỏ, mới bán một lần là hết hàng; sản phẩm cũng thiếu tiêu chuẩn kỹ thuật được các cơ quan uy tín công nhận để được chấp nhận ở các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị”, bà Kim Hạnh nói thêm.

Còn theo như ông Đinh Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Quan hệ Doanh nghiệp thuộc Đại học Tiền Giang, dù là nơi ươm mầm phong trào khởi nghiệp nói chung, nhưng nhiều trường đại học hiện cũng bế tắc khi hỗ trợ đầu ra cho các startups sinh viên. Vậy nhưng đáng tiếc là tại nhiều cuộc thi khởi nghiệp, không ít startups đã bỏ qua cơ hội cho doanh nghiệp “lớn lên” chỉ vì bị chi phối bởi suy nghĩ “sợ mất quyền sở hữu trí tuệ và ý tưởng kinh doanh khi trình bày những chi tiết ‘đinh’ của dự án trước hội đồng giám khảo vốn cũng đang là các doanh nhân”!!!

Tổng kết từ Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho thấy không ít dự án dù chưa đạt được giải thưởng nào nhưng vẫn tìm được nhà đầu tư phù hợp từ chính các doanh nhân, doanh nghiệp từng tham gia hỗ trợ cuộc thi.

Phương Hiền

Top