Tổng biên tập NXB Trẻ: Không nên xem xuất bản như may mặc, giày da

18/07/2018 4:29 PM

(Chinhphu.vn) - Đó là phát biểu của ông Nguyễn Minh Nhựt, Tổng biên tập Nhà Xuất bản (NXB) Trẻ TPHCM tại buổi tọa đàm về lĩnh vực báo chí - xuất bản do Thành ủy TPHCM tổ chức mới đây.

Mặc dù số lượng đầu sách xuất bản nhiều, cơ hội tiếp cận với sách ngày càng tăng lên nhưng thói quen đọc sách được cho là đang bị mai một. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Theo người đứng đầu NXB Trẻ, với tầm vóc của mình, TPHCM phải nhận nhiệm vụ để làm những bộ sách lớn cho thành phố, cho vùng, cho miền và cho cả nước. Do đó, chiến lược sách của TPHCM trong thời gian tới cần thay đổi cả nội dung lẫn hình thức để xứng tầm với vị thế của thành phố.

Doanh thu ngành xuất bản TPHCM chiếm hơn 50% cả nước

TPHCM hiện có có 3 NXB là NXB Tổng hợp TPHCM, NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM và NXB Trẻ trên tổng số 59 NXB của cả nước. Chiếm 5% về mặt số lượng so với hệ thống xuất bản cả nước nhưng nếu lấy doanh thu của 2017, các NXB tại TPHCM đã đạt doanh thu 155 tỷ đồng/300 tỷ đồng của khối xuất bản cả nước (hơn 50%). Điều này cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực này tại TPHCM trong thời gian qua.

Ông Nguyễn Minh Nhựt, Tổng biên tập NXB Trẻ cho biết, TPHCM có đủ tiềm lực và cần thiết phải xây dựng và triển khai một chiến lược sách quy mô hơn về mọi mặt, và không chỉ tập trung vào số lượng các đầu sách mà nội dung chiến lược sách này cần hoạch định rõ kế hoạch phát triển ngành xuất bản TPHCM trong 5 năm, 10 năm và dài hơn thế nữa.

Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa có những chính sách tương xứng với vai trò của ngành xuất bản, giúp ngành này phát triển thì trên thực tế vẫn còn những quy định gây khó khăn. Cụ thể như quy định tại Nghị định 91 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, toàn bộ lợi nhuận còn lại không được đưa vào vốn để phát triển NXB mà phải trả về cho ngân sách địa phương.

Theo ông Nguyễn Minh Nhựt, nếu coi vai trò của ngành xuất bản là “đại bác” trên mặt trận tư tưởng, văn hóa thì không nên xếp loại doanh nghiệp xuất bản như những doanh nghiệp ngành giày da, may mặc, chỉ quan tâm đến lợi nhuận, làm sao để doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Và khẳng định vai trò của ngành xuất bản là góp phần phát triển, định hưởng tư tưởng và văn hóa, Tổng biên tập NXB Trẻ cho rằng muốn ngành này làm tốt nhiệm vụ thì không nên để các đơn vị này phải cạnh tranh, phải đem lại lợi nhuận như các doanh nghiệp kinh tế đơn thuần mà cần phải có cơ chế đặc thù, đầu tư cho ngành này.

TPHCM cần có một giải thưởng về sách cho thiếu nhi

Bà Quách Thu Nguyệt, Phó Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM cũng cho hay, muốn phát triển ngành xuất bản, trước hết phải quan tâm đến việc làm sao hình thành, duy trì và phát triển thói quen đọc trong cộng đồng. Mà xuất phát điểm quan trọng nhất là hình thành thói quen đọc cho đối tượng thiếu nhi.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong khi các NXB trên thế giới đầu tư rất nhiều cho mảng sách thiếu nhi, thì ở Việt Nam, đây vẫn là lĩnh vực chưa được làm “đến nơi đến chốn”.

Hiện sách dành cho thiếu nhi được cho là chưa tương xứng và chiếm chủ yếu là sách nước ngoài, rất ít sách của tác giả trong nước. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Hiện trung bình mỗi năm cả nước có hơn 30 ngàn tựa sách mới với trên 300 ngàn triệu bản in. Thế nhưng sách thiếu nhi chỉ chiếm tỷ trọng 16,6% toàn ngành, và cả nước chỉ có 15 NXB có làm sách cho thiếu nhi.

Trong khi đó, thống kê dân số cho thấy Việt Nam có khoảng 95 triệu người, trẻ dưới 15 tuổi gần 24 triệu, chiếm 25,2% dân số. “Như vậy, số sách hiện có của chúng ta đã thực sự đủ để đáp ứng nhu cầu đọc và phát triển tri thức cho ¼ dân số chưa? Theo tôi là chưa. Vì vậy tôi đề xuất ý tưởng TPHCM hãy tổ chức một giải thưởng lớn chuyên về lĩnh vực sách thiếu nhi. Nhiều quốc gia trên thế giới đã làm điều này và họ đã thành công. Nếu có một giải thưởng quy mô như vậy sẽ kích thích rất nhiều người đầu tư làm sách cho thiếu nhi, những quyển sách thực sự chất lượng, giá trị và đẹp. Khi đó, việc phát triển văn hóa đọc trong thiếu nhi và cộng đồng sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, bà Quách Thu Nguyệt lý giải.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Minh Nhựt cho rằng thời gian tới, TPHCM cần tập trung đầu tư nhiều hơn cho sách thiếu nhi: “Cả nước có 95 triệu dân, một ngàn hội viên Hội Nhà văn Việt Nam mà không có nhiều người chuyên viết sách cho thiếu nhi Việt Nam, theo quan điểm cá nhân tôi đó là bi kịch. Và không chỉ dừng lại ở giải thưởng sách cho thiếu nhi mà còn phải tập trung đầu tư một chiến lược hẳn hoi để làm sách cho thiếu nhi. Hiện tại chúng ta đang chuộng sách nhập nhưng các nước người ta làm sách cho thiếu nhi người ta chứ không làm sách cho trẻ con Việt. Những quyển sách đó sẽ có kiến thức nhưng không có tâm hồn Việt”.

Bên cạnh đó, hiện nay sách thiếu nhi trên cả nước vẫn đang được in theo chuẩn của người lớn với hàm lượng chì rất cao. Việt Nam có gần 100 triệu dân nhưng chưa có một chiến lược riêng dành cho sách thiếu nhi của mình thì đó là điều chưa tương xứng với sự phát triển chung.

Ngoài ra, việc đẩy mạnh đầu tư phát triển sách cho thế hệ trẻ thôi chưa đủ mà TPHCM còn cần phải tập trung xây dựng, hoàn thiện các giải pháp hình thành và phát triển thói quen đọc sách cho thiếu nhi và cộng đồng. Cùng với việc khuyến khích các gia đình phát triển “Tủ sách gia đình”, thành phố cần tìm cách phát huy vai trò của thư viện trường học và thư viện cộng đồng.

Đặc biệt, cần tiếp tục tạo điều kiện cho những thiết chế xã hội làm sách hay phát triển, để giới trẻ được đọc sách hay do chính người Việt sáng tác. Nếu được, hãy biến TPHCM thành thành phố đặc thù về sách với sự xuất hiện ngày càng nhiều các trạm sách, đường sách, công viên sách để người dân luôn có không gian phù hợp cho việc phát triển tri thức, văn hóa đọc.

Gia Mỹ

Top