TPHCM: Dịch vụ giảm tốc, tiềm năng vẫn lớn

05/04/2019 7:18 AM

(Chinhphu.vn) - 6/9 ngành dịch vụ chủ yếu và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu tại TPHCM cùng tăng thấp hơn hồi quý 1 năm ngoái do chịu tác động tiêu cực từ tình hình thương mại toàn cầu.

3 nhóm ngành gồm bất động sản, thương mại và vận tải kho bãi tiếp tục chiếm tỷ trọng cao, lên đến 34,9% trong tổng GRDP của TPHCM 3 tháng qua. Ảnh: VGP

Tổng kết từ phiên họp tình hình kinh tế xã hội quý 1 năm 2019 của TPHCM chiều ngày 4/4 cho thấy tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 3 tháng đầu năm nay chỉ tăng 5,7% so với cùng kỳ 2018 (cùng kỳ tăng đến 10,6%). Nhập khẩu cũng chỉ tăng 1,3% (cùng kỳ tăng 12,8%).

Tổng sản phẩm nội địa GRDP của TPHCM quý 1 năm nay vẫn tăng tương đương cùng kỳ năm ngoái, với mức tăng là 7,64%. Trong đó khu vực công nghiệp và xây dựng (đang chiếm tỷ trọng 21,5% GRDP) tăng được 7,41%, nhanh hơn cùng kỳ 2018. Khu vực nông nghiệp tuy có giảm tốc nhưng do chiếm tỷ trọng chưa tới 1% GRDP nên sự ảnh hưởng là không đáng kể.

Đáng chú ý hơn cả là khu vực dịch vụ - nơi đang chiếm tỷ trọng 63,1% trong GRDP - lại giảm tốc, từ chỗ tăng được 7,98% (quý 1 năm 2018) về mức tăng 7,7% (quý 1 năm 2019).

6 ngành thương mại, dịch vụ giảm tốc vào 3 tháng đầu năm nay gồm có: thương mại, vận tải kho bãi, du lịch, tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, bất động sản và y tế.

Theo giải thích của Sở Công thương TPHCM, sự giảm tốc này là do xu hướng tiêu dùng, mua sắm và đầu tư của người dân lẫn du khách đang có thay đổi. Theo đó, các hoạt động mua sắm, đầu tư, tích trữ hàng hóa đã dàn đều vào các dịp lễ hội, nghỉ ngơi khác trong năm thay vì tập trung cao điểm quanh mùa tết nguyên đán.

Còn theo phân tích của Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM, hiện tượng 6/9 ngành dịch vụ chủ yếu và kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu cùng tăng thấp hơn hồi quý 1 năm ngoái là do chịu tác động tiêu cực từ tình hình thương mại toàn cầu khi Hoa Kỳ tiếp tục thực hiện các giải pháp để giảm nhập siêu, dần cân bằng cán cân thương mại, còn nhiều nền kinh tế khác lại gia tăng bảo hộ sản xuất trong nước.

Tuy nhiên, nhìn chung kinh tế TPHCM vẫn khẳng định xu hướng sự dịch chuyển trong cơ cấu khi tỷ trọng các ngành dịch vụ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, có lợi thế cạnh tranh tiếp tục tăng dần. Riêng 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu chiếm tỷ trọng lên tới 57,7% GRDP. Tiềm năng phát triển khu vực dịch vụ tại TPHCM như vậy vẫn còn rất lớn.

Điển hình như với ngành du lịch TPHCM, thống kê cho thấy một lượt du khách quốc tế bình quân lưu trú tại TPHCM 4,2 ngày, cùng số tiền chi tiêu hơn 140 usd/người/ngày. Như vậy, 36,5 triệu lượt khách quốc tế lẫn nội địa đến TPHCM trong năm qua đã góp phần đáng kể vào gia tăng sức mua tại TPHCM.

Thu ngân sách đạt 98.365 tỷ đồng

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM trong 3 tháng đầu năm cho biết, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tính đến hết tháng 3 ước đạt 324.497 tỷ đồng, tăng 7,64%, tương đương cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,64%).

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 285.088 tỷ đồng, tăng 12,9% so cùng kỳ; Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 8,98 tỷ USD, tăng 5,7% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 10,6%). Nếu không tính giá trị dầu thô đạt 8,4 tỷ USD, tăng 6,4%. Kim ngạch nhập khẩu đạt 10,8 tỷ USD, tăng 1,3% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 12,8%).

Lượng khách quốc tế đạt 2.257.994 lượt, tăng 14,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,6%). Doanh thu du lịch đạt 39.872 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ.

Huy động vốn của các tổ chức tín dụng đạt 2.223.150 tỷ đồng, tăng 1,0% so cuối năm 2018. Dư nợ tín dụng đạt 2.060.400 tỷ đồng, tăng 2,0% so cuối năm 2018. Khối lượng giao dịch bình quân của thị trường chứng khoán đạt 268 triệu chứng khoán/ngày, giá trị giao dịch bình quân đạt 3.748 tỷ đồng/ngày. Nhà đầu tư nước ngoài mua ròng gần 126 triệu chứng khoán tương ứng với giá trị mua ròng hơn 4.121 tỷ đồng.

Đầu tư trong nước gồm cả đăng ký mới và bổ sung là 214.992 tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Thành phố có 8.639 doanh nghiệp được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 147.114 tỷ đồng (tăng 2,4% số lượng doanh nghiệp và tăng 46% về vốn đăng ký so cùng kỳ); có 983 doanh nghiệp giải thể. Tổng số doanh nghiệp lũy kế còn trên hệ thống là 380.064 doanh nghiệp; trong đó, có 582 doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh trên 1.000 tỷ đồng (chiếm 0,15% tổng số doanh nghiệp), có 7.694 doanh nghiệp có vốn đăng ký kinh doanh trên 100 tỷ đồng (chiếm 2,02%).

Thành phố cũng thu hút được 1,55 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài (tăng 20,4% so với cùng kỳ). Trong đó cấp mới 254 dự án với tổng vốn đạt 288,8 triệu USD.

Thu ngân sách Nhà nước đạt 98.365 tỷ đồng, bằng 24,65% dự toán, tăng 7,18% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 12.845 tỷ đồng, đạt 14,45% dự toán.

Phương Hiền

Top