TPHCM đẩy nhanh mạng lưới cung ứng cho các nhà đầu tư

15/12/2020 5:18 PM

(Chinhphu.vn) - Với cơ sở dữ liệu của trên 150 doanh nghiệp cung ứng công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trên cả nước, TPHCM đang đẩy nhanh quá trình phát triển chuỗi cung ứng CNHT cho các nhà đầu tư trên địa bàn.

Doanh nghiệp cung ứng cần cải tiến quy trình, quy chuẩn khi tham gia vào chuỗi cung ứng của các nhà đầu tư.

Tại Diễn đàn cơ hội kết nối các nhà đầu tư cho ngành sản xuất CNHT mở rộng sản xuất vừa tổ chức tại TPHCM, công ty cơ khí Nguyên Phúc ở Bình Dương lần đầu tiên có cơ hội tiếp cận với Techtronic Industries (TTi) - một tập đoàn Hoa Kỳ đang đầu tư tại Khu công nghệ cao TPHCM. Giám đốc doanh nghiệp này cho biết, Nguyên Phúc vốn là doanh nghiệp làm hệ thống thông gió và hút bụi cho các tòa nhà và các xưởng gỗ ở Bình Dương. Từ năm 2019, qua sự giới thiệu của đối tác, Nguyên Phúc bắt đầu tham gia vào chuỗi cung ứng cho một tập đoàn nội thất có tiếng của Thụy Điển. Từ những kinh nghiệm như vậy, ngay khi có sự kết nối của Sở Công Thương TPHCM, Nguyên Phúc đã gửi hồ sơ “ứng cử” cung cứng cho TTi Việt Nam. “Phía TTi đã đến nhà máy của chúng tôi và họ nói chưa đạt các yêu cầu về tiêu chuẩn nhà máy nhưng họ đánh giá chúng tôi có đủ năng lực để sản xuất cho họ”, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kết quả sau hoạt động kết nối.

Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển công nghiệp hỗ trợ, Sở Công Thương TPHCM cho biết, sau hoạt động kết nối với 4 khu công nghiệp các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương và Bà Rịa-Vũng Tàu đã có gần 30 DN cung ứng của các địa phương này xong bước khảo sát nhà máy cùng với chuyên gia của TTi.

Trong khi đó, phía Sở Công Thương TPHCM đã xây dựng cơ sở dữ liệu của trên 150 doanh nghiệp sản xuất CNHT trong nước. Đây là một trong những thành quả từ sự ký kết hình thành mạng lưới các nhà cung ứng do TPHCM khởi xướng nhằm gắn kết được các DN sản xuất tham cung ứng cho các DN công nghệ cao đang đầu tư tại SHTP.

Ngoài ra, sự hợp tác vùng còn nhằm kết nối giữa các DN sản xuất CNHT với các đơn vị phát triển hạ tầng. Đơn cử như với Nguyên Phúc, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết ba nhà máy hiện tại đã chạy hết công suất, sắp tới đây khi đạt được thỏa thuận với TTi, đơn vị này phải xây dựng một nhà máy mới. Đây cũng là nhu cầu của các DN cung ứng khi DN có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của nhà đầu tư. Bà Oanh đánh giá, việc phát triển nhà máy ngay tại các khu công nghiệp là một điều kiện rất quan trọng để DN sản xuất CNHT có được hệ thống sản xuất tinh gọn, đáp ứng các yêu cầu của nhà đầu tư.

Một nhiệm vụ khác trong thực hiện liên kết vùng là mời gọi sự tham gia của các ngân hàng thương mại nhằm giảm áp lực về vốn cho DN cung ứng. Hiện đã có sự tham gia của VietinBank, ngân hàng này đã ký hợp tác trực tiếp với nhiều doanh nghiệp FDI đang đầu tư tại Khu công nghệ cao TPHCM trong thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng bao thanh toán để làm sao giảm áp lực về vốn cho DN khi đã có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng.

Thông qua các hoạt động như diễn đàn kết nối vừa qua, các đơn vị đầu mối như Sở Công Thương, Ban quản lý Khu công nghệ cao TPHCM đã kết nối DN cung ứng với các tổ chức như VCCI để các tổ chức này cử chuyên gia đến nhà máy của các DN sản xuất CNHT trong nước, hướng dẫn DN cải tiến ngay hệ thống quản trị chất lượng. Đây là điều kiện tiên quyết để mở rộng cũng như tăng quy mô sản xuất từ đơn lẻ lên sản xuất hàng loạt.

Băng Tâm

Top