Tới hạn phát triển, TPHCM cần “chiếc áo” mới

19/07/2018 12:19 PM

(Chinhphu.vn) - TPHCM khoảng hai thập kỷ qua, cho dù đã tạo ra gần 20% GDP và đóng góp khoảng 30% ngân sách quốc gia, nhưng thành phố chỉ được giữ lại khoảng 1/4 nguồn thu, tức chưa tới 7% GRDP của chính TPHCM, nghĩa là chỉ bằng khoảng 30% mức chi của Thượng Hải hay Hồng Kông (20% GRDP) và chỉ bằng một nửa Singapore.

Tăng giới hạn các nguồn lực cho TPHCM sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước.

Dấu hiệu đã tận dụng tối đa nguồn lực

Dù vẫn được xem là đầu tàu kinh tế cả nước nhưng theo nhận định chung của nhiều chuyên gia kinh tế thì TPHCM đã đạt quy mô ngưỡng tối ưu trong nhiều năm nhưng các yếu tố đầu vào, công nghệ, môi trường kinh doanh và cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng cho một siêu đô thị 13 triệu dân. Trong khi đó, các giải pháp liên kết vùng, mở rộng không gian và tái cấu trúc không gian hiện hữu chưa thực sự được đầu tư đầy đủ, còn cơ chế quản lý hành chính vẫn nặng về quy trình trực tiếp nên hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng.

Theo GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài từ Đại học Kinh tế TPHCM, đất đai cho sản xuất và dịch vụ đã tới hạn ở các khu trung tâm, gây tắc nghẽn về cơ sở hạ tầng; bố trí các khu hành chính và kinh doanh vẫn mang tính tập trung có độ nén cao. Ngoài ra, những nút thắt trong đầu tư lớn về cơ sở hạ tầng chưa tháo gỡ cũng góp phần khiến nhiều dự án bê trễ, chưa được kết nối hoàn chỉnh dẫn đến chi phí xã hội cho các giao dịch hàng hóa rất lớn. 

Năm 2017 vừa qua, số doanh nghiệp thành lập mới của TPHCM cũng chưa đạt mục tiêu (chỉ 41/60 nghìn doanh nghiệp), chủ yếu do không gian phát triển đang bị ngày càng nhỏ đi. Cho dù xu hướng của doanh nghiệp thời đại 4.0 không cần nhiều không gian nhưng vẫn phải có mặt bằng tối thiểu. Thế nhưng chi phí mặt bằng với nhiều doanh nghiệp SMEs là rất cao và sẽ còn tăng cao hơn nữa trong những năm sắp tới.

Và dấu hiệu khác được nhiều nhà kinh tế đồng thuận là Năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) - trong đó có cả công nghệ và thể chế - chưa có nhiều biến chuyển. Hiện TFP của TPHCM mới khoảng 35%, tức chỉ bằng mức trung bình cả nước dù thu nhập trung bình TPHCM cao hơn ít nhất là 2 lần so với thu nhập trung bình cả nước nhờ thuận lợi từ thị trường sẵn có.

Những trục trặc cơ bản

Đồng tình với quan điểm về TFP của TPHCM, GS.TS. Nguyễn Thị Cành thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế-Tài chính (Đại học Kinh tế-Luật, Đại học Quốc gia TPHCM) nêu phân tích cụ thể hơn cho thấy tăng trưởng kinh tế TPHCM vẫn dựa chủ yếu vào vốn và lao động. “TFP hiện nay như vậy là vẫn còn thấp và chưa bền vững. Trước đây đã có giai đoạn TFP của TPHCM cao hơn hiện nay”.

Đi sâu hơn vào các yếu tố đằng sau và góp phần tạo nên TFP, TS Huỳnh Thế Du từ Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng hiện phần lớn cơ chế chính sách của TPHCM vẫn được quyết định bởi Trung ương hay chính sách chung của cả nước.

Trong đó có cơ chế quan trọng là đánh giá và bổ nhiệm cán bộ theo nguyên tắc “không sai” chứ không phải theo “hiệu quả tổng thể”. Vì vậy, vô hình trung đã triệt tiêu phần lớn khả năng sáng tạo của đội ngũ quản lý nhà nước. “Phản ứng thường thấy của công chức là trình lên trên rồi chờ thay vì ‘dám’ tự nghĩ ra cách làm mới để giải quyết vấn đề phát sinh của thực tiễn công việc”, ông Du nhận xét.

Còn GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài nêu minh chứng cho thấy một Thành phố dẫn đầu về xếp hạng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin nhưng Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) lại thấp hơn nhiều địa phương khác là do con người chưa được đầu tư đúng mức để đảm bảo khâu thực thi hiệu quả hơn trên cơ sở hạ tầng hiện có. Trong khi đây lại là khâu đột phá cho việc nâng hạng PCI, cũng như cải thiện TFP.

Bên cạnh vấn đề về con người thì cơ chế phân bổ ngân sách hiện nay cũng là rào cản lớn cho sự cất cánh của TPHCM. Vị chuyên gia kinh tế phát triển của Đại học Fulbirght Việt Nam còn tin rằng nhiều quốc gia Châu Á trở nên phát triển như ngày nay nhờ đã dành nhiều nguồn lực giai đoạn đầu cho những vùng đô thị có tiềm lực mạnh, có thể tạo ra nhiều giá trị gia tăng và việc làm. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Singapore là những điển hình.

Riêng với TPHCM, khoảng hai thập kỷ qua, cho dù đã tạo ra gần 20% GDP và đóng góp khoảng 30% ngân sách quốc gia, nhưng đô thị này chỉ được giữ lại khoảng 1/4 nguồn thu, tức chưa tới 7% GRDP của chính TPHCM, nghĩa là chỉ bằng khoảng 30% mức chi của Thượng Hải hay Hong Kong (hiện đã là 20% GRDP) và chỉ bằng một nửa Singapore. Trong khi đó, chi ngân sách quốc gia bình quân của Việt Nam cùng thời kỳ lên đến 29% GDP, gấp hai lần Singapore, 1,5 lần Trung Quốc và Hong Kong. 

Tái cấu trúc đô thị - hạ tầng, tăng liên kết vùng

Giải pháp chung nhất được nhiều chuyên gia kinh tế đồng thuận là TPHCM cần tái cấu trúc tổng thể đô thị - hạ tầng, đồng thời tăng cường liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà TPHCM là hạt nhân.

Theo đó, GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài từ Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng ưu tiên hàng đầu là TPHCM cần liên kết và mở rộng không gian phát triển thông qua xây dựng các đô thị vệ tinh có hạ tầng kết nối với trung tâm; sắp xếp lại không gian sản xuất và kinh doanh trên địa bàn để giảm tải khi quá trình đô thị hóa và dân số cơ học tăng nhanh. Siêu đô thị cũng cần được nâng cao năng suất quản lý điều hành chung, mà trước hết là ứng dụng công nghệ thông tin “tận răng” trong các giao dịch giữa chính quyền với doanh nghiệp và người dân.

Một kiến giải khác được nhiều chuyên gia đồng loạt ủng hộ là tăng cường vai trò của TPHCM trong liên kết vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhóm các nhà nghiên cứu Đỗ Phú Trần Tình, Nguyễn Văn Nên, Châu Quốc An từ Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM cho rằng hiện tại mối liên kết này còn nhiều “lỏng lẻo”. Không chỉ thiếu cơ chế chính sách và hành lang pháp lý rõ ràng và có hiệu lực cao, bộ máy vận hành liên kết vùng cũng thiếu quyền năng.

Trong khi chịu áp lực hàng năm về chỉ tiêu kinh tế do HĐND tỉnh thông qua, lãnh đạo các tỉnh thành lại thiếu cơ sở để lý giải trước các cấp quản lý địa phương cũng như thuyết phục người dân về hiệu quả của liên kết vùng. Phân bổ ngân sách cũng chỉ mới đi từ trung ương xuống từng tỉnh thành, chứ chưa có cơ chế ngân sách cho vùng. “Do đó, các tỉnh mạnh ai nấy làm. Không tỉnh, thành nào có thể từ bỏ quyền lợi trước mắt của địa phương mình vì quyền lợi chung của cả vùng”, nghiên cứu của nhóm các nhà kinh tế từ ĐHQG TPHCM khẳng định.

Điều cần nhất lúc này là cần nghiên cứu đề xuất Quốc hội, Chính phủ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn quyết định của Thủ tướng để điều chỉnh hoạt động liên kết vùng. Trong đó, TPHCM không nên “ôm đồm” quá nhiều quá nhiều chức năng.

Có vẻ “chiếc áo” hiện tại cho đô thị TPHCM dưới góc nhìn của các nhà nghiên cứu kinh tế đã là “quá chật”, khiến cho đô thị này đang phải xếp “cuối bảng” tổng sắp 12 thành phố “đối thủ” ở Châu Á - những nơi vốn không có nhiều khác biệt với TPHCM về vị trí địa lý, diện tích, quy mô dân số cũng như lịch sử hình thành.

Phương Hiền

Top