TP Hồ Chí Minh: Hạt nhân kết nối liên vùng

08/02/2016 7:20 PM

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, nhiều công trình giao thông trọng điểm được xây dựng và đưa vào khai thác trên địa bàn TPHCM và khu vực phía Nam đã giúp tăng kết nối giao thông liên vùng; tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó TPHCM giữ vai trò hạt nhân liên kết.

Cầu Rạch Miễu giúp phương tiện di chuyển từ TPHCM về Bến Tre dễ dàng hơn. Ảnh: VGP/Nam Đàn

Thêm cầu, bớt phà

Về giao thông đường bộ, hiện TPHCM có 2 tuyến cao tốc đã hoàn thành, đưa vào khai thác là TPHCM – Long Thành – Dầu Giây (gọi tắt là cao tốc Long Thành), TPHCM – Trung Lương (gọi tắt là cao tốc Trung Lương) và 1 tuyến đang xây dựng là Bến Lức – Long Thành. 

Cao tốc Trung Lương đi qua địa bàn TPHCM, Long An và Tiền Giang, là trục đường kết nối thành phố về các tỉnh miền Tây. Đưa vào khai thác từ năm 2010, tuyến cao tốc này đã đáp ứng hàng triệu lượt phương tiện cũng như rút ngắn quãng đường và thời gian đi lại, vận chuyển từ TPHCM qua Long An, Tiền Giang để vào sâu hơn đồng bằng sông Cửu Long và ngược lại. 

Trong khi đó, sau khi thông xe toàn tuyến 55km (8/2/2015) cao tốc Long Thành, lượng xe lưu thông trung bình hiện nay vượt hơn 28.000 lượt xe ngày/đêm. Tổng lưu lượng xe cả năm 2015 đạt hơn 9,6 triệu lượt xe, mức phí thu đạt hơn 615 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Công ty CP Dịch vụ kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VECE): Quãng đường từ TPHCM đi Long Thành, Đồng Nai dài khoảng 45km, thời gian lưu thông trước đây mất khoảng 60 phút thì nay rút ngắn xuống còn khoảng 22km với khoảng 20 phút. Tương tự, chặng TPHCM - Vũng Tàu dài khoảng 120km, thời gian lưu thông mất hơn 2,5 giờ, nhưng hiện nếu đi cao tốc Long Thành sẽ rút ngắn khoảng cách xuống còn khoảng 95km với thời gian lưu thông khoảng 1 giờ 30 phút. Cùng với đó, tuyến TPHCM đi Ngã ba Dầu Giây (giao Quốc lộ 1A - hướng ra phía Bắc và hướng đi Liên Khương - khu vực Tây Nguyên) đi theo lộ trình cũ hiện nay dài khoảng 70km, thời gian lưu thông mất 3 giờ do thường xuyên ùn tắc; còn nay đi cao tốc Long Thành sẽ rút ngắn được 20km, thời gian chỉ còn 1 giờ, đồng thời tiết kiệm được 20% - 30% chi phí vận tải.

Tuyến cao tốc này còn tạo điều kiện để các doanh nghiệp vận tải tăng cường khả năng quay vòng xe, thúc đẩy giao thương giữa TPHCM với các tỉnh lân cận đặc biệt là hàng hóa từ cảng Cát Lái (quận 2) đến các khu công nghiệp ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch (Đồng Nai), cũng như vận chuyển hành khách từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TPHCM đến các địa danh du lịch như Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt.

Theo đánh giá của các đơn vị làm du lịch, tốc độ tăng trưởng du lịch của TPHCM và các tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu đã tăng lên nhanh chóng. Lượng xe lưu thông qua đường cao tốc đến Vũng Tàu vào các tháng hè và các ngày cuối tuần trong năm tăng cao. Cao điểm, vào một số ngày lễ và thứ 7, lượng xe lưu thông trên đường cao tốc lên tới hơn 30.000 lượt xe/ngày/đêm.

Vào cuối tháng 8/2015 vừa qua, một sự kiện đáng nhớ đối với người dân khu vực đồng bằng sông Cửu Long, đó là việc thông cầu Mỹ Lợi qua sông Vàm Cỏ, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Long An trên tuyến Quốc lộ (QL) 50.

Việc thông cầu Mỹ Lợi giúp các tỉnh miền Tây đến trung tâm TP Mỹ Tho (Tiền Giang) đi TPHCM, ngoài 2 tuyến đường chính trước nay là QL 1 và cao tốc TPHCM - Trung Lương còn có thể đi theo QL 50, qua cầu Mỹ Lợi và đi tiếp theo QL lộ 50 qua địa phận tỉnh Long An (khoảng 25 km) để vào TPHCM (rút ngắn khoảng 50km). Ông Nguyễn Văn Thể, Bí thư tỉnh ủy Sóc Trăng, nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho rằng, cầu Mỹ Lợi là công trình rất quan trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long, tạo thêm 1 trục đường để phá thế độc đạo của QL 1.

Trước đó, vào ngày 6/5/2015, cầu Cổ Chiên cũng được khánh thành, rút ngắn hành trình 70 km từ TPHCM đi Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng.

Như vậy, đến nay cùng với cầu Mỹ Lợi và Cổ Chiên, có 7 cây cầu giúp đồng bằng sông Cửu Long phá vỡ thế “cô lập”, tăng kết nối vùng đồng bằng sông Cửu Long với trung tâm TPHCM bằng đường bộ, gồm cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ, Cầu Rạch Miễu, cầu Hàm Luông, cầu Năm Căn, cầu Vàm Cống (dự kiến hoàn thành năm 2017), cầu Cao Lãnh (dự kiến hoàn thành trong năm 2017).

Một cây cầu lớn khác đang được xây dựng là cầu Đại Ngãi trên QL 60, nối hai tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng. Dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Ngoài ra, cầu Đại Ngãi còn đáp ứng nhu cầu giao thông tăng cao khi các khu kinh tế Định An, khu công nghiệp Trần Đề, Đại Ngãi, An Nghiệp… đi vào hoạt động.

Bộ Giao thông Vận tải cũng mới khởi công xây dựng tuyến đường Lộ Tẻ - Rạch Sỏi trên địa phận thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang với tổng chiều dài 53,3 km. Đây là tuyến đường chính đóng vai trò quan trọng trong mạng lưới đường bộ của vùng đồng bằng sông Cửu Long, kết nối giữa TPHCM với các tỉnh khác của Tứ giác Long Xuyên. Trong tương lai, dự án sẽ trở thành tuyến trục dọc thứ hai giảm tải cho Quốc lộ 1A từ TPHCM,

Hàng không nhộn nhịp 

Hạ tầng giao thông đường bộ giúp kết nối mạnh mẽ giữa TPHCM với các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Nhưng không kém phần quan trọng, ngành hàng không cũng đảm nhận kết nối thành phố với các các tỉnh thành trong nước và thế giới.

Theo Tổng Công ty Hàng không Việt Nam, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam qua cửa ngõ là TPHCM hiện chiếm 46% tổng lượng hành khách toàn quốc.

Cảng HKQT Tân Sơn Nhất hiện là cảng hàng không nhộn nhịp nhất cả nước. Sân bay Tân Sơn Nhất đang có số lượng hạ cất cánh đạt 400 chuyến/ngày.

Năm 2015, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đón lượt khách thứ 25 triệu, tăng 4 triệu hành khách so với năm 2014. Cũng trong năm 2015, sân bay Tân Sơn Nhất đã thực hiện an toàn, hiệu quả 600.000 chuyến bay, vượt 18% so với năm 2014, đem về thu 3.669 tỷ đồng (vượt 21%).

Hiện nay, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có 4 hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jestar Pacific và Vasaco) đang khai thác các đường bay trong, ngoài nước và 43 hãng hàng không quốc tế hoạt động.

Theo lịch bay mùa hè năm 2015, Cảng HKQT Tân Sơn Nhất có các chuyến bay thẳng thường xuyên đến 18 sân bay trong nước và 24 sân bay quốc tế.

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, một số hãng hàng không nội địa khác đã mở nhiều chuyến bay mới từ TPHCM đến các địa phương như Thanh Hóa, Tuy Hòa (Phú Yên), Pleiku (Gia Lai), Quy Nhơn (Bình Định), Đồng Hới (Quảng Bình), Chu Lai (Quảng Nam)… Nhờ vậy, không những giao thông đi lại của người dân thành phố đến các địa phương và ngược lại trở nên dễ dàng, cơ hội giao thương, trao đổi kinh tế văn hóa cũng trở nên nhộn nhịp, đa dạng. Trong đó, TPHCM vừa là cửa ngõ vừa là hạt nhân của liên kết vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Mới đây Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết Cảng HKQT Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, trong đó tăng diện tích sử dụng đất lên 8ha nhằm xây dựng CHKQT cấp 4E với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1 triệu tấn hàng hóa/năm, tổng số vị trị đỗ tàu bay đạt 82 vị trí.

Vốn đầu tư hạ tầng giao thông chiếm 22% cả nước

Theo Bộ Giao thông vận tải, từ năm 2010 đến nay, có nhiều dự án quan trọng khu vực phía Nam đã hoàn thành như cầu Cần Thơ, Hàm Luông, cao tốc TPHCM – Trung Lương, mở rộng Quốc lộ 1 (Mỹ Thuận – Cần Thơ), nâng cấp các QL50, 60, 53, 54, 57, 63, đường Nam Sông Hậu, sân bay Cần Thơ, Phú Quốc… với tổng mức đầu tư khoảng 37.000 tỷ đồng. 

Giai đoạn 2011 – 2015, cũng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ Giao thông vận tải cũng đã triển khai 53 dự án khác với tổng mức đầu tư 103.311 tỷ đồng, chiếm 22% tổng kinh phí đầu tư hạ tầng của cả nước. Tiêu biểu như cầu Mỹ Lợi, Cổ Chiên, đường hành lang ven biển phía Nam (giai đoạn 1), cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi…

Trong giai đoạn 2016 – 2020, đối với lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục kêu gọi, huy động vốn để đầu tư các công trình trọng điểm như cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ, cầu Đại Ngãi, tuyến đường tránh Long Xuyên, đường hành lang ven biển giai đoạn 2…

Về lĩnh vực hàng không, nâng cấp cơ sợ hạ tầng Cảng hàng không Quốc tế Cần Thơ, Phú Quốc, Cảng Hàng không Cà Mau, Rạch Giá. Tổng nhu cầu vốn để huy động đầu tư các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 – 2020 theo Quyết định số 11/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là 87.000 tỷ đồng (không bao gồm các dự án đang triển khai).

Nam Đàn

Top