Tìm giải pháp chủ động nguồn nguyên vật liệu cho doanh nghiệp

03/06/2014 4:00 PM

(HCM CityWeb) Ngày 30-5, buổi gặp gỡ trao đổi chủ đề “Tìm giải pháp thay thề nguồn nguyên vật liệu trong ASEAN ” giữa các doanh nghiệp ở nhiều lĩnh vực dệt may, giày da, nhựa, cao su, linh kiện điện - điện tử đã diễn ra tại TPHCM nhằm tìm giải pháp chủ động nguồn cung nguyên vật liệu (NVL), tăng tỉ lệ nội địa hóa trong sản xuất.

Buổi gặp do Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM phối hợp cùng chuyên đề Nhịp Cầu Doanh Nghiệp - Bộ Công Thương và tập đoàn truyền thông Hoa Mặt Trời tổ chức. Nhiều đại diện Hiệp hội nước ngoài như Nhật Bản, Indonesia, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ… và doanh nghiệp trong nước đã cùng đến tham dự nhằm tìm kiếm giải pháp đa dạng nguồn NVL trong khối ASEAN , đồng thời có cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp châu Ấ.


Chương trình có sự góp mặt  của các đại diện doanh nghiệp: ông Hàng Vay Chi, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc KCN Việt Hương; Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam; ông Phạm Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

Thống kê cho thấy Việt Nam đang nhập siêu từ một số nước châu Á như Trung Quốc, Hàn Quốc... nhiều nguyên liệu trong các ngành dệt may, da giày. Theo Tổng cục Hải quan, 4 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập khẩu (NK) từ Trung Quốc hơn 12,45 tỷ USD (chiếm 28% tổng kim ngạch NK 4 tháng của cả nước). Trong đó, chiếm tới 2,3 tỷ USD là nhóm máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; 2 tỷ USD là nhóm NVL dệt may, da, giày; 1,29 triệu tấn sắt thép các loại…  
 
Từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn phải NK một lượng lớn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi. Theo đó, trong số 12,5 triệu tấn thức ăn chăn nuôi tiêu thụ mỗi năm thì lượng NK chiếm tới trên 70%, tương đương 9 triệu tấn. Thậm chí, hàng năm, NK nguyên liệu thức ăn chăn nuôi còn nhiều hơn giá trị kim ngạch xuất khẩu (XK) gạo. Theo thống kê của Cục chăn nuôi (Bộ NN& PTNT), hiện Việt Nam có  khoảng 240 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, trên 50% số lượng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi phải nhập từ nước ngoài như Mỹ, Ấn Độ, Argentina, Ukraina... 
 
Với ngành thủy sản, Việt Nam hiện đang là một trong 10 nước có giá trị thủy sản XK thủy sản hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, thủy sản Việt Nam luôn gặp phải tình trạng thiếu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là thủy sản khai thác và tôm nguyên liệu. Số liệu Hải quan cho thấy, đến nay Việt Nam đã NK nguyên liệu thủy sản từ trên 70 nước và vùng lãnh thổ, trong đó NK để sản xuất XK chiếm 70 – 85% giá trị NK.
 
Với phụ liệu dược phẩm, 5 nước cung cấp nguyên phụ liệu hàng đầu cho ngành được Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Áo, Tây Ban Nha và Thái Lan. Riêng 2 nước Trung Quốc và Ấn Độ đã chiếm gần 70% thị phần thị trường nguyên phụ liệu dược phẩm Việt Nam. Theo phân loại của WHO, công nghiệp dược của Việt Nam thuộc cấp độ 3: Có công nghiệp dược nội địa, có sản xuất thuốc generic và XK được một số dược phẩm. 
 
Việt Nam sẽ vẫn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu NK từ nhiều nước nếu không  phát triển nguyên phụ liệu trong nước. Trong lộ trình Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng như Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), đối tác sẽ yêu cầu DN Việt Nam có nguồn NVL nội địa nhất định. Các DN Việt Nam nếu chỉ nhập NVL và từ trước đến nay không chú ý nguồn trong nước sắp tới sẽ gặp nhiều khó khăn. 


Các doanh nghiệp trao đổi về khó khăn trong tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu

 
Theo chuyên gia kinh tế Lý Trường Chiến, doanh nghiệp Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn sau: Không khai thác được hay không khai thác kịp nguồn lực hiện tại do năng lực quản trị trong từng doanh nghiệp tại Việt Nam còn chưa hoàn thiện; chưa đầu tư chiến lược về NVL, đầu tư phát triển chuỗi cung ứng nguyên liệu trong nước;  Doanh nghiệp đôi khi đã nghe, đã nhớ nhưng không hiểu về việc chủ động nguồn NVL, không hành động cụ thể 
 
Hiện trạng thâm hụt thương mại đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có những giải pháp để chủ động hơn và giảm dần sự phụ thuộc về nguồn NVL. Ông Phạm Ngọc Hưng cho biết: “Doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động nguồn NVL từ nhiều nguồn như Lào, Campuchia, khối ASEAN… và đặc biệt cần nâng cho tỷ lệ nội địa hóa. Trong khó khăn về nguồn NVL nhập từ các thị trường lớn như Trung Quốc, doanh nghiệp cần tìm được cách nâng cao chất lượng hàng hóa Việt Nam và nâng tỷ trọng hàm lượng chất xám trong hàng xuất khẩu”.
 
Ông Hàng Vay Chi đề cập thêm giải pháp hỗ trợ nguồn vốn vay và đầu tư thêm các khu công nghiệp tập trung để có chính sách hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng nhằm phát triển nguồn NVL nội địa.
 
 
 
 
 
Thanh Thảo.
 
 
Top