Tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em TPHCM được cải thiện đáng kể

01/08/2014 4:25 PM

Tại TPHCM, tình trạng suy dinh dưỡng (SDD) của trẻ em được cải thiện đáng kể. Tỉ lệ SDD thể nhẹ cân ở trẻ em dưới 5 tuổi đã giảm nhanh trong 25 năm qua, từ gần 50% vào đầu những năm 1990 xuống chỉ còn 4,1% vào năm 2013 (so với cả nước là 15,3%). Tỉ lệ SDD thấp còi từ hơn 50% vào đầu những năm 1990 đã giảm xuống chỉ còn 6,7% vào năm 2013 (so với cả nước là 25,9%). Tỉ lệ này tương đương với các nước phát triển.

 
 Toàn cảnh Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần 3

 

Tỉ lệ SDD ở trẻ em lứa tuổi học đường cũng đã giảm đáng kể ở tất cả các cấp học. Tỉ lệ SDD thấp còi đã giảm từ 8,1% (năm 2002) xuống còn 3,5% (năm 2009) ở học sinh tiểu học; từ 16% xuống còn 6,6% ở học sinh trung học cơ sở; và từ 19,5% giảm còn 10,7% ở học sinh trung học phổ thông. Tỉ lệ SDD thể nhẹ cân ở học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông giảm rất đáng kể, từ 24,8% xuống còn 7,7% (năm 2009).
Thông tin nói trên được đưa ra tại Hội nghị dinh dưỡng TPHCM mở rộng lần 3 với chủ đề “Dinh dưỡng trẻ em: Tiếp cận từ cộng đồng, trường học và bệnh viện”, do Trung tâm Dinh dưỡng TPHCM và Hội Dinh dưỡng Thực phẩm TPHCM phối hợp tổ chức ngày 01-8. Hội nghị có sự tham gia của khoảng 300 đại biểu là lãnh đạo Bộ Y tế, Viện Dinh dưỡng quốc gia, ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo TPHCM, các giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa đầu ngành về dinh dưỡng, chuyển hóa và nhi khoa đến từ Nhật Bản, Australia và Canada.
Bên cạnh các thành tựu dinh dưỡng đạt được, hiện nay TPHCM vẫn phải đối diện với các thách thức lớn về dinh dưỡng và sức khỏe của người dân. Quá trình đô thị hóa kéo theo sự gia tăng dân số cơ học, xu hướng già hóa dân số, sự thay đổi lối sống và thói quen ăn uống truyền thống, ảnh hưởng của thói quen tiêu thụ nhiều thức ăn nhanh, ít vận động dẫn đến nhiều nguy cơ về sức khỏe.
Các báo cáo tại hội nghị cho thấy xu hướng thừa cân béo phì, hội chứng chuyển hóa ở trẻ em trên toàn quốc, đặc biệt tại các thành phố lớn như TPHCM, đang gia tăng. Tại TPHCM, tỉ lệ thừa cân béo phì ở trẻ em dưới 5 tuổi đã gia tăng gấp 3 lần trong 10 năm qua, từ 3,7% năm 2000 lên 11,5% năm 2013; tỷ lệ thừa cân béo phì học sinh phổ thông tăng gấp đôi từ 11,6% năm 2002 lên 21,9% năm 2009.
Trong khi đó, tỉ lệ suy dinh dưỡng của bệnh nhi nội trú lại rất cao, đặc biệt là trẻ có các bệnh lý bẩm sinh, mạn tính như bệnh thận, bệnh tim bẩm sinh. Nguyên nhân chính của các rối loạn dinh dưỡng trên là chế độ ăn của trẻ em chưa cân đối, cách thức cho trẻ ăn chưa khoa học, ít vận động.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và thống nhất cần đầu tư hơn nữa cho lĩnh vực dinh dưỡng. Các giải pháp trọng tâm cần tập trung triển khai bao gồm: tăng cường hơn nữa công tác truyền thông giáo dục cung cấp kiến thức, xây dựng hành vi dinh dưỡng hợp lý là giải pháp nòng cốt để giải quyết tận gốc các vấn đề dinh dưỡng, chú ý đối tượng học sinh thông qua triển khai tốt Chương trình dinh dưỡng học đường; đầu tư nguồn lực cho hoạt động phòng chống thừa cân béo phì, phòng chống các bệnh không lây bên cạnh việc duy trì thành quả trong phòng chống SDD, thiếu vi chất…
 
Minh Thư
 
Top