Thông tin nhiều chiều, công chức "sợ sai", doanh nghiệp lãnh đủ

02/05/2019 12:19 PM

(Chinhphu.vn) - Bầu không khí “co cụm”, “thủ thế” tại một số cơ quan chức năng dường như đang gặp hiệu ứng “nhân rộng” thêm dưới áp lực của một “rừng” thông tin trên đủ các phương tiện truyền thông.

Hiệp hội Bất động sản TPHCM kiến nghị cần sớm kết luận, xử lý khoảng 300 mặt bằng đất công thuộc diện bị thu hồi quyết định hoặc văn bản về sử dụng đất. Theo đó, phân loại thành 3 nhóm và có phương án xử lý có lý, có tình, có tính đến yếu tố lịch sử. Cụ thể, nhóm 1 gồm các mặt bằng về cơ bản thực hiện đúng theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, cần sớm được giải tỏa cho người sử dụng đất; nhóm hai bao gồm các mặt bằng có sai phạm về quy trình, thủ tục, nghĩa vụ tài chính ở mức độ không lớn, yêu cầu bổ xung các thủ tục đầu tư; và nhóm ba gồm các mặt bằng có dấu hiệu vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

80% dự án ở TPHCM phải qua “rà soát” được tiếp tục thực hiện

Chỉ sau một thời gian nhận được đề xuất cần gấp rút hoàn thành đợt rà soát pháp lý từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) đối với gần 160 dự án bất động sản (sắp hoặc đang triển khai), các cơ quan chức năng đã tuyên bố “tháo khóa” cho 124 dự án được tiếp tục thực hiện (chiếm 80% số dự án diện phải rà soát pháp lý).

Khỏi phải nói cũng biết “bầu không khí” hết sức tích cực của thị trường nhà đất trước thông tin này. Cho dù nguồn cung bất động sản bị thiếu hụt suốt 2 năm qua vẫn chưa thể cải thiện ngay trong ngày một, ngày hai nhưng tín hiệu mở ra “tương lai tươi sáng” ấy đang phần nào phản ánh vào tâm lý của giới chủ dự án lẫn người mua nhà.

Với một gia đình, chuyện mua một căn nhà là cả một kế hoạch lớn, được tích cóp, chuẩn bị qua rất nhiều năm. Vì vậy, khi những hồi hộp, âu lo về chuyện dự án bị “đóng băng” dần trôi qua thì mặt bằng chung của giá thuê nhà ghi nhận tại nhiều khu căn hộ tầm trung và bình dân theo đó cũng đã chững lại. Tỷ suất lợi nhuận của những người mua nhà vì mục đích đầu tư cũng không còn cao như các quý trước đó.

“Tốc độ tăng giá căn hộ có dấu hiệu chậm lại” (trích nội dung về thị trường căn hộ TPHCM tại “Tổng quan Thị trường Bất động sản Việt Nam quý 1 năm 2019” - Jones Lang Lasalle). Tuy nhiên, thống kê từ hãng tư vấn bất động sản JLL cũng cho thấy nguồn cung căn hộ mới vào quý 1 vừa qua chỉ bằng một nửa quý 4 năm ngoái - và là mức thấp nhất kể từ khi thị trường nhà đất phục hồi vào năm 2014.

Điều này cũng khá dễ hiểu vì vẫn còn rất nhiều điểm nghẽn để một dự án bất động sản được thẩm định và cấp phép thực hiện. Ngay trước thềm buổi làm việc giữa Lãnh đạo TPHCM với các doanh nghiệp bất động sản hôm trung tuần tháng 4 vừa qua, HoREA đã “khẩn thiết” kiến nghị UBND TPHCM và Thanh tra Chính phủ nhanh chóng xem xét, giải quyết đối với hơn 30 dự án còn đang được rà soát, thanh tra.

“Hiệp hội nhận thấy quá trình này càng kéo dài thì càng bất lợi cho doanh nghiệp vì bị tăng chi phí vốn và mất cơ hội kinh doanh. Số lượng dự án bị giảm dẫn đến số lượng nhà ở đưa ra thị trường cũng hụt đi, không có lợi cho người mua nhà. Nguồn thu ngân sách Thành phố về tiền sử dụng đất cũng sụt giảm mạnh”, văn bản của HoREA nhận định.

Cũng theo HoREA, trong quý I/2019, số dự án được Sở Xây dựng TPHCM phê duyệt giảm đến 63%; Số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp của doanh nghiệp ngành xây dựng cũng bị sụt giảm từ 30-50% do thiếu dự án mới…

Đáng chú ý, trong số nhiều vướng mắc đang “thít chặt” nguồn cung của thị trường, HoREA đã cho biết: “Hiện nay, gần như công tác tính tiền sử dụng đất dự án bất động sản trên địa bàn đều bị chậm trễ. Nhiều hồ sơ tính tiền sử dụng đất kéo dài cả năm vẫn chưa giải quyết xong, hoặc bị yêu cầu bổ sung nhiều lần, bị chuyển lòng vòng, không trình được lên Hội đồng thẩm định giá đất và UBND TPHCM”.

“Nguyên nhân trực tiếp là một số cán bộ, công chức sợ trách nhiệm, sợ sai nên có thái độ thụ động, không dám đề xuất chính kiến”, văn bản kiến nghị từ Hiệp hội Bất động sản TPHCM nhận định.

Giữa tháng 4/2019, giới truyền thông ồ ạt đưa ra nhiều luồng thông tin, trong số đó có thông tin cho rằng “dự án Marina Complex lấn Sông Hàn” tác động đến môi trường, ảnh hưởng đến dòng chảy... Trước luồng thông tin này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng lên tiếng khẳng định dự án đã được UBND thành phố Đà Nẵng phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngày 17/4 sở này cũng ra thông cáo khẳng định dự án Marina Complex “không ảnh hưởng đến dòng chảy”. Hiện dư luận và doanh nghiệp triển khai dự án đang chờ đợi kết luận cuối cùng từ phía cơ quan chức năng sau khi có ý kiến từ các chuyên gia, hội, ngành tại địa phương.

Vì đâu nên nỗi?

Bầu không khí “co cụm”, “thủ thế” tại một số cơ quan chức năng tại một số địa phương dường như đang gặp hiệu ứng “nhân rộng” thêm dưới áp lực của một “rừng” thông tin trên đủ các phương tiện truyền thông.

“Phải nói rằng những sai phạm, tiêu cực liên quan tới bất động sản và một bộ phận cán bộ công chức là có thật nhưng đó không phải là tất cả bộ máy và không phải ai cũng có thể gây ra tiêu cực. Rất nhiều lãnh đạo TPHCM dám nghĩ, dám làm nhưng các sở ngành không trình lên thì ông ấy biết đâu mà chỉ đạo giải quyết? Rồi thậm chí có khi trình lên theo kiểu ‘đá bóng lên chân cấp trên’. Tức công văn chỉ mang tính chất xin ý kiến, hỏi phương án giải quyết chứ bản thân người đang quản lý ở chính lĩnh vực ấy lại không có kiến giải gì hay nếu có cũng theo kiểu ‘nước đôi’, không dám bày tỏ rõ ràng quan điểm. Đó là chuyện trốn tránh trách nhiệm thi hành công vụ, cần phải đấu tranh loại bỏ”, Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu nhận xét.

Ở chiều ngược lại, áp lực từ thông tin xã hội cũng khiến công chức có lúc “phản ứng nhanh” tới mức vô hình chung khiến doanh nghiệp lao đao trước khi được “làm rõ trắng đen”.

Chuyện có tới 50 cơ quan báo chí bị phạt khi khiến ngành nước mắm truyền thống gặp phen khốn đốn vì vội vàng thông tin sai sự thật cách đây gần 3 năm cũng là một kinh nghiệm điển hình về cái gọi là “quá nhanh, quá nguy hiểm”.

Hoặc sự cố khiến chuỗi thương hiệu Con Cưng năm qua bị “tơi bời hoa lá”, mất 20% khách hàng, sau kết luận cuối cùng của Bộ Công thương hóa ra chỉ là “bé xé ra to”. Bình luận về sự kiện ấy, Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn đã cho rằng chính những phát ngôn, tuyên bố của một vài cán bộ, công chức thuộc lực lượng Quản lý Thị trường đã gây ra tâm lý mặc định doanh nghiệp vi phạm pháp luật.

Hay đang “gây sốt” hiện nay là thông tin “lấn sông” Hàn của dự án Marina Complex tại Đà Nẵng. Khi cơ quan chức năng tại đây vừa quyết định tạm dừng dự án để rà soát và tập hợp thêm ý kiến chuyên gia, thì cũng là lúc Marina Complex bắt đầu “được” nổi tiếng trên truyền thông theo một cách không hề mong đợi.

Ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty Thương mại Xây dựng Lê Thành (TPHCM) - cũng đồng tình cho rằng áp lực từ sự lan tràn thông tin - nhiều khi chưa được kiểm chứng - khiến các cơ quan chức năng có vẻ ngần ngại khi tham vấn cho cấp quản lý cao hơn về giải pháp xử lý vấn đề. “Nhiều  doanh nghiệp hội viên chúng tôi đang đề nghị Hiệp hội phải tổ chức thông tin rõ hơn cho báo chí. Cứ diễn ra như vậy hoài, cũng gián tiếp gây khó khăn cho doanh nghiệp”.

Áp lực lên công tác quản lý nhà nước, lên giới doanh nghiệp và cả người tiêu dùng như vậy, truyền thông liệu có vô can?

Ngọc Tấn

Top