TPHCM có 8.203 điểm bán hàng bình ổn

04/06/2014 2:35 PM

Theo Sở Công thương, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện chương trình bình ổn thị trường, đến nay toàn TP đã phát triển được 8.203 điểm bán. Trong đó có 3.485 điểm bán hàng lương thực thực phẩm thiết yếu; 769 điểm bán hàng bình ổn mùa khai trường; 1.193 điểm bán mặt hàng bình ổn sữa, 2.756 điểm bán thuốc bình ổn.

 

Một trong những nhiệm vụ quan trọng trong việc triển khai thực hiện các chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) năm 2014 tại TPHCM là tập trung phát triển mạnh điểm bán, đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng.
Theo nhận định của Sở Công thương, mặc dù mạng lưới bán hàng bình ổn phát triển nhanh, rộng khắp trên địa bàn 24 quận, huyện nhưng việc phát triển điểm bán hàng bình ổn vào các chợ truyền thống còn gặp nhiều khó khăn do hàng bình ổn được các tiểu thương nhận bán theo ngành hàng, từng mặt hàng riêng lẻ, ít điểm bán tập trung đầy đủ các nhóm mặt hàng. Do chiết khấu thấp, giá bán hàng bình ổn luôn thấp hơn thị trường từ 5% - 10% nên tiểu thương vẫn còn tâm lý vì lợi nhuận thấp, ngán ngại bán hàng bình ổn, khi có biến động giá thường vi phạm các quy định của chương trình. Mặt khác, các cửa hàng Co.op liên kết Hội Liên hiệp Phụ nữ, Cửa hàng Thanh niên trong năm qua đã có nhiều cố gắng phát triển các điểm bán mới ở khu vực ngoại thành nhưng hàng hóa tại các cửa hàng này chưa phong phú, đa dạng, cách trưng bày chưa đẹp mắt…
Để khắc phục các nhược điểm này, TP tiếp tục tập trung phát triển hệ thống phân phối siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi và các điểm bán hàng bình ổn, gắn kết với hệ thống chính trị để cùng triển khai thực hiện. Mục tiêu năm 2014, TP sẽ xây dựng các chuỗi cửa hàng cung ứng sản phẩm sạch, đạt tiêu chuẩn VietGAP, HACCP; khuyến khích các DN đầu tư phát triển tại các quận ven và huyện ngoại thành, KCX-KCN, tăng tần suất bán hàng lưu động… Sở Công thương đề xuất với UBND TP tiếp tục rà soát các mặt bằng, các chợ chưa sử dụng hết công năng, từ đó tạo điều kiện, bố trí cho các DN phát triển điểm bán mới. Đối với các cửa hàng bình ổn hiện hữu, cần được nâng cấp, đồng thời tổ chức các lớp tập huấn về cách trưng bày hàng hóa, cách bán hàng để thu hút người mua…
Trong năm 2014, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), phát triển thêm 10 siêu thị, trung tâm thương mại, 20 cửa hàng thực phẩm. Ngoài ra, Saigon Co.op cũng sẽ mở thêm 8 siêu thị Co.opMart, vốn đầu tư từ 60 - 80 tỷ đồng/siêu thị, tại Hà Nội, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Pleiku và TPHCM, nâng tổng số siêu thị Co.opMart lên 76 siêu thị, đồng thời mở thêm 20 cửa hàng thực phẩm Co.op Food tại TPHCM.
Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (Satra) sẽ sửa chữa, cải tạo phát triển thêm 13 cửa hàng Satrafood để hoàn thành kế hoạch phát triển chuỗi 50 cửa hàng Satrafood trong năm 2015; chuyển đổi 1.000 đại lý thành 100 nhà phân phối đắc lực. Vissan đã đầu tư 100 tỷ đồng để nâng cấp, huấn luyện nhân lực nhằm giúp những nhà phân phối này chủ động chào hàng đến các đại lý.
 
Sở Công thương tăng cường sự liên kết thúc đẩy phát triển mạnh mẽ chương trình hợp tác thương mại giữa TPHCM với các tỉnh, thành nhằm thực hiện có hiệu quả các đề án chương trình mang tính chiến lược dài hạn tạo nguồn hàng cho TP; áp dụng các chính sách hỗ trợ cho DN nâng cao năng lực đầu tư mở rộng sản xuất, chăn nuôi, tiêu thụ sản phẩm ổn định khu vực và hướng đến xuất khẩu.
 
 
NS.
Top