TPHCM: Di tích khảo cổ cấp quốc gia có nguy cơ ‘biến mất’

20/05/2018 4:09 PM

(Chinhphu.vn) - Mặc dù có cơ sở pháp lý để bảo vệ và tôn tạo nhưng do thiếu sự quan tâm của các đơn vị chức năng, hiện di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi ở TPHCM đang bị xâm hại nghiêm trọng và có nguy cơ ‘biến mất’.

Di tích khảo cổ học cấp quốc gia Lò gốm Hưng Lợi, một trong những làng nghề nổi tiếng của Sài Gòn xưa giờ như một 'gò đất hoang' cỏ cây mọc um tùm. Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi nằm tại phường 16, quận 8. Theo các nhà khảo cổ, Lò gốm cổ Hưng Lợi có tuổi đời khoảng 300 năm. Di tích lịch sử này cũng là công trình khảo cổ học duy nhất trong nội thành TPHCM.

Năm 1998, di tích Lò gốm Hưng Lợi được Bộ Văn hóa - Thông tin, nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích khảo cổ học cấp quốc gia theo quyết định số 722 - QĐ/BVHTT ngày 25/4/1998.

Về giá trị lịch sử, văn hóa, Lò gốm Hưng Lợi xưa được xác định là dấu tích vật chất quan trọng, phản ánh về một ngành nghề thủ công và một làng nghề nổi tiếng của vùng đất Sài Gòn – Gia Định xưa.

Tuy nhiên, khi phóng viên tìm tới di tích lịch sử cấp quốc gia này thì không khỏi bất ngờ trước sự hoang tàn và có thể nói là biến dạng của nó.

Cổng vào không có biển di tích quốc gia. Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Toàn bộ lối vào được dùng để xe máy. Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Phía trong cổng tràn ngập cỏ rác. Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Chiếc cổng đi vào khu di tích không có biển hiệu, không có cửa, bên trong phải thật chú ý mới thấy những mảnh đất nung, mảnh gốm còn sót lại. Những gò ụ vốn là nơi đặt lò nung ngày xưa hiện đổ nát, cây cỏ dại mọc um tùm, rác thải ngập tràn... nếu không tìm hiểu trước và không hỏi thăm thì chắc chắn không ai có thể nhận ra và tin rằng đây là một di tích lịch sử (di tích khảo cổ) cấp quốc gia.

Quan sát thực tế, có thể thấy rằng di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi đã bị xâm phạm nghiêm trọng, ngay trong vùng bảo vệ di tích, không chỉ cỏ dại mọc, nơi đổ rác, mà phần lớn diện tích bị người dân lấn chiếm sử dụng… Thêm nữa, qua tìm hiểu được biết khu vực di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi hiện đang bị tranh chấp, khiếu nại về chủ quyền.

Điều ngạc nhiên hơn, mặc dù là một di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng khi phóng viên hỏi thăm đường vào thì hầu hết người dân trên địa bàn đều không biết đến di tích này?

Sau 20 năm được công nhận, chỉ còn một vài mảnh gốm sót lại để du khách có thể nhận ra di tích Lò gốm Hưng Lợi, một trong những di tích “có một không hai” tại TPHCM. Ảnh: VGP/Anh Tuấn
Ảnh: VGP/Anh Tuấn

Được biết, sau khi khai quật năm 1998, khu vực Lò gốm cổ Hưng Lợi đã được khoanh vùng bảo vệ, xây cổng và làm mái che nhằm bảo tồn khu di tích. Tuy nhiên, do thiếu sự quan tâm của các đơn vị chức năng, hiện di tích lịch sử cấp quốc gia Lò gốm cổ Hưng Lợi đã bị biến dạng hoàn toàn và có nguy cơ ‘biến mất’.

Là một di tích khảo cổ học cấp quốc gia, Lò gốm cổ Hưng Lợi đang rất cần sự quan tâm của các cơ quan, ban ngành chức năng trong việc bảo tồn. Đặc biệt, không chỉ là một di tích, Lò gốm cổ Hưng Lợi còn là một trong số không nhiều những “nhân chứng” của lịch sử phát triển hơn 300 năm TPHCM.

Trong các tài liệu xưa, địa danh Lò Gốm được nhắc đến đầu tiên khi có sự kiện đào kênh Ruột Ngựa năm 1772 trong cuốn “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức. Còn trong bản đồ thành Gia Định vẽ năm 1815 cũng ghi địa danh Xóm Lò Gốm ở khoảng làng Phú Lâm - Phú Định.

Một số tài liệu của người Pháp cũng cho biết làng gốm có hơn 30 lò tập trung ở làng Hòa Lục, Phú Định, Cây Mai… Nơi đây có những sản phẩm nổi tiếng, cung cấp cho Sài Gòn và các tỉnh miền Tây.

Quá trình khai quật cuối năm 1997 và đầu năm 1998 cho thấy khu Lò gốm Hưng Lợi có cấu trúc khá phức tạp với có 3 giai đoạn sản xuất gồm 3 lò gốm nối tiếp và chồng lên nhau. Các nhà nghiên cứu cũng tìm thấy rất nhiều mảnh gốm của các loại lu, khạp, siêu, chậu...

Anh Tuấn

Top