TPHCM chuẩn bị gì để học sinh trở lại trường?

27/02/2020 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm hiện tại, nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM đã có sự chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng các phương án nhằm đảm bảo cao nhất sự an toàn của học sinh, sinh viên trong mùa dịch. Đề xuất cho học sinh lớp 9 và 12 đi học lại từ ngày 2/3

Các trường đang chuẩn bị nhiều biện pháp an toàn để đón học sinh trở lại sau mùa dịch. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Không chủ quan với dịch bệnh

Tại cuộc họp về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 của UBND TPHCM vào chiều muộn ngày 25/2, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã đề xuất lộ trình đi học trở lại cho học sinh các cấp. Lộ trình cho học sinh quay lại trường học mà Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đề xuất với UBND Thành phố đa phần ưu tiên cho các khối lớp 9 và 12 nhưng chỉ học một buổi để xem xét tình hình dịch bệnh. Riêng bậc mầm non, tiểu học và khối lớp 6, 7, 8, 10, 11 vẫn kéo dài thời gian nghỉ đến hết ngày 15/3 và tiếp tục đợi các thông báo kế tiếp tùy theo tình hình.

Như vậy, nếu đề xuất này được thông qua, hơn 170.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 tại thành phố sẽ đi học trở lại vào ngày 2/3.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong vẫn lo lắng khi nói đến thời điểm hơn 2 triệu học sinh, sinh viên tại thành phố phải đến trường trong giai đoạn hiện nay. Do vậy, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong vẫn lưu ý các địa phương luôn tuân thủ chặt chẽ các quy trình phòng chống dịch bệnh SARS-CoV-2, chuẩn bị đầy đủ các phương án dự phòng, kể cả kế hoạch cho tình xuống xấu nhất để không bị động.

Ông Phong cũng lưu ý đến việc chuẩn bị lượng khẩu trang lớn cho học sinh khi trở lại trường học để đảm bảo an toàn. TPHCM đang chuẩn bị những điều kiện tốt nhất có thể nhằm kiểm soát được tình hình dịch bệnh tại các cơ sở giáo dục khi học sinh quay trở lại trường.

Về phía ngành giáo dục, các trường học trên địa bàn được yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các phương án nhằm nâng cao tính an toàn cho học sinh.

Theo ông Phạm Phương Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hữu Huân ở quận Thủ Đức, mặc dù vẫn trong thời gian nghỉ học tránh dịch nhưng nhà trường vẫn đảm bảo khâu khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh bàn ghế, lớp học thường xuyên. Hiện nhà trường vẫn duy trì tốt các kênh kết nối, tương tác với học sinh để nắm tình hình sức khỏe, nhu cầu ôn tập kiến thức của các em. Bên cạnh đó, trường còn giao giáo viên các lớp chủ động làm công tác tư tưởng cho phụ huynh trong điều kiện học sinh quay trở lại lớp theo quy định của ngành nhằm tránh trường hợp tự ý nghỉ học ảnh hưởng đến tiến độ chương trình.

“Khâu đảm bảo an toàn, vệ sinh cho học sinh luôn đặt lên hàng đầu. Vậy nên, bên cạnh việc thực hiện các hướng dẫn cụ thể của ngành, chúng tôi mong rằng khi học sinh quay trở lại trường sau kỳ nghỉ dài, thành phố sẽ hỗ trợ thêm lực lượng chuyên về lĩnh vực y tế để các trường quan sát kỹ tình trạng của các em. Giáo viên thì chuyên môn chính vẫn là đứng lớp giảng dạy, nếu yêu cầu các thầy cô phải theo dõi tình hình dịch bệnh của học sinh trong lớp thì rất khó hiệu quả”, ông Phạm Phương Bình đề xuất.

Trước đó, ngay sau khi thông tin dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM đã có văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn thống kê danh sách cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh, sinh viên, học viên đi qua hoặc có người thân đi qua Trung Quốc, Hàn Quốc và các vùng (tỉnh, thành hoặc quốc gia) có dịch COVID-19 về phòng Giáo dục - Đào tạo quận, huyện. Ngoài ra, văn bản cũng đề nghị các trường hợp trong danh sách phải được các nhà trường tổ chức giám sát, rà soát, cập nhật thường xuyên (về các vùng, các quốc gia có dịch và những trường hợp đã hết thời gian theo dõi, cách ly).

Hàng ngày, các phòng Giáo dục - Đào tạo quận, huyện có trách nhiệm cập nhật số liệu mới bằng hình thức trực tuyến đến Sở Giáo dục - Đào tạo Thành phố. Hiện các trường đang nghiêm túc thực hiện chỉ đạo này.

Cùng với việc tăng cường rà soát, ngành Giáo dục - Đào tạo TPHCM cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục chủ động trang bị nhiều dụng cụ hỗ trợ phòng dịch SARS-CoV-2, kiểm tra sức khỏe bước đầu khi học sinh, sinh viên quay trở lại trường.

Trang bị 16 máy đo thân nhiệt, bố trí hàng loạt bồn rửa tay “dã chiến” từ cổng đến khu vực học tập, nghiên cứu của sinh viên, tiến hành đo thân nhiệt mỗi ngày tại khu vực cổng vào, phát triển các kênh tuyên truyền về cách phòng chống dịch là cách mà Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đang làm nhằm nâng cao ý thức phòng dịch trong người học. Tại các nhà vệ sinh, thang máy đều có sẵn nước rửa tay, các hướng dẫn cụ thể để sinh viên chấp hành nghiêm.

Ban giám hiệu Trường THPT Nguyễn Du cũng chuẩn bị sẵn 10 máy đo thân nhiệt và liên tục làm vệ sinh các khu vực học tập, ăn uống, thể thao của học sinh. Nước rửa tay sát khuẩn được bố trí khắp nơi, một lượng khẩu trang y tế đã được chuẩn bị sẵn cho học sinh sử dụng khi trở lại trường sau đợt nghỉ dài. Nhà trường còn bố trí một khu vực cách ly, khu vực dự phòng và lên phương án xử lý nếu phát hiện trường hợp học sinh, giáo viên nghi nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trong giai đoạn này, nhiều cơ sở giáo dục tại thành phố cũng chủ động làm khẩu trang giấy, nước rửa tay sát khuẩn tặng miễn phí và thực hiện các clip tuyên truyền phòng dịch với mong muốn góp phần đẩy lùi dịch bệnh, mang lại sự an tâm cho người học.

Nhiều phương pháp ôn tập

Cùng với công tác rà soát, chuẩn bị các điều kiện phòng dịch cần thiết cho hệ thống trường học các cấp, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM còn triển khai nhiều biện pháp củng cố kiến thức cho học sinh cuối cấp.

Cụ thể, Sở phối hợp với Đài Truyền hình Thành phố vừa triển khai kênh ôn tập kiến thức cho học sinh trên kênh HTV Key. Theo đó, các chương trình ôn tập Toán học, Ngữ văn, Tiếng Anh cho học sinh lớp 9 và Toán học, Vật lý, Hóa học cho học sinh lớp 12 sẽ được phát sóng trên HTV vào các khung giờ cố định hai buổi sáng chiều từ ngày 24/2. Nguồn giáo viên hướng dẫn các chương trình được chọn lựa kỹ càng nhằm mang lại chất lượng bài giảng tốt nhất.

Thầy Phạm Thu Thùng đang dạy học online cho học sinh bằng phương pháp live stream qua điện thoại. Ảnh: VGP/Gia Mỹ

Ngành Giáo dục - Đào tạo TPHCM cũng đã gửi thông báo yêu cầu các trường THCS, THPT trên địa bàn hướng dẫn học sinh tổ chức ôn tập để không quên kiến thức trong thời gian nghỉ học phòng dịch do virus SARS-CoV-2 gây ra.

Ngay khi tiếp nhận thông tin, ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du ở quận 10 liền gửi lịch ôn tập trên sóng truyền hình vào các nhóm giáo viên chủ nhiệm các khối lớp. “Khi đó, giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm thông tin cụ thể đến học sinh, phụ huynh cách thức, giờ giấc ôn tập. Tôi thấy cách làm này của ngành Giáo dục - Đào tạo TPHCM rất kịp thời vì giáo viên đứng giảng toàn là các thầy cô tay nghề cao và chương trình thiết kế rất hay, phương pháp tốt, rất cần thiết cho các em học sinh”, ông Phú cho biết.

Không đợi đến khi Sở Giáo dục - Đào tạo thiết kế chương trình ôn tập trên sóng truyền hình, từ sau tết nguyên đán, nhiều trường phổ thông tại TPHCM đã chủ động triển khai chương trình ôn tập kiến thức, tương tác trực tuyến với học sinh.

Thầy Phạm Thư Tùng, giáo viên bộ môn Vật lý Trường THPT Ernest Thalmann (Ten-lơ-man) ở quận 1 nhiều tuần nay đã hướng dẫn ôn tập, ra bài tập về nhà và chỉnh sửa bài tập trực tuyến cho học sinh thông qua nhiều phần mềm, kênh kết nối khác nhau. “Tôi tạo các nhóm cán sự lớp thông qua mạng xã hội facebook và phân công nhiệm vụ cụ thể đến các lớp trưởng. Các bài giảng chủ yếu ôn tập kiến thức cũ và giải đáp những thắc mắc của người học, chủ yếu giúp các em học sinh không quên bài vở trong kỳ nghỉ quá dài. Mỗi ngày tôi livestream để ôn tập, hướng dẫn kiến thức cho học sinh. Dạy trực tuyến như vậy đòi hỏi giáo viên phải làm việc rất nhiều nhưng bù lại học sinh được tương tác liên tục nên chúng tôi cũng đỡ lo. Tại trường tôi nhiều giáo viên cũng chủ động thiết kế các bài giảng trực tuyến khác nhau nhằm tạo hứng khởi cho học sinh”, thầy Tùng cho hay.

Còn tại Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, việc giảng dạy trực tuyến cho 22.000 sinh viên được yêu cầu gắt gao suốt thời gian nghỉ học tránh dịch bệnh SARS-CoV-2. PGS. TS. Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết trường sử dụng các phần mềm EMS hiện đại để nắm rõ lịch hoạt động, tương tác và giảng dạy của giáo viên với sinh viên. Đến nay, 100% giáo viên đã đăng tải các bài giảng trực tuyến lên các kênh quy định và thường xuyên ra bài tập cho sinh viên. Việc điểm danh sinh viên tại các lớp trực tuyến cũng được tiến hành nghiêm túc nhằm đảm bảo cao nhất chất lượng các lớp học trong mùa dịch. Nhà trường luôn theo dõi, kịp thời điều chỉnh những giáo viên làm bài giảng theo kiểu đối phó, ảnh hưởng đến tiến độ ôn tập, tiếp thu kiến thức mới của sinh viên.

Gia Mỹ

Top