Tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ những khó khắn, vướng mắc cho doanh nghiệp

25/07/2014 10:40 AM

Ngày 24-7, Tọa đàm với doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) về hoạt động xuất nhập khẩu do Bộ Công Thương Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TPHCM. Tọa đàm nhằm giải đáp ý kiến của các DN FDI về những khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất xuất nhập khẩu hàng hóa. Đến tham dự có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, cùng đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục Hải Quan…

 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh phát biểu tại buổi tọa đàm

 

Tại buổi tọa đàm, nhiều vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, thủ tục cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), chính sách thuế xuất khẩu, nhập khẩu, các thủ tục hải quan… đang làm khó các DN FDI đã được nêu ra. Điển  hình, việc áp dụng thuế nhà thầu chưa đúng của Cục Thuế TPHCM đối với Công ty TNHH Timatex Việt Nam (khu chế xuất Linh Trung, Quận Thủ Đức, TPHCM) đã gây ảnh hưởng đến việc nhập hàng sản xuất và hàng xuất khẩu bị ùn ứ nghiêm trọng và thiệt hại nghiêm trọng đối với doanh nghiệp này; hoặc đối với trường hợp của Công ty TNHH Samsung Vina (Tập đoàn Samsung) thì bị trục trặc khi áp dụng hệ thống hải quan điện tử VNACCS/VCIS. Nguyên nhân có lúc do lỗi của hải quan, có lúc do hệ thống điện tử cập nhật chậm và tình trạng này làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của công ty…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh (giữa) và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng Cục Hải Quan Việt Nam giải đáp ý kiến của các doanh nghiệp FDI.

 

Trả lời vướng mắc của Công ty TNHH Samsung Vina, ông Âu Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục giám sát quản lý về hải quan- Tổng cục Hải quan cho biết, Tổng cục Hải quan đã nhận được kiến nghị của Samsung Vina. Qua tra cứu trên hệ thống, công ty còn 18 tờ khai nợ thuế phạt chậm nộp thuế quá hạn, mặc dù số nợ thuế của từng  tờ khai không lớn, chỉ vài trăm ngàn đồng.

Tuy nhiên, hiện nay là tờ khai hải quan được xử lý trên hệ thống tập trung, nên hải quan địa phương không thể xử lý, giải quyết cho DN ngay được. Chỉ khi DN cung cấp hồ sơ chứng minh không còn nợ thuế, hải quan địa phương sẽ cập nhật vào hệ thống, Tổng cục Hải quan mới có thông tin để xử lý. Tuy nhiên, để khắc phục tình trạng này, Tổng cục Hải quan sẽ có chỉ đạo hướng dẫn cụ thể đối với từng trường hợp theo kiến nghị của DN.

 

Sản xuất hàng may mặt xuất khẩu tại Công ty TNHH Hansae Việt Nam, TPHCM.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định, tốc độ tăng trưởng bình khoảng 30%/năm, đóng góp của các DN FDI là rất lớn cho nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo nên thặng dư thương mại cân bằng cán cân thanh toán ổn định tỷ giá ngoại tệ và nâng cao dự trữ ngoại hối. Khối FDI ngày càng đóng vai trò tích cực trong sản xuất, xuất khẩu và góp phần tăng trưởng kinh tế.

Thứ trưởng cho biết sẽ ghi nhận ý kiến của các DN, đồng thời sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giải quyết các kiến nghị vượt thẩm quyền của bộ, ngành để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho DN.

Thứ trưởng khẳng định Chính phủ và Bộ Công Thương luôn ủng hộ các nhà đầu tư nước ngoài, cam kết đảm bảo môi trường đầu tư an toàn ổn định, thuận lợi để các nhà đầu tư yên tâm kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam, có đóng góp hiệu quả vào hoạt động kinh tế của đất nước nói chung và hoạt động xuất, nhập khẩu nói riêng.

Theo báo cáo tại buổi tọa đàm cho biết, từ năm 1988 (năm đầu tiên Luật Đầu tư nước ngoài có hiệu lực) đến nay, số lượng DN FDI tăng dần qua các năm. Vai trò của các DN FDI trong hoạt động xuất khẩu ngày càng lớn, thể hiện rõ trong vài năm gần đây qua con số tăng trưởng xuất khẩu, tỷ trọng hàng công nghiệp, sản phẩm công nghệ cao trong kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Nếu năm 1989, khối DN nước ngoài chỉ chiếm khoảng 10% kim ngạch xuất nhập khẩu thì đến 6 tháng đầu năm nay, con số đã tăng lên 67,5%.

Năm 2013 cả nước có 1.530 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn đăng ký 14,48 tỷ USD, tăng 66,8% so với cùng kỳ năm 2012. DN FDI đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 719 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 17,14 tỷ USD, chiếm 76,7% tổng số vốn đầu tư đăng ký.

Năm 2013 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt 132 tỷ USD tăng 15,4% so với năm 2012, trong đó đóng góp của các DN FDI chiếm đến 67%, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến. Các mặt hàng xuất khẩu dẫn đầu có sự góp mặt của các DN FDI như điện thoại máy vi tính, dệt may, giầy dép, máy móc thiết bị phụ tùng.

Trong 6 tháng đầu năm 2014 lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo đã thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với 326 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm 4,8 tỷ USD. 6 tháng đầu năm 2014 xuất khẩu cả nước ước đạt 70,88 tỷ USD, trong đó các DN FDI đóng góp 47,8 tỷ USD.

 

 

Thanh Mai 

Top