Tỉnh táo trước những “Alibaba”

27/09/2019 12:43 PM

(Chinhphu.vn) - Trong những ngày qua, sự kiện 2 anh em ruột “lãnh đạo” công ty Alibaba bị khởi tố và bắt giam vì hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đã gây chú ý trên thị trường bất động sản nói riêng và dư luận nói chung.

Một buổi lễ mở bán đất dự án “bánh vẽ” của Alibaba tại Long Thành (Đồng Nai).

Cơ quan Công an xác định, công ty này hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi núp bóng dưới hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp (sử dụng đất nền trong dự án “ma” làm mồi nhử). Lực lượng chức năng đã tiến hành xác minh, xác định tất cả các “dự án” do Công ty Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như các đối tượng quảng cáo (không có và không thể có sản phẩm giao cho khách hàng như quảng cáo, giới thiệu cũng như nội dung hợp đồng đã ký kết).

Tính đến hết ngày 24/9, Công an TP Hồ Chí Minh đã tiếp nhận đơn của hơn 900 cá nhân tố giác Công ty Alibaba có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền bị chiếm đoạt khoảng hơn 500 tỷ đồng.

Theo đó, anh em Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh dùng hình thức mua đất nông nghiệp, đất ở vùng nông thôn với giá rẻ sau đó vẽ dự án và chia lô bán ra thị trường. Những người chủ mưu đã không dùng hình thức mua đứt bán đoạn mà họ bán cho người mua sau đó hứa hẹn với họ một khoản lãi suất lớn, cam kết mua lại với giá cao hơn tuy nhiên cũng kèm điều kiện khách hàng sẽ giao quyền kinh doanh trên diện tích đất này cho chính những người bán, là anh em Luyện, Lĩnh.

Chính mối lợi này đã đánh trúng vào lòng tham và tâm lý đầu cơ đất đai hưởng lợi của một bộ phận khá đông đảo dân chúng hiện nay. Họ bỏ tiền nhàn rỗi mua đất, dù không có nhu cầu sử dụng ngay mà chỉ để chờ lên giá và bán lại. Nói cách khác họ đang đầu cơ đất đai kiếm lời. Và “cái bánh vẽ” anh em Luyện đưa ra được tính toán kỹ càng đến mức người mua cảm thấy dù bất kỳ phương án nào cũng đều đem lại cho họ lợi nhuận.

Tuy nhiên nhưng chính điều này đã đi ngược lại bất cứ lý thuyết cũng như thực tế thị trường: không có bất cứ ngành nghề kinh doanh nào mà không có tỷ lệ rủi ro nhất định, lợi nhuận càng cao, tỷ lệ rủi ro càng lớn.

Với các hợp đồng kiểu này, anh em Luyện, Lĩnh chỉ phải bỏ ra một khoản tiền nhất định để trả lãi cho khách hàng nhưng lại có thể đem chính mảnh đất đó đi bán lại cho người khác cũng với thủ đoạn tương tự hứa hẹn và thuyết phục họ bằng một khoản tiền lãi lớn, thậm chí người mua sau còn phải mua với giá cao hơn vì giá đất đã cộng thêm phần lãi suất phải trả cho người mua trước. Và cứ thế một diện tích đất có thể được đem bán lại nhiều lần với mức giá ngày càng tăng, vòi bạch tuộc của công ty lừa đảo ngày càng dài ra mãi.

Nhưng cũng chính từ thủ đoạn này, người mua, cho dù phát hiện ra hành vi lừa đảo của anh em Thái Luyện họ cũng “im lặng” và chờ đợi những khách hàng khác tiếp tục mua đất hay đúng hơn là mắc lừa để anh em Thái Luyện lấy chính tiền của những khách hàng sau trả cho khách hàng trước. Điều đó đồng nghĩa những nạn nhân, ở góc độ nào đó - dù vô tình hay hữu ý, đã “đồng hành” cùng với Thái Luyện, “tạo điều kiện” giúp những kẻ lừa đảo này tiếp tục gây án với nạn nhân mới.

Việc “vận dụng” hình thức bán hàng đa cấp lừa đảo vào thị trường bất động sản chính là sự “sáng tạo” của anh em Luyện, Lĩnh. Hình thức bán hàng đa cấp lừa đảo đã tồn tại ngót 20 năm với các mặt hàng gia dụng giá trị thấp giờ đây được đưa vào thị trường bất động sản và nó huy động được số tiền khổng lồ về cho anh em Luyện, Lĩnh.

Những khách hàng bị đánh trúng lòng tham nên tích cực tham gia. Tuy nhiên một câu hỏi cũng được đặt ra cho chính quyền sở tại ở những nơi mà anh em Luyện, Lĩnh đã “kinh doanh”. Với diện tích đất nông nghiệp, đất ở nông thôn sau khi được những người này mua lại, để tạo lòng tin cho khách hàng về những “dự án” đã được phê duyệt, họ đã bỏ tiền san lấp, cải tạo và thậm chí xây dựng cơ sở hạ tầng. Chính sự phù phép trên thực địa này là căn cứ lớn nhất để tạo được lòng tin của những khách hàng. Tuy nhiên, phải chăng việc làm công khai đó đã không được chính quyền các địa phương phát hiện ngăn chặn kịp thời?

Ngoài vụ việc chính quyền thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa – Vũng Tàu) cưỡng chế và sau đó công ty Alibaba này chống đối lực lượng chức năng, vẫn còn gần 40 “dự án” khác của công ty này được tiến hành với thủ đoạn tương tự nhưng không vấp phải sự ngăn cản của cơ quan quản lý ở địa phương.

Tất cả những điều này đã tạo lý do và môi trường thuận lợi để công ty lừa đảo với nhiều chục dự án ma có thể tồn tại trong suốt 3 năm và số nạn nhân đã lên đến cả nghìn người... Để ngăn ngừa và tránh những vụ việc tương tự, điều rất cần thiết là tăng cường vai trò quản lý của những người có trách nhiệm ở địa phương, đồng thời mỗi người cần hết sức cảnh giác để tránh sa vào cái bẫy của sự thiếu tỉnh táo đi kèm lòng tham.

Quang Lê

Top