Thêm cơ hội phát triển công nghiệp vi mạch

15/09/2015 9:27 PM

(Chinhphu.vn) - Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Nhật Bản) đồng ý hỗ trợ đào tạo và tiến tới chuyển giao công nghệ xưởng cực tiểu cho Khu Công nghệ cao TPHCM.

Lễ ký kết. Ảnh: VGP/Tấn Mai

Ngày 15/9, tại UBND TPHCM đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu giữa Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) và Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu (Minimal Fab Development Associatio - MINIMAL) về chương trình hợp tác nghiên cứu và cải thiện công nghệ tiên tiến liên quan đến xưởng cực tiểu (Minimal Fab).

Theo đó, nội dung hợp tác nghiên cứu giữa Khu Công nghệ Cao TPHCM và Tổ hợp nghiên cứu phát triển công nghệ xưởng cực tiểu là phía đối tác Nhật Bản đồng ý tiếp nhận đào tạo 2 nghiên cứu viên Trung tâm R&D trong vòng 01 – 02 năm tại Nhật Bản cũng như chuyển giao các công nghệ về Minimal Fab cho Khu Công nghệ cao TPHCM.

Đây là một cơ hội rất lớn cho sự phát triển ngành công nghiệp vi mạch của TPHCM qua việc tiếp xúc với công nghệ chế tạo vi mạch bán dẫn mới dựa trên nền tảng công nghệ Minimal Fab mà các tập đoàn vi mạch hàng đầu của Nhật Bản đang đầu tư nghiên cứu.

Theo Tiến sĩ Yasuyuki Harada, người đứng đầu nhóm nghiên cứu công nghệ xưởng cực tiểu, đây là công nghệ mới trên thế giới, được các nhà khoa học Nhật Bản nghiên cứu. Việt Nam là nước đầu tiên được các nhà khoa học Nhật Bản đồng ý ký kết đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Công nghệ xưởng cực tiểu cho phép sản xuất ra tấm nền (wafer), cảm biến, chip với quy mô nhỏ, đầu tư thấp. So với các nhà máy hàng tỷ USD thì công nghệ này chỉ cần khoảng 5 triệu USD, không cần phòng sạch nhưng có thể sản xuất các loại cảm biến, chip dùng trong các thiết bị điện như máy điều hòa, máy giặt, đến chip dùng trong điện thoại, máy tính bảng…

Tuy về thương mại thì quy mô nhỏ sẽ không có lợi thế về giá thành nhưng đây là công nghệ phù hợp với nghiên cứu vi mạch và sản xuất ở quy mô nhỏ, rất phù hợp với những doanh nghiệp nhỏ để tham gia vào sản xuất công nghiệp công nghệ cao.

Ông Yasuyuki Harada cho biết, đến nay công nghệ này vẫn chưa hoàn thiện, dự kiến đến năm 2017 mới có thể thương mại hóa được máy sản xuất cảm biến và đến năm 2019 mới có thể sản xuất được chip. Việc Nhật Bản đào tạo nhân lực cho Việt Nam ngay từ bây giờ sẽ giúp Việt Nam có thể làm chủ được công nghệ trong thời gian tới.

Về lộ trình hợp tác, theo Thạc sĩ Ngô Đức Hoàng Giám đốc TT Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch (ICDREC) - ĐH Quốc gia TPHCM, năm 2016, phía Việt Nam gửi 2 cán bộ đến tổ hợp MINIMAL FAB  học tập và làm việc và năm 2017 sẽ phối hợp xây dựng 1 dự án chung để chế tạo sản phẩm mẫu linh kiện vi mạch điện tử.

Tại lễ ký, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Tất Thành Cang cho biết, TPHCM ưu tiên phát triển 4 ngành công nghiệp mũi nhọn, trong đó có lĩnh vực vi mạch, điện tử. Do đó, việc hợp tác phát triển công nghệ xưởng cực tiểu rất phù hợp với định hướng phát triển của TPHCM.

Ông Cang yêu cầu các đơn vị có liên quan tăng số lượng người tham gia chương trình này để học tập và phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp mới trên thế giới, qua đó đẩy mạnh phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của TP.

Tấn Mai

Top