TPHCM có lợi thế trong kiểm soát dịch tả heo châu Phi

05/03/2019 6:09 PM

(Chinhphu.vn) - Với việc chỉ có 12 lò giết mổ tập trung chính thức, TPHCM đang có lợi thế trong kiểm soát tình hình dịch tả heo Châu Phi so với các địa phương khác.

Việc chỉ có các lò mổ công nghiệp đã giúp TPHCM kiểm soát an toàn thực phẩm tốt hơn so với nhiều địa phương.

Siết quản lý lò mổ, chợ đầu mối, nơi chế biến thực phẩm

Cùng với thông tin dịch tả heo Châu Phi đã bị phát hiện ở 7 tỉnh thành phía Bắc, và đã có hơn 4.200 con heo bệnh bị thiêu hủy, cuộc họp kinh tế-xã hội sáng ngày 5/3 của UBND TPHCM đã tập trung lớn nỗ lực cho công tác chuẩn bị ứng phó dịch.

Theo Trưởng Ban Quản lý An Toàn Thực phẩm TPHCM Phạm Khánh Phong Lan, hiện đơn vị này đang phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Sở NN&PTNT), mà cụ thể là Chi cục Thú y để kiểm soát tình hình. Tuy nhiên, với thực tế giao thông khá thông suốt như hiện nay, giá cả thịt heo lại đang chênh lệch giữa phía Bắc và phía Nam, TPHCM cũng là thị trường “mở” nên nguy cơ heo bệnh đi về địa bàn này là có thật. Trước hết, cần khẳng định rằng dịch tả heo châu Phi không lây cho người, nhưng nguy cơ đàn heo chết khi mắc bệnh là 100%.

Điều đáng lo hơn là nếu người nuôi tiếc rẻ heo chết và lén lút đưa vào thị trường thì sẽ  dẫn tới nguy cơ mất an toàn thực phẩm và sinh ra các bệnh khác. Thực phẩm dư thừa từ các bếp ăn tập thể, hàng quán sau đó… lại được thu gom về làm thức ăn chăn nuôi heo sẽ tiếp tục làm dịch bệnh lây lan. Cũng theo người đại diện Ban ATTP TPHCM, virus dịch tả heo Châu Phi có khả năng tồn tại rất lâu, “tới cả nghìn ngày trong điều kiện thịt đông lạnh, trong xúc xích, trong thịt nguội…”.

“Chúng tôi đang cùng cơ quan Thú y và các đoàn liên ngành chốt chặn kiểm tra nhiều nơi. Nhất là các chợ đầu mối sẽ được tăng cường kiểm soát nguồn heo bằng 2 biện pháp: kiểm tra giấy tờ truyền thống & đeo vòng truy xuất. Tới nay tuy chưa phát hiện heo mắc dịch tả Châu Phi về TPHCM nhưng lại phát hiện ra heo bị tai xanh, bị lở mồm long móng từ các địa phương khác đưa về”, bà Phong Lan cho hay.

Dù sao, với dịch tả heo Châu Phi, TPHCM đang có lợi thế trong kiểm soát tình hình khi chỉ có 12 lò giết mổ tập trung chính thức. Nếu so với con số gần 1.000 lò giết mổ các loại ở Hà Nội thì TPHCM đang có thuận lợi nhất định.

Dừng tiếp nhận nguồn heo từ các tỉnh phía Bắc

Song song với công tác kiểm dịch ở “đầu ra”, Sở NN&PTNT TPHCM đã triển khai các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ , Bộ NN&PTNT và Kế hoạch ứng phó dịch chi tiết tới các sở ngành, quận huyện, cơ quan, đơn vị, người dân…

Theo đó, TPHCM đã ngưng tiếp nhận heo từ các tỉnh phía bắc để ưu tiên cho các địa phương an toàn dịch từ Đông và Tây Nam Bộ. Đồng thời cho thực hiện hàng loạt giải pháp như: tăng cường kiểm soát các đầu mối giao thông từ các tỉnh vào TPHCM và ngược lại (Chi cục Thú y, Lực lượng Quản lý thị trường và Công an TPHCM đang đảm nhận công tác này); Các cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, các chợ đầu mối cũng được siết chặt kiểm dịch.

Đáng chú ý, Sở NN&PTNT TPHCM đang truy tìm thông tin về 300 con heo từ Đông Hưng - Thái Bình “quá giang” TPHCM để đi về một vựa heo tại tỉnh Vĩnh Long. Tuy nhiên, khi phối hợp kiểm tra cùng các địa phương thì lô heo này đã “bặt tăm”. “Có thể lô hàng trên đã ra khỏi TPHCM, hoặc có thể đã vào một chỗ giết mổ lậu nào đó”, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Phước Trung cảnh báo.

Người đại diện Sở NN&PTNT TPHCM cũng khẩn thiết đề nghị sự phối hợp tuyên truyền của các đoàn thể, tổ chức xã hội, báo chí, doanh nghiệp và người dân về dịch tả heo Châu Phi. Trong đó, chủ yếu là các hướng dẫn người chăn nuôi về an toàn sinh học và các triệu chứng, bệnh tích trên heo cũng như những giải pháp xử lý khi phát hiện dịch. Trong đó, có yêu cầu cách ly bếp ăn gia đình với khu chăn nuôi heo; vệ sinh, sát trùng tay chân cẩn thận sau khi tiếp xúc với chuồng trại; không lấy nước từ kênh rạch giội rửa chuồng trại để tránh lây lan dịch bệnh; ngừng công tác tham quan các trại heo….

“Dịch tả heo Châu Phí không lây cho người. Vì vậy, nếu người tiêu dùng quay lưng với thịt heo thì rất nguy hiểm cho ngành chăn nuôi này do giá thịt heo hiện đang trên đà giảm”, ông Trung nhận định thêm đồng thời cho hay đang cùng lãnh đạo các sở ngành ở những địa phương khác lập nhóm trao đổi thông tin trực tuyến để kịp thời có biện pháp chống dịch.

Đã chuẩn bị các nguồn thực phẩm dự phòng

Còn theo Báo cáo từ Sở Công thương TPHCM, trong tình huống xấu hơn, giả định phát hiện có dịch tả heo Châu Phi và phải thiêu hủy triệt để đàn heo tại các khu vực chăn nuôi liên quan thì TPHCM vẫn đảm bảo đủ nguồn thực phẩm cho địa bàn trong một khoảng thời gian nhất định.

Hiện Sở Công thương TPHCM đã làm việc với các đơn vị có nguồn cung lớn để chủ động lượng hàng cung cấp cho thị trường. Trong đó, doanh nghiệp lớn nhất là Vissan đang triển khai thuê thêm kho lạnh để thu mua dự trữ 3.600 tấn thịt heo (nhu cầu TPHCM là 800 tấn/ngày). Vissan cũng đang tính tới phương án nhập khẩu thịt từ các nước lân cận nếu có biến động lớn về nhu cầu trong nước.

Tương tự, một nhà chăn nuôi khác là Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam với khả năng cung cấp hàng nghìn con heo thịt mỗi ngày cũng cam kết đảm bảo dự trữ cho trường hợp xấu.

Trong khi đó, Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn tuy chỉ có vài trăm con heo cho thị trường mỗi ngày nhưng lại là đơn vị sản xuất con giống tái đàn nên cũng đang cấp tập chuẩn bị phòng dịch. “Chúng tôi cũng đã làm việc với các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm thay thế để có thêm nguồn thịt bổ sung. Đó là các doanh nghiệp chăn nuôi, chế biến thịt gia cầm…”, Giám đốc Sở Công thương Phạm Thành Kiên cho hay.

Hiện thị trường TPHCM mỗi ngày tiêu thụ khoảng 10.000 con heo nhưng chỉ có thể “tự cấp” được khoảng 20%, số còn lại đến từ các địa phương khác. Tuy nhiên, vì là nơi cung cấp tới hàng triệu con heo giống mỗi năm cho cả nước nên công tác cô lập dịch tả heo Châu Phi với TPHCM là rất cấp thiết.

Phương Hiền

Top