TPHCM có bao nhiêu bến thủy nội địa hoạt động không giấy phép?

20/05/2019 5:08 PM

(Chinhphu.vn) - Qua kiểm tra rà soát trên địa bàn thành phố, lực lượng chức năng đã ghi nhận có 55 bến thủy nội địa hiện đang hoạt động không có giấy phép.

Xe cơi nới thùng để chở được nhiều hơn ở Bến thủy nội địa Nguyễn Thị Nga trên địa bàn quận 9. Ảnh: Tạp chí giao thông

Theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải TPHCM, đơn vị này đã phối hợp với Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố, Cảng vụ đường thủy nội địa Khu vực III tiến hành kiểm tra, rà soát các bến thủy nội địa đang hoạt động không phép trên địa bàn thành phố.

Kết quả kiểm tra cho thấy có 55 bến thủy nội địa hoạt động không phép, trong đó có 3 bến thuộc quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III, 52 bến thuộc quản lý của Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố.

Trong 3 bến thủy nội địa hoạt động không có giấy phép trên các tuyến sông, kênh, rạch do Cảng vụ Đường thủy nội địa khu vực III quản lý có bến thủy nội địa của Công ty TNHH Xây dựng thương mại địa ốc Lan Anh (phường Thạnh Lộc, quận 12) đã bị cơ quan chức năng đình chỉ theo quyết định số 3918/QĐ- SGTVT ngày 07/08/2017 sau sự cố sạt lở bờ bao sông Sài Gòn.

Cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân của vụ việc được xác định là công ty Lan Anh tập kết vật liệu quá tải dẫn đến việc sạt lở, tuy nhiên đến nay bến thủy nội địa này vẫn đang hoạt động không phép.

Trong 52 bến thủy nội địa hoạt động không phép trên các tuyến sông, kênh, rạch do Cảng vụ Đường thủy nội địa thành phố quản lý thì đứng đầu danh sách là quận 9 và huyện Bình Chánh mỗi quận huyện có 11 bến; huyện Cần Giờ 8 bến; huyện Nhà Bè 5 bến; huyện Củ Chi 4 bến; huyện Hóc Môn, quận 8 và quận Thủ Đức mỗi quận huyện có 3 bến; quận 7 và quận 12 mỗi quận có 2 bến.

Tại quận 9, các bến thủy nội địa không phép tập trung nhiều tại khu vực phường Trường Thạnh thuộc tuyến rạch Chiếc, rạch Trau Trảu… các bến thủy nội địa này đều đã bị lực lượng chức năng xử phạt, ra quyết định đóng bến nhưng hiện vẫn ngang nhiên hoạt động.

Con đường hẻm 118, đường số 6 - Long Bình phải gánh chịu ô nhiễm và nguy cơ tai nạn giao thông. Ảnh: Tạp chí giao thông

Trong 11 bến thủy nội địa hoạt động không phép tại huyện Bình Chánh thì xã Tân Nhựt, xã Tân Kiên và TT Tân Túc mỗi đơn vị có 3 bến hoạt động động không phép; xã Bình Hưng và Đa Phước mỗi xã có 1 bến. Trong đó có tới 4 bến nằm trong phạm vi hành lang bảo vệ cầu, công trình vượt sông.

Lực lượng chức năng đã ban hành quyết định xử phạt với số tiền lớn nhưng vì lợi nhuận, các bến thủy nội địa này vẫn bất chấp hoạt động. Điển hình như bến thủy nội địa Nguyễn Văn Nguyên bị phạt 80 triệu đồng, bến Nguyễn Văn Chấn bị phạt 120 triệu đồng…

Huyện Cần Giờ có 8 bến thủy nội địa không phép, đa số các bến này thuộc loại hình bến vật liệu xây dựng hoạt động trên tuyến sông Vàm Sát, Dinh Bà, Soài Rạp…

Có thể nói, trong thời gian qua, lực lượng chức năng của thành phố và các đơn vị có liên quan đã tích cực vào cuộc kiểm tra, xử lý tình trạng bến thủy nội địa hoạt động không phép trên địa bàn. Tuy nhiên các bến thủy nội địa này vẫn bất chấp quy định, lén lút hoạt động gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong vấn đề xử lý.

Việc các bến thủy nội địa không phép hoạt động đã và đang gây nhiều bức xúc trong nhân dân, khi mà một số bến thủy nội địa lấn sông, lấn rạch… hoạt động gây ách tắc dòng chảy dẫn đến ngập úng. Hay có những bến thủy nội địa hoạt động vi phạm hành lang bảo vệ an toàn sông, ngòi, kênh, rạch…hành lang bảo vệ cầu, công trình vượt sông trên địa bàn thành phố.

Nhà dân phải dùng cây xanh chắn bụi từ cảng thủy nội địa Nguyễn Thị Nga. Ảnh: Tạp chí giao thông

Nhiều bến tập kết vật liệu xây dựng chuyên chở không che chắn, không tuân thủ quy định gây bụi bặm, ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng cuộc sống của người dân.

Thiết nghĩ cần có sự vào cuộc đồng bộ, phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương để xử lý triệt để tình trạng này. Tránh việc phạt cứ phạt, làm cứ làm gây bức xúc trong dư luận.

Anh Tuấn

Top